Mô hình kinh tế Lúa gieo vụ Mùa ở Phù Mỹ nguy cơ mất trắng vì hạn

Lúa gieo vụ Mùa ở Phù Mỹ nguy cơ mất trắng vì hạn

Ngày đăng 03/11/2015

Lúa gieo vụ Mùa ở Phù Mỹ nguy cơ mất trắng vì hạn

Trước tình hình thiếu nước tưới nghiêm trọng, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTXNN Mỹ Lộc, than thở: “Từ ao, suối nhỏ đến hồ An Tường, hồ Cây Sung, hồ Vạn Định đến nay đều khô...

trắng đáy, hàng trăm ha lúa gieo khô trên địa bàn HTX lớp tròn mình, lớp bung gié nhưng không trỗ nổi bởi mất liền mấy lứa nước; nguy cơ mất trắng 100% là rất rõ”.

Ở xã Mỹ Phong, 592 ha lúa vụ Mùa đều là diện tích gieo khô chờ mưa.

“Nhưng mưa không đủ...

“cóc uống”; ngó trước, quay sau, thấy đồng lúa nào cũng còi cọc, ốm yếu, hầu hết lúa hả miệng, khô đòng, do thiếu nước trầm trọng, vụ này chắc mất mùa lớn” - bà Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong, bức xúc.

Cùng kỳ năm ngoái, lượng nước tại các ao, hồ Giàn Tranh, Tây Dâu, Ông Rồng, Phước Thọ, nhất là hồ Hội Khánh (ở xã Mỹ Hòa) vẫn còn cả triệu khối nước, tuy không dư dả nhưng vẫn cầm cự cho lúa vụ Mùa đến cuối vụ.

Còn năm nay, hồ nào cũng khô khốc.

Theo ông Đỗ Cam, cán bộ khuyến nông xã Mỹ Hòa, khoảng 100 ha lúa sạ nhờ nước các ao, hồ và khoảng chừng 100 ha/639 ha lúa gieo khô trà sớm, nông dân khai thác các nguồn mạch nước ngầm, chạy lo từng đợt, nên hy vọng năng suất đạt 50 - 55 tạ/ha.

Nếu tiếp tục không có mưa thì 539 ha lúa gieo khô ở Mỹ Hòa sẽ mất ít nhất 70% năng suất.

Ông Cam nói thêm: “Không chờ mưa được, đến giờ này đã có hàng chục ha bị bà con cắt cho bò ăn”.

Dọc theo tuyến đường qua các xã Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Trinh, nhiều đám ruộng trắng đất, thấp cây, vàng vọt, lúa bị cắt dần từng vạt nham nhở để cho bò ăn.

Ông Nguyễn Hữu Khẩn, ở thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa, bộc bạch: “Vụ này nhà tui làm 7 sào, dùng giếng khoan theo nước được 3 sào, mất tiêu mấy trăm ngàn tiền điện, thu hoạch được 200 kg/sào là cùng, năm ngoái hơn 250 kg/sào, còn 4 sào theo không nổi, đành cắt dần cho bò ăn”.

Ở các cánh đồng phía Bắc huyện cũng không khá gì, nhiều nông dân cũng cắt lúa non cho bò.

“Theo nước không nổi, ai cũng đóng giếng khoan, ai cũng máy, nước ngầm ngày càng cạn kiệt, cắt cho bò ăn coi bộ có lý hơn” - ông Huỳnh Văn Nhi, ở thôn Dương Liễu Bắc, thị trấn Bình Dương, đang kéo một cộ lúa héo khô chất bên cạnh chuồng bò, nói giọng đầy chua chát.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, phân tích: Suốt 3 tháng qua lượng mưa quá ít, chỉ có 262mm, lũy kế từ đầu năm đến nay chỉ đạt 564mm, thấp hơn trung bình nhiều năm; 45 ao, hồ chứa trên địa bàn huyện đã cạn, hiện nay chỉ còn dưới 3 triệu m3, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 6,2 triệu m3, và thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 15 triệu m3 trở lên.

Chỉ trừ các xã Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Tài, Mỹ Hiệp 1… ăn nước hồ Hội Sơn (Phù Cát) vẫn còn cầm cự trên cả lúa gieo, nhiều địa phương còn lại đang từng bước buông tay, nếu trời tiếp tục nắng.

“Lúa mùa năm nay mất nặng là không tránh khỏi” - ông Hồng chốt lại.

Còn ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết:

“Thời tiết năm nay diễn biến phức tạp quá, nông dân theo nước đã mỏi, chi phí cao, năng suất lúa vụ Mùa, nhất là trên lúa gieo khô sẽ thấp hơn nhiều năm, chúng tôi đang nhìn vào vụ Đông Xuân sắp tới, được huyện tập trung chỉ đạo ngay từ bây giờ, để phấn đấu đạt năng suất cao, bù lại vụ này mất mát nặng”.


Ngô biến đổi gen Dekalb Áo giáp cho nhà nông Ngô biến đổi gen Dekalb Áo giáp cho… Người trồng mì đang cõng nhiều nỗi lo Người trồng mì đang cõng nhiều nỗi lo