Lúa Gạo Chảy Mạnh Sang Trung Quốc
Theo Bộ Công thương, giá gạo XK của Việt Nam đang tăng trở lại trong những ngày qua. Những ngày trước, gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ được giao dịch quanh mức 425-430 USD/tấn. Nhưng đến ngày 20/3, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 430-440 USD/tấn. Gạo phẩm cấp thấp 25% tấm cũng không chịu thua kém khi tăng lên mức 380-390 USD/tấn, tấm cũng tăng lên mức 340-350 USD/tấn. Sang ngày 21/3, giá gạo 5% tấm của Việt Nam lại tăng thêm 10 USD/tấn để lên mức 440-450 USD/tấn. Gạo 25% tấm tăng nhẹ hơn (5 USD/tấn) để lên mức 385-395 USD/tấn. Tấm cũng tăng tương tự lên mức 345-355 USD/tấn.
Giá gạo XK tăng, cộng với việc 88 DN đang bắt tay vào việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo kế hoạch của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đang góp phần đẩy giá lúa gạo hàng hóa trong nước tăng nhanh. Bà Trần Thị Bông, thương lái ở huyện Thoại Sơn, An Giang, cho biết, giá lúa ở đây đã tăng 300-400 đ/kg so với trước ngày 15/3. Ông Trần Bảo Toàn, GĐ DNTN Thanh Lịch, Đồng Tháp, cho hay, giá lúa khô loại IR 50404 đã lên mức 5.300-5.400 đ/kg, lúa hạt dài khoảng 5.600 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại làm gạo 5% tấm tới ngày 22/3 có giá 7.400 đkg, gạo nguyên liệu làm gạo 25% tấm có giá 7.000 đ/kg. Như vậy, giá gạo nguyên liệu đã tăng thêm 200-300 đ/kg. Gạo thành phẩm 5% tấm, mới cách đây 2 hôm có giá khoảng 8.700 đ/kg, thì theo ông Toàn, giá ngày 22/3 đã là gần 8.900 đ/kg …
Theo ông Toàn, giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL đang liên tục tăng nhanh trong những ngày qua còn do thương lái đang tích cực đổ về đồng ruộng để thu mua lúa. Các DN XK cũng đang tích cực thu gom hàng để đáp ứng cho các đơn hàng XK. Việc các DN thu mua nhiều gạo để XK sang thị trường Trung Quốc cũng đang góp phần làm “nóng” thêm thị trường lúa gạo ở ĐBSCL. Ông Toàn cho biết lượng gạo đưa sang Trung Quốc mỗi ngày đang lớn tới mức ở các cảng ĐBSCL đã xuất hiện tình trạng “sốt” container.
Ông Trần Vỹ Bền, GĐ Cty Tháp Sơn (Đồng Tháp) cũng xác nhận những DN chuyên làm gạo XK sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch hiện không chỉ lo không mua đủ gạo để XK sang Trung Quốc mà còn lo thiếu conterner chở gạo từ ĐBSCL ra cảng Hải Phòng (từ Hải Phòng, gạo mới qua các cửa khẩu biên giới để sang Trung Quốc). Có DN ký hợp đồng XK sang Trung Quốc 30 ngàn tấn gạo đang phải chạy đôn chạy đáo từng ngày để kiếm container. Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho thấy, hiện nay Việt Nam đang thiếu hụt khá nhiều container rỗng để XK gạo sang Trung Quốc.
Theo ông Bền, giá gạo trên thị trường nội địa Trung Quốc hiện đang khá cao, do đó, gạo Việt Nam đang có cơ hội lớn để thâm nhập vào các tỉnh của Trung Quốc nằm giáp với biên giới nước ta. Các thương nhân Trung Quốc đang có nhu cầu mua gạo Việt Nam từ “thượng vàng” tới “hạ cám”, tức là từ gạo thơm, gạo cao cấp, tới gạo phẩm cấp trung bình và gạo phẩm cấp thấp. Ông Bền cho rằng trong năm nay, Trung Quốc hoàn toàn có thể mua tới 1,5-2 triệu tấn gạo của Việt Nam theo đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Chính vì nhu cầu thu mua XK đang tăng mạnh, nhất là sang thị trường Trung Quốc, nên ông Trần Bảo Toàn nhận định giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, ít nhất là cho tới hết tháng 4, sau khi đã thu hoạch xong vụ ĐX.
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến nay đã có khoảng 500 ngàn tấn gạo được ký hợp đồng XK sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, chủ yếu là gạo chất lượng cao 5% tấm. Bên cạnh đó, đã có khoảng 400 ngàn tấn gạo xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, trong đó có một tỷ lệ không nhỏ là gạo phẩm cấp thấp. Đến giữa tháng 2, lượng gạo đã đăng ký hợp đồng XK mới đạt khoảng trên 1,4 triệu tấn, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thì đến giữa tháng 3, lượng gạo đăng ký hợp đồng XK đã tăng lên 2,4 triệu tấn, tương đương với cùng kỳ 2011. Ông Phong cho rằng, XK gạo đang bắt đầu có dấu hiệu sáng sủa trở lại. Như vậy, nếu như hồi đầu năm, nhiều chuyên gia cho rằng ít nhất phải từ quý 3 trở đi, đầu ra cho hạt gạo Việt Nam mới sáng lên, thì thực tế hiện nay cho thấy tình hình XK đã trở nên thuận lợi hơn ngay từ cuối quý 1 này.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ