Mô hình kinh tế Lúa Gạo Đi Vào Ổn Định

Lúa Gạo Đi Vào Ổn Định

Ngày đăng 12/08/2014

Lúa Gạo Đi Vào Ổn Định

Sau khi có tin Trung Quốc cấm nhập khẩu gạo tiểu ngạch qua biên giới, một số thương lái mua bán lúa gạo tại ĐBSCL cho biết: Điều đó không ảnh hưởng gì.

* Trung Quốc cấm nhập gạo tiểu ngạch

Giá lúa gạo tuy giảm nhẹ, nhưng thị trường báo hiệu ổn định hơn.

Dao động nhẹ

Việc ngưng thu mua gạo xuất tiểu ngạch, một số kho của DN chưa cần nhập hàng gấp theo hợp đồng xuất khẩu nhân cơ hội này hạ giá thu mua. Lúc này một số thương lái lỡ bỏ cọc nông dân trước đây 5-7 ngày chới với, vì mua lúa IR50404 với giá 5.000 đồng/kg, nhưng hiện giảm còn 4.700 đồng/kg, lỗ 300 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, thương lái lúa gạo ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho hay hiện nay có một số kho của các DN có dấu hiệu “ăn gạo” chậm lại và bắt đầu giảm giá từ 100-300 đồng/kg so với tuần trước. Một số bạn hàng lúa gạo thạo tin cho hay hợp đồng cung ứng gạo cho Trung Quốc đã tạm đủ nên không thu mua nữa.

Vì vậy những ngày gần đây giá lúa cũng giảm theo, lúa tươi IR50404 hiện còn 4.700-4.800 đồng/kg, lúa khô 5.500 đồng/kg, giảm bình quân 200 đồng/kg. Đối với mặt hàng gạo 5% tấm cung ứng cho DN xuất khẩu như: Gạo trắng của giống IR50404 giá 8.700-8.800 đồng/kg, đã giảm 200-300 đồng/kg so với tuần trước. Loại gạo thơm từ 10.800-11.000 đồng/kg, giảm 100-150 đồng/kg.

Dân kinh doanh lúa gạo tại Thốt Nốt (Cần Thơ) nhận định: Hầu như ai cũng biết gạo xuất tiểu ngạch chỉ nhất thời, vì không căn cơ, ổn định. Do vậy, việc thương nhân tạm ngưng thu mua gạo xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc chẳng những không ảnh hưởng lớn mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động thu mua xuất khẩu sắp tới.

Thị trường sẽ trở lại ổn định hơn, nhất là trong tình hình nhu cầu nhập gạo của một số nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Philippines đang tăng lên.

Lúa hè thu trúng đậm

Từ đầu tháng 8 đến nay ở một số địa phương thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang đang thu hoạch lúa HT. Giá lúa tuy giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức cao đảm bảo nông dân có lãi khá.

Ông Trần Văn Phú, ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (An Giang), vừa thu hoạch 1,5 ha lúa HT vui mừng nói: Tôi làm lúa trúng 6,5-6,7 tấn/ha. Trên cánh đồng này có người làm trúng hơn tôi, đạt 7 tấn/ha. Máy gặt vừa thu hoạch xong ngoài đồng, lúa chở vào cặp lộ là có thương lái chờ sẵn mua 4.800 đồng/kg. Với mức giá này sau khi trừ chi phí tính ra còn lời khoảng 20-22 triệu đồng/ha.

Dù thu hoạch lúa vào thời điểm này trễ so với lịch thời vụ, nhưng mặt thuận lợi là lúa ít sâu bệnh, năng suất cao, bán được giá hơn so với lúa HT thu hoạch đợt đầu cách đây một tháng.

Cũng như ông Phú, cách đây 2 tuần nông dân Nguyễn Văn Thương, ở xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang) thu hoạch 8 công với giống lúa OM4900. Thương lái mua 5.000 đồng/kg, tính ra ông Thương lời khoảng 15 triệu đồng.

Vụ HT 2014 vùng ĐBSCL có khoảng 1,66 triệu ha lúa, sản lượng ước đạt 8,9 triệu tấn. Hiện nay tiến độ thu hoạch lúa của các địa phương chậm, đến cuối tháng 7 lúa HT trong vùng mới thu hoạch được hơn 750.000 ha, đạt khoảng 45% diện tích, chậm hơn 250.000 ha so cùng kỳ năm trước. Từ tháng 8 đến đầu tháng 9 dự kiến sẽ thu hoạch hơn 930.000 ha, với khoảng 5 triệu tấn lúa.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, đến nay lúa HT trong tỉnh đã thu hoạch hơn 65.000 ha trong tổng số 77.000 ha, dự kiến sản lượng lúa đạt khoảng 367.000 tấn và ước tính lượng lúa còn trong dân khoảng 91.800 tấn.

Còn ở Kiên Giang vụ lúa HT 2014 dự kiến đạt sản lượng 1,7 triệu tấn, đến nay đã có hơn 40% diện tích lúa thu hoạch, năng suất bình quân 5,7 tấn/ha, đến 15/9 sẽ thu hoạch xong.

Thêm lúa ở vùng biên

Dự đoán thị trường lúa gạo sẽ còn sôi động, hiện nay một số ghe thương lái tập trung về thu mua lúa HT đang thu hoạch ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang và vùng giáp biên giới đón mua lúa gạo từ Campuchia.

Thương lái Lê Hữu Thọ, ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, nói: “Tuần qua lúa gạo trong vùng tăng giá. Nhưng lúa HT ở Cần Thơ đã thu hoạch gần hết. Tôi và nhiều chủ ghe khác chạy lên các cánh đồng An Giang, Kiên Giang tìm mua lúa.

Có nơi nông dân do dự vì giá thấp chưa muốn bán, vì muốn mua cho mau đầy ghe nên tôi phải tăng giá thêm 50-100 đồng/kg. Về huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) tôi chấp nhận mua giá cao, lúa IR50404 từ 5.100-5.200 đồng/kg".

Trong khi đó ở bên bờ kênh Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên (An Giang) là nơi tập trung hơn 20 chủ đầu mối chuyên thu mua lúa từ Campuchia chở qua. Nơi đây ước tính mỗi ngày ghe thương lái thu mua hàng trăm tấn lúa vận chuyển về bán cho các DN trong vùng ĐBSCL.

Bà Phạm Thị Hòa, thương lái lúa ở Châu Phú (An Giang) chuyên kinh doanh doanh lúa gạo, cho hay: Thương lái về mua lúa ở vùng biên thường nhắm vào những mặt lợi như có thể mua được giá rẻ hơn và chỉ tập trung mua lúa tại một điểm với số lượng lớn. Tính ra ít tốn chi phí hơn so với phải chạy ghe đi thu gom ở nhiều cánh đồng xa mới chở được đầy ghe.

Ông Dương Quốc Nếu, chủ kho mua lúa Campuchia, tại bến lúa 21, xã An Nông, huyện Tịnh Biên cho biết thêm: Trong những tháng mùa khô kho của tôi thu mua bình quân 60-100 tấn lúa/ngày. Lúc cao điểm như vụ ĐX tăng lên 150-200 tấn lúa/ngày.

Nhưng qua mấy tháng mùa nước lũ về ngập đồng, lúa từ Campuchia không thể chở được bằng ô tô tải nên phải tạm ngưng và chuyển qua vận chuyển bằng đường thủy. Vì vậy vào mùa nước lũ lượng lúa bán qua Việt Nam giảm hơn 60% so với mấy tháng mùa nắng.


Xuất Khẩu Nông Sản Tín Hiệu Từ Các Thị Trường Mới Xuất Khẩu Nông Sản Tín Hiệu Từ Các… Một Công Ty Chuối Có Giá Trị 611 Triệu USD Một Công Ty Chuối Có Giá Trị 611…