Tin nông nghiệp Lợi ích mang lại từ canh tác cà phê cảnh quan

Lợi ích mang lại từ canh tác cà phê cảnh quan

Tác giả Minh Quý - Minh Hậu, ngày đăng 08/12/2021

Lợi ích mang lại từ canh tác cà phê cảnh quan

HTX Nông nghiệp hữu cơ Đăk Nông tại xã Đăk R’Moan, TP Gia Nghĩa (Đăk Nông) xây dựng mô hình cà phê cảnh quan giúp sản lượng, chất lượng sản phẩm tăng cao.

Dẫn phóng viên vào vườn cà phê cảnh quan 20 ha đang thu hoạch của gia đình, ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đăk Nông (xã Đăk R’Moan, TP Gia Nghĩa) cho biết, năm nay cà phê bội thu, ước đạt hơn 3,5 tấn/ha.

Theo ông Thạch, vườn cà phê của gia đình đang được đầu tư theo mô hình cà phê cảnh quan, đạt chuẩn hữu cơ. Ngoài ông Thạch, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đăk Nông có 255 ha cà phê của các thành viên với sản lượng hàng năm đạt từ 650-700 tấn.

Tất cả diện tích cà phê của HTX được xây dựng theo cà phê cảnh quan với vườn sinh thái theo mô hình 3 tầng.

“Thứ nhất là tầng cây cao gồm cây ăn trái, cây nọc tiêu che nắng, che sương, gió để điều tiết nhiệt độ vườn. Tầng trung là trồng cà phê và tầng thấp nhất là nuôi thảm thực vật cỏ”, ông Thạch nói.

Theo ông Thạch, thảm cỏ thực vật là tầng rất quan trọng của mô hình cà phê cảnh quan phù hợp với mô hình sinh thái. Nếu áp dụng biện pháp quản lý cỏ dại sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: tạo thảm phủ mặt đất chống xói mòn, giữ ẩm, bổ sung hữu cơ cho đất và tạo môi trường cho vi sinh vật có lợi phát triển, giúp cây trồng phát triển tốt hơn.

Việc áp dụng quản lý thảm cỏ thay thế thuốc diệt cỏ giúp nông dân tiết kiệm nước tưới do đã giảm bốc hơi nước và giữ ẩm, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng phát triển khỏe mạnh. Từ đó, chất lượng cà phê được cải thiện, không có tồn dư hoạt chất Glyphosate trong sản phẩm giúp việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam thuận lợi, đặc biệt là vào thị trường châu Âu.

Vị giám đốc cho biết thêm, để đảm bảo mô hình cà phê hữu cơ, HTX lựa chọn vùng đất không nằm trong khu vực ô nhiễm của các nhà máy, khu dân cư.

Đặc biệt, HTX không sử dụng thuốc cũng như phân bón bảo vệ thực vật để bỏ vào vườn cây. Thay vào đó, HTX sử dụng phân vi sinh hoặc phân dê, bò, vỏ cà phê để chế biến sản phẩm phân chất lượng bón cho cây trồng. Ngoài ra, HTX cũng nhân nuôi vi sinh vật bản địa để phun, tưới cho vườn cây.

“Để đảm bảo mô hình theo tiêu chuẩn quốc tế, HTX đã áp dụng quy trình hữu cơ. Theo đó, HTX trồng các vùng đệm dọc các tuyến đường cũng như vườn giáp ranh với những hộ dân sản xuất cà phê truyền thống. Việc này chống nhiễm chì chéo giữa các vườn. Đặc biệt là giúp vườn cà phê tránh gió, cây trồng phát triển xanh tốt hơn”, ông Thạch chia sẻ.

Vị giám đốc cho biết thêm, theo quy trình tiêu chuẩn hữu cơ, HTX lựa chọn thời điểm thu hái cà phê vào giữa vụ. Ngoài ra, các thành viên HTX thu hái cà phê chín từ 90% trở lên thì từ đó mới đảm bảo quả cà phê có hương vị, chất lượng tốt nhất.

Khi thu hoạch cà phê, các thành viên HTX sẽ tiến hành sơ chế ngay trong ngày. Cụ thể, cà phê sẽ được phân loại bỏ những cành lá hay quả bị sâu, hư hỏng. Sau đó, cà phê đưa vào máy để chế biến cà phê ước nhằm giữa được lượng đường tự nhiên của vỏ cà phê.

“Sau khi chế biến thì đưa vào nhà kính phơi trên giàn cách mặt đất từ 50-70 cm và đảo liên tục. Số cà phê này phải phơi liên tục trong 10 ngày thì cà phê mới đảm bảo chất lượng”, ông Thạch nói.

Theo ông Thạch, hiện HTX đang xây dựng thương hiệu cà phê kiến vàng. Vì HTX sản xuất cà phê theo mô hình hữu cơ nên rất nhiều loại con trùng sinh sống trên vườn cà phê. Khi HTX nghiên cứu, chế biến thì phát hiện những cây cà phê có con kiến vàng làm tổ thì quả cà phê có hương vị đặc biệt, rất thơm ngon. Cà phê này rất khác biệt với những cà phê truyền thống bình thường.

Ngoài cà phê, tiêu của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đăk Nông cũng thực hiện theo mô hình nông nghiệp hữu cơ. Do sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nên giá thành của các sản phẩm luôn cao hơn những sản phẩm sản xuất truyền thống.

“Sản lượng hàng năm đạt năng suất cộng với giá bán cao hơn các sản phẩm truyền thống nên thu nhập của người dân luôn đảm bảo”, ông Thạch nói thêm.


Ứng dụng công nghệ sinh học bảo tồn nguồn gen dòng lan quý hiếm Ứng dụng công nghệ sinh học bảo tồn… Nhân rộng sản xuất giống sá sùng Nhân rộng sản xuất giống sá sùng