Long An Quy Hoạch Vùng Nguyên Liệu Mía
UBND tỉnh Long An vừa phê duyệt Quy hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích mía vùng quy hoạch là 11.000 ha, sản lượng 900.000 tấn mía, chiếm trên 90% sản lượng mía toàn tỉnh.
Vùng quy hoạch nguyên liệu mía tỉnh Long An nằm trong tổng thể vùng sản xuất nguyên liệu chung của các nhà máy mía đường vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ, sản xuất theo cơ chế thị trường, không chia vùng nguyên liệu theo nhà máy mà khuyến khích các doanh nghiệp mía đường đầu tư lâu dài ổn định cho người sản xuất nguyên liệu, tạo sự gắn kết bền vững giữa nhà máy và vùng nguyên liệu.
Tỉnh Long An xác định đầu tư tập trung sản xuất mía theo hướng thâm canh nâng cao hiệu quả sản xuất mía nhờ tăng năng suất, chất lượng, trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao cho diện tích được quy hoạch trồng mía ổn định (trên đất liếp có công trình kiểm soát lũ, mặn), để từ đó giảm giá thành mía tăng lợi nhuận, thu nhập của người trồng mía, đủ sức cạnh tranh với cây trồng khác.
Theo Quy hoạch, không mở rộng diện tích mía trên các địa bàn mới. Chỉ phát triển ổn định mía ở các địa bàn truyền thống, đất nông nghiệp ổn định. Những vùng đất được chọn phải thỏa mãn các điều kiện là vùng đất sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài, đến sau năm 2020; là vùng có truyền thống về sản xuất mía; có hệ thống thủy lợi kiểm soát lũ, mặn cả năm; phù hợp với quy hoạch nông, lâm nghiệp của tỉnh.
Cụ thể, khu vực huyện Bến Lức có 7 xã được chọn vào quy hoạch là Thạnh Lợi, Thạnh Hòa, Bình Đức, Lương Bình, Lương Hòa, Tân Hòa, Tân Bửu; khu vực huyện Thủ Thừa có 1 xã là Tân Thành và khu vực huyện Đức Huệ có 3 xã được chọn là Mỹ Thạnh Bắc, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Bình.
Quy hoạch vùng nguyên liệu mía hướng đến mục tiêu tăng lợi nhuận, thu nhập trên 1 đơn vị diện tích bằng hoặc cao hơn nhóm cây trồng khác trong vùng. Giá trị sản lượng trên 100 triệu đồng/ha, lợi nhuận 46 triệu đồng/ha, thu nhập 64 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, triển khai thực hiện cơ giới hóa các khâu trong sản xuất mía, đặc biệt là khâu thu hoạch và vận chuyển mía nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động trong thời vụ thu hoạch mía, giải phóng người lao động khỏi công việc vất vả, nặng nhọc.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ