Mô hình kinh tế Lợi ích lớn từ mô hình 3 giảm, 3 tăng

Lợi ích lớn từ mô hình 3 giảm, 3 tăng

Ngày đăng 03/10/2015

Lợi ích lớn từ mô hình 3 giảm, 3 tăng

Giảm chi phí, nâng hiệu quả

Hậu Giang là một tỉnh thuần nông, diện tích lúa mỗi năm của tỉnh Hậu Giang là trên 200.000ha.

 

Áp dụng biện pháp sạ hàng giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Theo Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Hậu Giang, dự án 3 giảm 3 tăng do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai được thực hiện tại Hậu Giang từ năm 2014. Vào vụ hè thu năm 2015, dự án được thực hiện quy mô 60ha, với 78 hộ tham gia tại huyện Châu Thành A và thị xã Long Mỹ.

Trong năm 2016 tới sẽ tiếp tục thực hiện ở vụ đông xuân.

“Các hộ ND được chọn tham gia dự án là những hộ tự nguyện tham gia mô hình, cam kết tích cực tham gia hội thảo và hướng dẫn ND khác nhân rộng mô hình, có khả năng thực hiện tốt các nội dung hướng dẫn của cán bộ chỉ đạo mô  hình.

Sau khi thống nhất chọn được các hộ tham gia dự án, các trạm khuyến nông cấp huyện sẽ ký hợp đồng trình diễn với đại diện của hộ để thực hiện dự án này” – ông Nguyễn Văn Thống – Trưởng trạm Khuyến nông khuyến ngư thị xã Long Mỹ cho biết.

Ông Trần Văn Hai ngụ ấp 8, xã Thuận Hưng, thị xã Long Mỹ, chia sẻ:

“Với diện tích 1,5ha của gia đình, khi tham gia mô hình tôi sử dụng giống OM 5451 cấp xác nhận 1 và chỉ sử dụng 100kg giống/ha, giảm 75kg/ha so với trước đây.

Ngoài ra tôi còn được hướng dẫn phun thuốc bảo vệ thực vật 3 lần (phòng bệnh đạo ôn cổ bông 2 lần và sâu cuốn lá 1 lần), giảm 2-3 lần phun thuốc trên vụ.

Cuối vụ thu hoạch lúa tươi đạt 7,8 tấn/ha, thu được hơn 35 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí lãi gần 20 triệu đồng/ha”.

Do được bón phân đúng theo quy trình canh tác, liều lượng phân cân đối nên lúa phát triển tốt. Năng suất tăng 200kg/ha lúa tươi, chất lượng sản phẩm đạt theo yêu cầu không có dư lượng, từ đó có thể cạnh tranh được với thị trường trong và ngoài nước, góp phần tăng lợi nhuận.

Chi phí sản xuất trong dự án thấp hơn so với ngoài dự án, lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 20%.

Trang bị kiến thức cho ND

 Vào vụ hè thu năm 2015, dự án 3 giảm 3 tăng được thực hiện quy mô 60ha, với 78 hộ tham gia tại huyện Châu Thành A và thị xã Long Mỹ. Trong năm 2016 tới sẽ tiếp tục thực hiện ở vụ đông xuân. 

Ngoài việc góp phần giúp ND giảm chi phí trong sản xuất lúa, nhất là trong thời kỳ giá cả giống lúa, vật tư tăng cao như hiện nay, dự án còn tạo cho bà con có thói quen ghi chép sổ sách trong quá trình sản xuất, giúp bà con tự hạch toán chi phí sản xuất của mình.

Bên cạnh đó, việc giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng bón đạm, áp dụng tưới nước ngập khô xen kẽ góp phần giảm phát thải đáng kể lượng khí nhà kính trong sản xuất lúa, đồng thời áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM giúp cho môi trường sinh thái đồng ruộng, hệ động thực vật từng bước được bảo vệ, đảm bảo sức khoẻ cho người trồng lúa.

Ông Bành Đức Tín – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Hậu Giang, nhận định:

ND tham gia còn được trang bị thêm kiến thức về kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới góp phần giảm chi phí trong quá trình canh tác.

Sản phẩm của bà con ND làm ra sẽ đáp ứng theo nhu cầu thị trường hiện nay, nhất là các giống lúa có chất lượng gạo ngon, tỷ lệ gạo nguyên cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Cũng theo ông Tín, người ND thường lo ngại kỹ thuật mới làm giảm năng suất, ảnh hưởng đến thu nhập của họ, vì vậy cần tuyên truyền cho ND hiểu được việc gieo sạ thưa không làm giảm năng suất mà năng suất còn tăng lên. 


Xây dựng thương hiệu gạo Việt là quá trình lâu dài Xây dựng thương hiệu gạo Việt là quá… Hộ nghèo trồng rừng được hỗ trợ thế nào Hộ nghèo trồng rừng được hỗ trợ thế…