Mô hình kinh tế Lúa Thuần Trên Đồng Ruộng Hưng Nguyên

Lúa Thuần Trên Đồng Ruộng Hưng Nguyên

Ngày đăng 04/09/2014

Lúa Thuần Trên Đồng Ruộng Hưng Nguyên

Bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, huyện Hưng Nguyên chú trọng tăng hiệu quả kinh tế trên đồng ruộng bằng cách xây dựng các vùng chuyên canh lúa thuần chất lượng cao.

Với hướng đi đó, người trồng lúa trên địa bàn huyện mạnh dạn đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bước đầu đem lại những kết quả khả quan.

Qua những cánh đồng lúa trải đều đang ngả vàng vào vụ gặt, chúng tôi đến xóm 7, xã Hưng Long, nơi có diện tích ruộng lớn nhất của xã. Tại đây, UBND xã, HTX nông nghiệp và bà con xã viên đang phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An tổ chức khảo nghiệm, đánh giá sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao theo phương pháp SRI.

Đây là hình thức canh tác có kế thừa truyền thống, đảm bảo sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như: giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới.

Nguyên tắc, kỹ thuật cơ bản của phương pháp này bao gồm: cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ. Những yếu tố này thực sự phù hợp với vùng ruộng sâu trũng của xã.

Có mặt trong buổi khảo nghiệm, ông Võ Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Phương thức sản xuất này được bà con đánh giá hợp với các giống lúa thuần chất lượng cao được đưa vào sản xuất trong mấy năm gần đây như: Hương thơm, AC5, nếp 352…

Ở địa phương chúng tôi, cây lúa vẫn là chủ lực, cho nên trên tổng số 175 ha lúa, chính quyền và người dân tập trung chuyển đổi giống năng suất, chất lượng cao.

Chúng tôi tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích…”.

Còn với “vựa lúa” ở Hưng Tây, hầu hết diện tích ruộng được ưu tiên chuyển đổi giống theo hướng thuần hóa các loại lúa năng suất, chất lượng cao. Cả xã có trên 800 ha đất trồng lúa thì có trên 85% diện tích cơ cấu giống thuần AC5, Nàng xuân, Hương thơm, Bắc thơm, nếp 87, 97…

Những giống lúa này được khảo nghiệm thành công cách đây 3 năm với việc triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn. Bởi vậy, những ưu thế về liền vùng, liền thửa sau chuyển đổi ruộng đất càng tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất cùng một giống lúa chất lượng cao.

Ông Lê Đình Tý - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tây cho biết thêm: “Những giống lúa trên được thị trường ưa dùng, vì vậy, vài năm nay, người trồng lúa không lo ngại về đầu ra và tập trung gieo trồng, chăm sóc; trong đó, sản phẩm lúa AC5 được Công ty TNHH Vĩnh Hòa ở Yên Thành bao tiêu hết nên bà con càng yên tâm đầu tư sản xuất.

Chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và các đơn vị, doanh nghiệp để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất, chất lượng …”.

Hưng Nguyên hiện có hơn 6.500 ha ruộng lúa, trong đó, cơ cấu giống lúa thuần Việt chất lượng cao chiếm từ 40 đến 50% diện tích. Sự chuyển dịch này từng bước giảm các giống lúa lai năng suất cao nhưng giá trị kinh tế thấp. Đây là hướng đi tích cực, đúng với định hướng của ngành Nông nghiệp của tỉnh mà trên thực tế, Hưng Nguyên đã chủ động triển khai cách đây vài năm.

Bắt đầu từ vụ xuân năm 2012, huyện đã tập trung xây dựng 4 cánh đồng mẫu tại các xã Hưng Thắng, Hưng Phúc, Hưng Tiến và Hưng Tây. Từ thành công của những mô hình đó, 2 năm nay, huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng cánh đồng mẫu ở 9 xã, với tối thiểu mỗi địa phương 30 ha lúa thuần.

Cách làm của huyện là sau mỗi mùa vụ, tổ chức đánh giá cụ thể, rút ra những kinh nghiệm từ thực tiễn để khuyến cáo bà con nông dân nhân rộng giống lúa chất lượng cao, góp phần tăng giá trị của cây lúa. UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ 30% tiền giống, 30% thuốc BVTV và toàn bộ chi phí chuyển giao kỹ thuật cho những mô hình cánh đồng mẫu.

Riêng các giống lúa chất lượng cao mới đưa vào địa phương lần đầu được hỗ trợ 100% tiền giống. Cùng đó, ngành Nông nghiệp và các HTX nông nghiệp luôn theo sát từng giai đoạn của mùa vụ để hỗ trợ bà con trong gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch…

Cho đến nay, cây lúa ở Hưng Nguyên chiếm tỷ trọng trên 60% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Và trong tương lai, lúa vẫn là cây chủ lực.

Chính vì vậy, bên cạnh tích cực chuyển đổi giống lúa thuần chất lượng cao, huyện khuyến khích bà con nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Toàn huyện, hiện đã có 1.900 máy móc công suất lớn phục vụ nông nghiệp; trên 85% diện tích ruộng được làm đất, thu hoạch bằng máy móc.

Điều đó góp phần rất lớn để người nông dân rút ngắn thời gian sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đang kiểm soát tổ máy thu hoạch lúa hè thu, ông Lê Văn Thanh ở xã Hưng Xá khẳng định: “Nếu như trước đây, 1 sào ruộng phải mất 1 ngày cho 2 người thu hoạch và tuốt thì nay máy gặt đập liên hoàn chỉ mất có 10 phút…”.

Những thành công bước đầu trong chuyển dịch cơ cấu giống và đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp là điều đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, để Hưng Nguyên thành một địa chỉ mạnh về lúa gạo chất lượng cao đang là vấn đề thách thức. Hiện tại, huyện đang bị chi phối bởi một địa bàn ven đô có nhiều chuyển đổi. Ở một số địa phương, tâm lý “lười” trồng lúa xuất hiện trong suy nghĩ của rất nhiều nông dân.

Hiện tượng này xuất phát từ tư tưởng là trồng lúa lãi không cao. Và quan trọng hơn, trên địa bàn hầu như chưa có các công ty hay doanh nghiệp nào gắn kết một cách bền chặt với người trồng lúa. Ngoại trừ một số chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện thì tất cả những giá trị của lúa vẫn đang phó mặc cho thị trường vốn nhiều bấp bênh.

Trên các ngả đường từ Hưng Nguyên về TP. Vinh, chúng ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh, nhiều nông dân chở lúa gạo đi rao bán… Qua đó có thể đánh giá sự “năng động” của người dân, nhưng cũng có thể thấy những “manh mún” trong quy trình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Vụ hè thu 2014, theo đánh giá của phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên là được mùa. Nhưng khi tiếp nhận những băn khoăn nêu trên, ông Trưởng phòng Nông nghiệp - Phan Văn Trường cũng trầm ngâm: “Mấy năm qua, Hưng Nguyên đã đưa rất nhiều giống lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất.

Nhưng, để chọn được giống lúa phù hợp chất đất, khí hậu và có năng suất, chất lượng cao có tính ổn định là điều không dễ. Chúng tôi đang nghiên cứu, khảo nghiệm để chọn ra những giống phù hợp đưa vào sản xuất trên quy mô lớn. Từ những mô hình cánh đồng mẫu thành công, huyện đang tiếp tục chỉ đạo nhân rộng trong toàn dân.

Cùng với chủ trương khuyến khích của huyện và hưởng ứng tích cực của người dân, hy vọng trong thời gian tới sẽ có những doanh nghiệp liên kết nhằm khép kín quy trình từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Hưng Nguyên, nhằm đưa nông nghiệp phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của huyện...”.


Khởi Sắc Làng Nghề Chè Ngọc Đồng Khởi Sắc Làng Nghề Chè Ngọc Đồng Xây Dựng Hệ Thống Sản Xuất Khoai Tây Giống Sạch Bệnh Xây Dựng Hệ Thống Sản Xuất Khoai Tây…