Tin thủy sản Lợi ích kép từ mô hình chuôm

Lợi ích kép từ mô hình chuôm

Tác giả HOÀNG LOAN, ngày đăng 13/06/2016

Lợi ích kép từ mô hình chuôm

Nghề chuôm và nò sáo từng là “nghề kiếm cơm” chủ yếu của những người dân vùng đầm phá Tam Giang. Cùng với thời gian, môi trường đầm phá bị tác động cộng với sự phát triển tràn lan của phương tiện hủy diệt, các loại thủy sản đầm phá dần suy giảm, nghề chuôm từ đó cũng giảm dần về số lượng, có thời điểm toàn huyện Quảng Điền chỉ còn một vài trộ chuôm.

Năm 2012, huyện Quảng Điền triển khai nhiều hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang, như tiến hành thành lập khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ (xã Quảng Lợi), khuyến khích vận động ngư dân phát triển các loại nghề khai thác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các dự án phi chính phủ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…mô hình chuôm đang dần lấy lại chỗ đứng trong phát triển thủy sản gắn với bảo vệ môi trường.

Mới đây, tổ chức SODI (dự án “Hỗ trợ các cộng đồng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng phá Tam Giang”) và dự án Luxembourg (Dự án “Xây dựng năng lực cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và hỗ trợ người dân sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện sinh kế” do Đại sứ quán Phần Lan tài trợ) cũng hỗ trợ huyện Quảng Điền trong việc phát triển mô hình chuôm.

Ông Trần Hợi, thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi cho hay: Chúng tôi được dự án hỗ trợ mỗi trộ chuôm 10 triệu đồng. Hiện đang tiến hành xây dựng trộ chuôm, dự kiến vào tháng 8 sẽ tiến hành thu hoạch.

Các trộ chuôm được hình thành bằng cách xếp các bó hóp, thân tre sát nhau theo hình vòng tròn ở nơi có độ sâu trên 3 mét. Vì thế, khu vực giữa phá thường được chọn để đặt chuôm. Người đặt chuôm phải có kinh nghiệm quan sát con nước, không đặt chuôm ở những vị trí nước chảy xiết. Các cọc tre thường được cắm ở vị trí trung tâm, tiếp đó là lớp hóp, tre được cắm vòng ngoài cùng để giảm tình trạng bị nước cuốn trôi.

Trộ chuôm lớn nhỏ tùy khả năng người đặt trộ, thông thường trộ có đường kính khoảng chừng 6-7 mét. Trước đây, khi thu hoạch, ngư dân phải nhìn nước, nếu cảm nhận chuôm có cá nhiều đến trú ẩn thì tiến hành thu (thảy) chuôm. Còn giờ mỗi nhà đều sắm cho mình một kính lặn, chỉ cần lặn xuống thấy cá nhiều là tiến hành thu hoạch.

Mỗi lần thảy chuôm cần ít nhất 5 người, người vây và giữ sáo, người nhổ chuôm đưa ra ngoài. Người ta thường thảy chuôm vào thời điểm 2, 3 giờ sáng và hoàn thành vào 5, 6 giờ sáng. Để thảy chuôm, phải dùng sáo vây quanh trộ chuôm, công đoạn này phải nhẹ nhàng không gây tiếng động lớn nếu không cá sẽ thoát ra ngoài trước. Chuôm trong vòng sáo được đưa ra ngoài, đến lúc vòng vây thật hẹp, có thể bắt được cá. Công đoạn thu hoạch chuôm với những người làm nghề luôn tạo nên sự hứng khởi đặc biệt. Thảy xong, chuôm cũ được xếp lại để làm trộ mới, vì thế, chi phí cho những lần xây dựng trộ chuôm sau này cũng giảm đi.

Theo ông Nguyễn Nhân, thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, mấy năm gần đây, thôn được đầu tư chiếc thuyền máy phục vụ công tác bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, nên các đối tượng khai thác hủy diệt cũng ít hoạt động. Nhờ thế, hiệu quả của mô hình chuôm cũng được nâng lên, có trộ còn cho thu nhập đến 25 triệu đồng. Vì thế, bà con mình cũng bắt đầu có lòng tin vào mô hình chuôm.

Hiện toàn huyện Quảng Điền có gần 160 trộ chuôm, trung bình mỗi trộ cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng. Khó khăn lớn nhất của mô hình là thời gian kéo dài chừng 2 đến 4 tháng, đầu tư ban đầu cũng khá lớn. Do nằm khá xa khu dân cư nên vấn đề quản lý khó khăn...

Ông Nguyễn Ngọc Tiến cho hay: Huyện có chủ trương khuyến khích ngư dân phát triển mô hình này. Nếu tính về kinh tế trước mắt thì nghề chuôm không bằng các nghề lưới lừ, cào lươn, sáo mùng, thời gian thu hoạch cũng kéo dài. Nhưng về mặt lâu dài, nghề chuôm mang lại lợi kép, vừa bảo vệ nguồn cá tự nhiên, vừa tạo nơi trú ẩn an toàn cho các loại thủy sản. Việc phát triển rộng mô hình sẽ giúp hạn chế tình trạng khai thác hủy diệt, phát huy tinh thần tự quản của ngư dân, trả lại cân bằng sinh thái trên đầm phá.


Nuôi cá tra theo công nghệ Đan Mạch Nuôi cá tra theo công nghệ Đan Mạch Vua tôm than trời: Vì đâu nên nỗi? Vua tôm than trời: Vì đâu nên nỗi?