Lũ Có Còn Hào Phóng?
Lũ đem đến cho người dân ĐBSCL lượng lớn phù sa cùng nguồn cá, tôm phong phú. Tuy nhiên, cũng chính hành động đánh bắt thủy sản vô tội vạ của con người mà sản vật mùa nước nổi ngày một ít đi…
Về huyện đầu nguồn An Phú và TX. Tân Châu, chợ quê vẫn bày bán đủ loại thủy sản của mùa nước nổi: Bông súng, điên điển, cá lóc, cá rô, cá chốt, cá trèn, cá kết… hầu như đủ cả. Theo kinh nghiệm của người dân, cá bắt đầu “chạy” mạnh từ con nước tháng 8 âm lịch nhưng số lượng năm nay không như mong đợi.
Thời điểm hiện tại, cá linh - loại thủy sản “thế mạnh” của các huyện đầu nguồn – chưa thỏa mãn được kỳ vọng của người dân. Anh Trần Văn Nom (ngụ xã Vĩnh Hội Đông, An Phú) than thở: “Năm nay, cá linh về không bằng năm trước. Hiện tại, tôi đổ lú chỉ được 10 - 20 kg/ngày.
Những anh em đấu thầu đóng đáy ngoài sông cũng than cá linh năm nay ít quá nên thu nhập không được bao nhiêu từ đầu vụ đến giờ”. Cũng theo anh Nom, mùa lũ trước, mỗi ngày anh kiếm được hơn 30kg cá linh, thu nhập 150.000 - 170.000 đồng/ngày.
Năm nay, mức thu đó giảm còn một nửa dù thời điểm hiện tại, cá linh đã vào thời điểm đánh bắt rộ. Muốn bắt được nhiều cá, ngư dân huyện An Phú phải sang đóng thuế để khai thác thủy sản tại Campuchia. Tuy nhiên, sản lượng cá cũng không nhiều như trước vì ngày càng có nhiều người tham gia khai thác theo hình thức này.
Là người chuyên sống với con cá, con tôm nhiều năm, ông Trần Văn Công (ngụ xã Phú Lộc, TX. Tân Châu) cho hay: “Khoảng chục năm trước, tại các cánh đồng ngập nước ở đây vẫn còn nhiều cá lắm. Dân câu lưới tụi tui cũng kiếm được kha khá nhờ vào mùa nước. Bây giờ đời sống chật vật hơn trước vì cá không có nhiều. Vất vả cả ngày mà đôi khi chỉ được chục ký cá mang ra chợ bán, thu nhập chẳng được bao nhiêu”.
Những người thật sự sống với mùa nước nổi như anh Nom, ông Công đều nhận thấy lượng thủy sản sụt giảm và chung một nỗi lo vì không biết làm gì để đảm bảo cuộc sống trong mùa lũ. Bản thân họ cũng hiểu được phần nào nguyên nhân khiến mùa lũ “quay lưng” với con người.
Ông Công thẳng thắn: “Nước lũ mấy năm nay không lớn nên cá cũng không có nhiều. Tôi nhớ năm 2011, khi nước lũ lớn thì người dân đánh bắt được rất nhiều cá, tôm. Những năm gần đây, lũ nhỏ nên cá tôm đâu có chỗ sinh sản, vì thế thủy sản ít đi là đúng thôi”.
Một lý do khác cũng được ông Công bày tỏ chính là ngày càng có nhiều cánh đồng sản xuất lúa vụ 3 nên nước lũ không còn thoải mái “tung hoành”, điều kiện để cá tôm sinh sôi nảy nở bị hạn chế. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những lý do.
Nguyên nhân chính xuất phát từ tình trạng khai thác thủy sản quá đà của con người. Với việc phát triển những ngư cụ đánh bắt cá bằng xung điện, người dân đang khiến các loài thủy sản cạn kiệt dần và họ cũng đang “tự làm khó mình”.
Ông Ngô Văn Thâm (người dân xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) thẳng thắn: “Bây giờ, người ta hay đánh bắt cá bằng điện, đây là hình thức đã bị chính quyền cấm nhưng họ vẫn lén lút khai thác. Khi sử dụng điện thì cá lớn, cá bé đều không thể thoát, nhất là những ghe cào dùng xuyệt điện, theo tôi nghĩ không có loại thủy sản nào tồn tại khi sử dụng hình thức này để khai thác”.
Nước lũ vẫn về, vẫn mang đến nguồn lợi thủy sản cho người dân vùng lũ nhưng đã không còn hào phóng như xưa. Khi người dân vẫn tiếp tục sử dụng những ngư cụ cấm để khai thác cá tôm, khi ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy của người dân chưa được nâng cao thì mùa lũ vẫn còn tiếp tục “quay lưng” với họ.
Vấn đề đặt ra là nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn nguồn lợi thủy sản, để những sản vật mùa nước nổi vẫn tồn tại với thời gian.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ