Mô hình kinh tế Lúa Hè Thu 2014 Năng Suất Giảm Lợi Nhuận Tăng

Lúa Hè Thu 2014 Năng Suất Giảm Lợi Nhuận Tăng

Ngày đăng 01/08/2014

Lúa Hè Thu 2014 Năng Suất Giảm Lợi Nhuận Tăng

Vụ lúa hè thu 2014 này, Sóc Trăng xuống giống được 141.500 ha, vượt gần 2.000 ha so kế hoạch. Lúa đang ở các giai đoạn sinh trưởng từ mạ, đẻ nhánh, làm đòng, đến trổ chín. Vụ này dịch hại bộc phát mạnh, chi phí sản xuất tăng, nhưng hiện giá lúa đang ở mức cao nên nông dân có lời từ 75% đến 100% vốn đầu tư.

Đầu vụ hè thu năm nay, nắng nóng kéo dài, lúa bị chết giống chòm lõm trên diện rộng. Thời tiết khô hạn, lúa không hấp thu tốt phân bón nên bị suy yếu, còi cọc.

Để trợ lực cho cây lúa sinh trưởng tốt, nhiều nông dân có chung một cách làm là bón thêm phân đạm. Khi mưa xuống, lúa bắt phân và tình trạng thừa phân làm thân lúa mềm, lá rũ. Cùng với việc sạ dày, sử dụng các giống lúa nhiễm sâu bệnh và thời tiết bất lợi, thì bón thừa phân đạm cũng là nguyên nhân chính làm dịch hại phát triển.

Có thời điểm, bệnh đạo ôn lá lây nhiễm hơn 7.000 ha, và sâu cuốn lá gây hại trên 5.000 ha ở các cấp độ từ nhẹ, trung bình đến nặng. Đáng chú ý là trong vụ này, bệnh vi khuẩn thối thân xuất hiện cùng lúc với bệnh đạo ôn gây hại nặng trên lúa giai đoạn đẻ nhánh và đã có trên 100 ha phải trục bỏ để gieo sạ lại lần hai.

Trong 9 công ruộng tầm lớn của ông Võ Văn Ìa, khóm Vĩnh A, phường 3, thị xã Ngã Năm được gần 40 ngày tuổi đã phải phun thuốc đến 4 lần để trừ bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá.

Nếu như các năm trước, vụ này chi phí đầu tư cho 1 công tầm lớn khoảng 1,7 triệu đến 1,8 triệu đồng thì năm nay tăng cao hơn. Ông cho biết: “Tôi thấy năm nay mưa nắng thất thường sâu bênh nhiều hơn phải phun xịt nhiều lần- chi phí tăng lên 200 – 300 ngàn đồng 1 công so với vụ trước”.

Phần lớn nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo phương thức thanh toán vào cuối vụ. Trước đây, các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp bán hàng trả chậm tính lãi suất là 3%, thì các vụ lúa gần đây đã tăng lên trên 5% .Thêm vào đó, các dịch vụ sản xuất như bừa trục, cấy dặm, phun thuốc, thu hoạch đều tăng từ 10% đến 20%.

Trong khi dịch hại có xu hướng gia tăng, hiện toàn tỉnh có khoảng 17.000 ha lúa bị nhiễm các loại sâu bệnh. Một nông dân ở Xã Tân Hưng - huyện Long Phú nói: “Giá phân thuốc tăng lên, sâu bệnh cũng nhiều, nông dân mong muốn giảm được giá thànhphân thuốc để nâng cao được lợi nhuận trong sản xuất”.

Ngành nông nghiệp đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc và phòng trừ dịch hại trên lúa hè thu tại địa bàn khóm, ấp tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ứng dụng vào đồng ruộng của mình.

Tuy được chuyển giao kỹ thuật canh tác như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nhưng vẫn còn nhiều nông dân sản xuất theo tập quán cũ nên khó có thể quản lý tốt dịch hại.

Hiện lúa hè thu chính vụ xuống giống sớm của Sóc Trăng đã thu hoạch trên 12.000 ha, tập trung ở các vùng trũng của thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, 1 phần ở Thạnh Trị, Kế Sách. Năng suất của trà lúa sớm này đạt từ 5,1 tấn đến 5,2 tấn lúa khô 1 ha, thấp hơn 600 kg 1 ha so cùng kỳ.

Riêng ở huyện Mỹ Tú đã thu hoạch trên 7.000 ha, năng suất bình quân 5,2 tấn 1 ha, giá lúa tươi đối với các loại giống có phẩm cấp thấp như IR 50404, PC 10 được mua 4.250 đồng 1 kg, các giống lúa chất lượng tốt có giá từ 4.600 đến 4.750 đồng 1 kg, cao hơn 300 đến 600 đồng 1 kg so với cùng kỳ.

Ông Võ Minh Quân, Phó phòng NN&PTNT huyện Mỹ Tú cho biết: “Tuy năng suất còn thấp, nhưng giá bán cao, dao động từ 4.250 đồng- 4.750 đồng 1 kg, trừ chi phí nông dân còn lời trên 2 triệu đồng 1 công. Còn đối với trà lúa sau thì qua công tác thăm đồng cho thấy, nếu thời tiết thuận lợi, năng suất sẽ cao hơn, giá lúa ổn định thì lợi nhuận của nông dân sẽ tăng cao hơn”.

Theo khuyến cáo chi cục Bảo vệ thực vật, với thời tiết mưa nhiều, nắng ít như hiện nay, cần chú ý đến các loại bệnh do nấm và vi khuẩn có khả năng phát triển mạnh trong những ngày tới.

Kỹ sư Quách Phước Châu, Phó chi cục trưởng chi cục BVTV Sóc Trăng lưu ý nông dân như sau: “Bệnh hại thường xuyên làm hại từ giao đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trổ chín là đạo ôn do nấm, kết hợp vi khuẩn thối thân thối rễ, đồng thời là đạo ôn cổ bông nhất là trên trà lúa đang trổ đến chín. Bà con nên thường xuyên thăm đồng để áp dụng các biện pháp phòng trừ thích hợp”.

Một thông tin vui chuyển đến nông dân là từ đầu năm 2014 đến nay, nước ta liên tiếp ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo cho các nước nước Philipin, Malaysia và mới đây đã ký hợp đồng cung ứng 50.000 tấn gạo chất lượng cao và vừa, cho Indonesia.

Đầu ra cho vụ lúa này được đánh giá là rất thông thoáng. Tuy nhiên, thị trường luôn có những biến động khó lường, vì vậy, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng lúa luôn là giải pháp căn cơ để hạn chế rủi ro, ổn định thu nhập.


Ông Mai Văn Thum Với Mô Hình Trồng Nấm Bào Ngư Ông Mai Văn Thum Với Mô Hình Trồng… Bà Rịa Vũng Tàu Hạn Chế Việc Trồng Tiêu Ghép Sử Dụng Gốc Tiêu Dại Bà Rịa Vũng Tàu Hạn Chế Việc Trồng…