Mô hình kinh tế Lúa Tái Sinh Một Hướng Tăng Sản Lượng Lương Thực Ở Những Vùng Trũng

Lúa Tái Sinh Một Hướng Tăng Sản Lượng Lương Thực Ở Những Vùng Trũng

Ngày đăng 07/03/2014

Lúa Tái Sinh Một Hướng Tăng Sản Lượng Lương Thực Ở Những Vùng Trũng

Đánh giá về kết quả sản xuất nông nghiệp của địa phương năm 2013, đồng chí Cao Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao cho biết: Vụ mùa 2013, nhiều xã như Xuân Huy, Xuân Lũng... đã tận dụng đất trũng làm lúa tái sinh, mỗi sào thu đạt trên dưới 100 kg, đạt thêm vài trăm tấn thóc vừa mang lại hiệu quả cho sản xuất,vừa góp phần ổn định lương thực cho vùng đất trũng; năm nay huyện sẽ khuyến khích các hộ, các xã có diện tích chiêm đầm quản lý, tăng thêm diện tích.

Đây đang là hướng sản xuất để tăng thêm sản lượng thóc được nhiều địa phương vùng chiêm trũng khuyến khích, coi trọng. 
Cánh đồng lúa tái sinh năm 2013 của xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy.

Theo khảo sát của ngành nông nghiệp và PTNT, hiện nay cả tỉnh có khoảng 4.000/36.000 ha gieo cấy là ruộng trũng, nhiều địa phương thường gọi là chiêm đầm chỉ có khả năng gieo cấy lúa chiêm xuân, vụ mùa kết hợp thả cá vụ, hoặc bỏ hoang. Diện tích tập trung nhiều ở các huyện vùng đất giữa như Thanh Thủy, Tam Nông, Lâm Thao, Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa...

Đây là những diện tích thường đưa vào cấy trà xuân sớm bằng giống lúa thuần, lúa lai cao cây, chống chọi tốt với bão lũ, ít gãy đổ để cho thu hoạch trước khi có lũ tiểu mãn, có khả năng tái sinh cao.

Trong những năm gần đây khi công tác thủy lợi ngày càng đầu tư, phát triển, các địa phương đã được xây dựng nhiều công trình bờ bao ngăn lũ kết hợp với hệ thống bơm tiêu chống úng ngập nên số diện tích gieo cấy bấp bênh giảm nhiều, song vẫn còn một số trà thuộc vùng ruột đầm chỉ cho phép gieo cấy một vụ chiêm, nếu sản xuất vụ mùa kéo dài thu hoạch sẽ có nguy cơ ngập úng khi mưa lũ tháng 9,10 lên cao. Song nếu tận dụng tốt cây lúa chiêm xuân sau thu hoạch để tái sinh sẽ cho phép tiếp tục sản xuất để thu vụ lúa.

Qua thực tế kinh nghiệm ở Thanh Thủy, các xã Bảo Yên, Hoàng Xá, Sơn Thủy, Đoan Hạ, thị trấn Thanh Thủy... có nhiều diện tích ruộng một vụ khi gặt lúa xuân hạn chế làm dập nát dạ, quản lý không cho gia súc chăn thả, quậy phá, bón bổ sung thêm phân đạm, NPK sẽ có thể thu vụ lúa tái sinh với năng suất 50-80 kg/sào. Thời gian sinh trưởng chỉ kéo dài 50-60 ngày, từ thu hoạch lúa xuân đến hết vụ lúa tái sinh, gặt trước dịp rằm tháng bảy âm lịch nên tránh được ngập úng.

Từ năm 2011-2013 huyện Thanh Thủy đã tổ chức sản xuất 800-1.200 ha thu hoạch mỗi vụ trên dưới 2000 tấn thóc, nhiều hộ nhờ quản lý, chăm sóc tốt đã cho thu hoạch ba, bốn tạ thóc tái sinh. Gần đây, phong trào làm lúa tái sinh mở rộng ra ở nhiều xã có diện tích chiêm đầm thuộc các huyện Tam Nông, Lâm Thao, Cẩm Khê, Thanh Ba, Thanh Sơn...

Qua tổng kết, đánh giá, ngành nông nghiệp và PTNT đã xây dựng quy trình sản xuất trà lúa xuân sớm, xuân trung  để tiếp tục sản xuất vụ lúa tái sinh. Về giống lựa chọn giống thuần, giống lai có khả năng tái sinh cao như Xi21, Xi23, nhị ưu số 7, Nhị ưu 838, Thục hưng 6... gieo mạ cấy dịp áp Tết Nguyên đán.

Sau khi thu hoạch vụ chiêm xuân, ngoài quản lý ruộng gặt cần bón bổ sung từ 4-5 kg đạm hoặc 12-15 kg NPK cho một sào, giữ nước trong ruộng vừa phải cây lúa tái sinh lên xanh, trổ bông, đều ít bị lép, cho thu hoạch sau 50-60 ngày kể từ khi gặt. Cách làm này không chỉ thu hoạch thêm 50-80 kg thóc/sào, mà còn tạo nguồn thức ăn để nuôi cá vụ.

Đặc biệt gạo lúa tái sinh ăn ngon hơn hẳn gạo cùng giống gieo trồng vụ trước, hiện đang là đặc sản, có tác dụng chữa trị một số bệnh, đang được nhiều người ưa chuộng, nên giá bán cao hơn gạo thường. Năm nay cả tỉnh phấn đấu có 1.500-1.600 ha lúa tái sinh với sản lượng thóc trên 3000 tấn.


Đẩy Nhanh Tiến Độ Trồng Rừng Vụ Xuân Đẩy Nhanh Tiến Độ Trồng Rừng Vụ Xuân Gây Nuôi Động Vật Hoang Dã- Lợi Bất Cập Hại Gây Nuôi Động Vật Hoang Dã- Lợi Bất…