Tin thủy sản Lúa tốt, tôm nhiều trên cánh lớn lúa - tôm

Lúa tốt, tôm nhiều trên cánh lớn lúa - tôm

Tác giả Ninh Hải, ngày đăng 08/12/2017

Lúa tốt, tôm nhiều trên cánh lớn lúa - tôm

Vụ lúa - tôm năm nay, TP. Cà Mau xuống giống được 570 ha. Cánh đồng lớn phường Tân Xuyên hơn 100 ha, lúa phát triển tốt, mở ra hướng sản xuất bền vững.

Cán bộ Trạm Khuyến nông trao đổi kinh nghiệm trồng lúa trên đất nuôi tôm với nông dân phường Tân Xuyên.

Vụ lúa - tôm năm nay, để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình cánh đồng lớn luân canh lúa - tôm, tại phường Tân Xuyên, bà con nông dân được hướng dẫn kỹ thuật canh tác và đồng loạt gieo sạ các giống lúa chủ lực: OM 5451, OM 2517, CM2 và Một bụi đỏ. Đây là những giống lúa cứng cây, chịu phèn mặn, có khả năng kháng sâu bệnh và cho năng suất, chất lượng cao.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Trạm Khuyến nông TP. Cà Mau, cho biết: “Trạm khuyến cáo bà con chọn những giống lúa thích hợp để canh tác trên cánh đồng lớn, đồng thời tổ chức các buổi chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân, giúp bà con cách rửa mặn để sớm xuống giống vụ lúa”.

Đến thời điểm này, lúa được khoảng hơn 30 ngày tuổi, đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh và tôm nuôi cũng phát triển rất tốt. Để giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả, thành phố đầu tư thi công nạo vét hoàn thành tuyến kinh Nàng Quì thuộc Khóm 4, phường Tân Xuyên với tổng chiều dài trên 400 m, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm trong ruộng lúa. Đồng thời, Phòng Kinh tế thành phố cử nhân viên khuyến nông kết hợp với Hội Nông dân phường xuống tận nơi hướng dẫn bà con nông dân chăm bón, góp phần cho sản xuất đạt kết quả cao nhất.

Ông Lưu Ngọc Quận, Khóm 2, phường Tân Xuyên, phấn khởi: “Rút kinh nghiệm của những vụ trước, nuôi tôm cũng trúng mà vẫn có lúa ăn, coi như là hai phía có lợi, vụ này bà con rất đồng lòng cùng nhau phát triển diện tích vụ lúa - tôm”.

Theo kinh nghiệm của bà con nông dân, thực hiện trồng lúa trên đất nuôi tôm, chính cây lúa hấp thu những chất tồn dư còn tích tụ từ vụ nuôi tôm trước làm cho môi trường không bị ô nhiễm và là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng để cây lúa phát triển. Do vậy, trong quá trình canh tác ít sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên ít tốn chi phí, chất lượng gạo sạch hơn, góp phần làm cho vụ tôm sau phát triển tốt. Ông Đặng Văn Ngon, Khóm 2, phường Tân Xuyên, chia sẻ: “Tôi thấy mô hình này rất phù hợp với đồng đất của địa phương, nên vụ tới tôi tiếp tục mở rộng diện tích”.

Trồng lúa trên đất nuôi tôm được đánh giá là giải pháp canh tác vừa góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái, vừa mang tính bền vững, tăng thu nhập cho nông hộ trên cùng một diện tích đất canh tác. Vì thế, mô hình này được ngành chức năng khuyến khích nhân rộng.

Thực tế cho thấy, do tác động của biến đổi khí hậu, nông dân đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Mô hình lúa - tôm đã chứng tỏ nông dân đã chọn được hướng đi phù hợp. Do vậy, để mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm phát triển, các ngành chức năng cần rà soát, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất theo phương thức tổ hợp tác, áp dụng khoa học - kỹ thuật… sẽ giúp bà con nông dân giảm bớt khó khăn, góp phần cho sản xuất đạt hiệu quả cao hơn và mở ra hướng phát triển bền vững./.


Tây Âu: Phát triển mô hình IMTA Tây Âu: Phát triển mô hình IMTA Hiệu quả nuôi cá Nheo Mỹ trong ao đất Hiệu quả nuôi cá Nheo Mỹ trong ao…