Lúa khô cháy hết rồi, cho bò ăn mà bò còn... chê
Đồng khô, lúa cháy
Bà Trần Thị Nấm ở ấp 3, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, Bến Tre có đến 5.000m2 lúa đông xuân bị mất trắng từ khi giai đoạn mạ non. Theo bà Nấm, từ khi cây lúa non khô héo đến nay, ngày nào bà cũng ra ruộng nhìn lên trời cầu mưa hoặc nhìn con sông gần đó có nước ngọt chưa để bơm vào cày xới lại đất, sạ vụ mới nhưng tất cả đều là vô vọng.
“Mảnh ruộng khô nứt đã gần 2 tháng rồi, cây lúa khô cháy thành rơm. Tiền lúa giống, phân thuốc, chi phí bơm nước, làm đất đổ vào đây rất nhiều, bây giờ không còn hy vọng gì rồi mấy chú ơi. Không chỉ lúa, tôi cũng có mảnh đất nhỏ trồng rau bị hư hại tương tự” – bà Nấm buồn rầu nói.
Có diện tích đất lúa ít hơn bà Nấm, chỉ với 3.000m2 nhưng theo ông Nguyễn Văn Đỗ (ấp Tân An, xã Tân Xuân) thì thiệt hại về kinh tế của ông cũng không thua kém. “Nhiều hộ thì lúa chết khô ở giai đoạn non, còn lúa của tôi đã ở giai đoạn làm đòng rồi. Để chăm sóc lúa tới giai đoạn đó, phải tốn chi phí gấp 2-3 lần lúa non. Lượng lúa khô cháy này hư hết rồi, cho bò ăn mà bò còn… chê” – ông Đỗ than thở.
Có đến hàng nghìn hộ dân ở các xã như Tân Xuân, An Ngãi Tây, An Hiệp, Vĩnh An… (huyện Ba Tri) cũng chung hoàn cảnh. Với những diện tích ít ỏi thiệt hại dưới 50% năng suất, nông dân tiếc nên mua thêm thuốc bảo vệ thực vật phun xịt, có hộ chấp nhận bơm cả nước mặn vào với hy vọng “cứu được cây lúa nào hay cây nấy” nhưng càng bơm cây lúa càng chết.
Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Ba Tri cho biết thêm: “Lúa mất trắng, hư hại ngoài đồng đã khổ sở cho người dân lắm rồi. Bây giờ phát sinh thêm rau màu và cây ăn trái cũng đang khô héo từng ngày. Người khá có đất sản xuất thì bị thiệt hại dẫn đến không có thu nhập, còn người nghèo thì không ai thuê làm, chẳng biết lấy gì mà sống”.
Đời sống thiếu hụt, nợ nần chồng chất
Không riêng gì tỉnh Bến Tre, người dân các tỉnh ven biển khác như Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng… và kể cả những địa phương nằm sâu trong nội đồng như Hậu Giang, Vĩnh Long cũng đang vô cùng khốn đốn trước cảnh ruộng đồng thành vùng đất chết, kinh tế gia đình bị thiếu hụt, trong khi đó tiền nợ các đại lý thuốc bảo vệ thực vật, ngân hàng cần phải trả gấp.
Chẳng hạn như tỉnh Cà Mau, đến nay hạn, mặn khắc nghiệt đã làm thiệt hại 49.000ha lúa, trong đó có trên 35.000ha lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại từ 70-100%. “Ngoài những diện tích mất trắng, còn được ít diện tích thu hoạch thì cũng gặp vô cùng khó khăn do các kênh cấp 2, 3 trên địa bàn tỉnh đã cạn kiệt nước, khô đáy gây trở ngại khi vận chuyển lúa đi xay xát” - ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết.
Theo ông Tô Quốc Nam – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tại gần như toàn bộ các tuyến kinh thuỷ lợi vùng ngọt hoá khô hạn, hoạt động thu mua trao đổi hàng hoá của người dân bị đình trệ và việc vận chuyển vật liệu phục vụ các công trình thuỷ lợi gần như phải dừng lại. “Đáng lo ngại là nắng nóng làm ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đến nay, Cà Mau có 42.000ha rừng tràm bị khô hạn (trên 4.000ha dự báo cháy cấp V- cấp cực kỳ nguy hiểm). Ngoài ra, nắng nóng làm cho độ mặn tăng cao khiến cho gần 2.700ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, quảng canh xảy ra dịch bệnh” – ông Nam nói.
Song song đó, người nuôi tôm ven biển trong vùng bán đảo Cà Mau cũng đang bị thiệt hại nặng vì khô hạn. Kết quả khảo sát của Sở NNPTNT Bạc Liêu cho thấy, toàn tỉnh có đến 179 kênh cấp II, cấp III vượt cấp bị bồi lắng, khô kiệt nước. Kinh phí để nạo vét 179 tuyến kênh này cần đến 170 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ