Mô hình kinh tế Lúa Đông Xuân Sớm Mất Mùa, Rớt Giá

Lúa Đông Xuân Sớm Mất Mùa, Rớt Giá

Ngày đăng 10/02/2015

Lúa Đông Xuân Sớm Mất Mùa, Rớt Giá

Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng và một số tỉnh ĐBSCL nói chung, đang bước vào giai đoạn thu hoạch sớm lúa Đông xuân chính vụ 2014 - 2015. Khác hẳn với vụ Đông xuân năm trước, năm nay, bà con mua bán lúa trong không khí khá trầm lắng vì lúa mất mùa, rớt giá và nguồn lợi nhuận đang bị giảm.

Theo nông dân ở huyện Châu Thành A (địa phương có lúa Đông xuân thu hoạch sớm nhất của tỉnh Hậu Giang), trong khoảng 10 ngày trở lại đây, giá lúa đã giảm thêm 500 đồng/kg và rất khó bán. Hiện lúa thu hoạch sớm chủ yếu là giống IR 50404 và thương lái đang mua với giá từ 4.300 - 4.350 đồng/kg. Tuy nhiên, đây là mức giá được bà con lấy tiền cọc cách nay hơn nửa tháng, còn những diện tích thu hoạch sau Tết Nguyên đán thì giá lúa được dự báo sẽ tiếp tục giảm sâu do vào cao điểm thu hoạch.

Bên ruộng lúa đang thu hoạch của gia đình, ông Lý Thanh Hải, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Nếu vụ lúa Đông xuân trước bà con vui mừng bao nhiêu, thì vụ này lại rầu rĩ bấy nhiêu, bởi giá lúa thấp hơn cùng kỳ khá nhiều và đang tuột dần, làm cho nguồn lợi nhuận đang bị ít lại.

Hiện thương lái mua lúa của tôi và một số bà con ở khu vực này chỉ còn 4.350 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg so với cùng kỳ. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí thì nguồn lợi nhuận chưa đến 2 triệu đồng/công, giảm hơn 1 triệu đồng/công so với vụ Đông xuân năm trước”.

Nhiều địa phương khác ở ĐBSCL có lúa thu hoạch vào thời điểm này cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cho hay: Nông dân Trà Ôn đã thu hoạch được 860/7.000ha lúa Đông xuân sớm, hiện bà con nơi đây cũng đang gặp khó về đầu ra và giá bán thấp.

Hiện tại, lúa chất lượng cao được các thương lái thu mua tại ruộng với giá 5.100 - 5.300 đồng/kg (tùy theo giống), thấp hơn cùng kỳ 500 đồng/kg; lúa thơm Jasmine được Công ty Lương thực Vĩnh Long bao tiêu giá lúa khô là 6.200 đồng/kg, như vậy giá lúa bán tại ruộng chỉ khoảng 5.200 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ khoảng 1.000 đồng/kg; IR 50504 đang ở mức 4.200 - 4.300 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ khoảng 300 đồng/kg. Với mức giá này thì nông dân không thể nào thu được mức lãi 30% sau khi trừ chi phí sản xuất.

Theo bà con nông dân, lâu nay lúa Đông xuân rất dễ bán do thu hoạch trong điều kiện thuận lợi, hạt lúa đạt chất lượng, nhất là lúa thu hoạch vào đầu vụ. Tuy nhiên, có lẽ do giá lúa năm nay thấp nên tình hình tiêu thụ của bà con khá chậm, có ít thương lái hay cò lúa đến hỏi mua, ngã giá như những năm trước.

Ông Lý Thanh Hải, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, cho biết thêm: “Mọi năm, lúa Đông xuân chỉ mới đỏ đuôi là đã có “cò” đến đặt tiền cọc, còn năm nay lúa gần đến ngày thu hoạch mà chẳng thấy “cò” đâu. Nông dân chúng tôi phải chạy kiếm thương lái để bán lúa và điều này ít xảy ra trong những năm gần đây”.

Cũng do giá lúa cứ liên tiếp sụt giảm nên đã có nhiều trường hợp thương lái đã bỏ tiền cọc vì đã lỡ đặt trước đó với nông dân với giá cao. Ông Nguyễn Thành Long, ở cùng ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, thông tin: “Vào thời điểm còn khoảng một tháng nữa lúa sẽ thu hoạch, gần 1ha lúa của gia đình tôi được thương lái đặt tiền cọc với giá 4.400 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện lúa đã quá ngày cắt mấy bữa nay nhưng không thấy thương lái đâu”.

Cùng cảnh ngộ trên, ông Nguyễn Văn Hưng, ở ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Thương lái đến dằn 200.000 đồng tiền cọc/công, với giá 5.100 đồng/kg (giống OM 5451) đến ngày thu hoạch thương lái không đến cân lúa vì giá giảm chỉ còn 4.700 - 4.900 đồng/kg”.

Ngoài gặp khó về giá cả, những nông dân thu hoạch lúa Đông xuân sớm hiện nay còn chịu cảnh mất mùa. Ông Võ Văn Hậu, ở ấp 4A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, cho hay: “Vụ lúa này, năng suất lúa giảm quá, năm rồi đạt 1,3 tấn/công (công 1.300m2), nhưng vụ này chưa đạt 1 tấn/công. Bên cạnh năng suất giảm cộng thêm giá lúa thấp nếu trừ tất cả chi phí thì lời chưa tới 2 triệu đồng/công”. Cũng theo ông Hậu, nguyên nhân năng suất lúa giảm là do chuột cắn phá nhiều, thời tiết không thuận lợi, nhiều dịch bệnh, nhất là xuất hiện tình trạng sương mù dày đặc vào sáng sớm đã làm cho lúa bị sập, giảm năng suất.

Trước tình cảnh khó khăn trên, hiện nông dân đang kỳ vọng nhà nước có những chính sách, giải pháp nhằm ổn định và nâng giá thu mua lúa, đảm bảo nguồn lợi nhuận cho bà con. Bởi theo dự báo, giá lúa sẽ tiếp tục giảm sâu vào thời điểm sau Tết Nguyên đán do vào cao điểm thu hoạch.

Tuy nhiên, việc kỳ vọng này của bà con sẽ khó đạt. Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát ở tỉnh Tiền Giang, cho biết: Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo năm 2015 sẽ gặp khó khăn hơn năm 2014 và khả năng giảm sản lượng do ảnh hưởng nguồn gạo thừa của các nước lân cận. Tuy nhiên, VFA sẽ cố gắng điều tiết theo cung cầu thị trường, theo giá thế giới và sẽ hướng dẫn doanh nghiệp mua bán với giá tốt nhất để giúp nông dân có lãi.

VFA cho biết: Giá xuất khẩu gạo bình quân năm 2014 đạt 500 USD/tấn gạo thơm, 430 - 435 USD/tấn gạo thường, nông dân thu lãi khoảng 30 - 40%. Tuy nhiên, với tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2015 thì sẽ khó tăng giá và thu nhập của nông dân trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa ký được hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung là do phụ thuộc theo quy luật cung cầu.

Trong khi đó, Thái Lan vẫn còn tồn kho một lượng lớn gạo và đang quyết tâm bán sang thị trường châu Phi với giá thấp. Theo đó, Thái Lan dự kiến bán ra khoảng 10 triệu tấn gạo, trong khi giá gạo của Việt Nam chỉ tương đương thị trường Pakistan. Mặt khác, gạo của Pakistan, Ấn Độ xuất sang châu Phi chi phí thấp hơn gạo Việt Nam khoảng 20 USD/tấn.

Như vậy, Việt Nam muốn bán gạo vào thị trường châu Phi thì phải chấp nhận giá cạnh tranh thấp. Mặt khác, sự siết chặt con đường xuất khẩu theo tiểu ngạch và chuyển dần sang chính ngạch đang làm ảnh hưởng đến việc bán gạo sang Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam khá lớn qua đường chính ngạch và tiểu ngạch trong thời gian gần đây. Theo thống kê của VFA, trong năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 1,5 triệu tấn, nhưng thực tế có thể hơn nhiều. Từ các tác động của thị trường, năm 2015 xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh quyết liệt và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá bán.

Thực tế đã rõ, lúc cao điểm gạo 5% tấm của ta được đẩy lên 430 - 450 USD/tấn nhưng nay chỉ xoay quanh 365 USD/tấn. Với tình hình này thì người trồng lúa sẽ rất khó khăn tìm được con số lợi nhuận 30%, còn doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh…


Trái Cây Đặc Sản Đón Tết Trái Cây Đặc Sản Đón Tết Giá Lúa Giảm Lợi Nhuận Thấp Giá Lúa Giảm Lợi Nhuận Thấp