Lúa vụ hè thu năm 2015 mô hình sạ hàng cho năng suất cao
Nông dân xã Hòa An (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) thu hoạch lúa hè thu năm 2015.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, vụ hè thu năm nay sản xuất trong điều kiện thời tiết bất lợi, tuy nhiên, những thửa ruộng nông dân áp dụng phương pháp sạ hàng (sạ thưa) năng suất tăng cao, còn ruộng sạ dày giống cũ, năng suất lại thấp.
Sạ hàng năng xuất cao
Vụ hè thu này, tại cánh đồng Bàu Bún rộng 50ha, thuộc thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), giữa vụ nắng hạn kéo dài, nhiều diện tích bị khô nước, nhưng hai sào lúa sạ hàng của ông Phan Văn Hướng thu hoạch được 600kg.
Trong khi đó, hai sào lúa của bà Trần Thị Phương, ruộng kế bên chỉ thu hoạch được 450kg.
Bà Phương cho hay:
Đầu vụ, tôi kêu máy cày hai bận, rồi bừa kéo láng sạ như lâu nay (sạ dày), giai đoạn mạ cây lúa bị “đú” (chậm phát triển), sau đó ruộng bị khô nước nên cuối vụ gié lúa ngắn ngủn. Tôi nhìn qua đám ruộng ông Hướng, lúc đầu ông sạ thưa, cuối vụ gié lúa dài, sáng trưng.
Còn tại cánh đồng Cửu Năm, Gò Vuông, Ngũ Chủ và Đồng Tiệm ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), vụ hè thu vừa qua cũng bị thiếu nước, tuy nhiên, nông dân áp dụng sạ hàng nên năng suất vẫn đạt cao.
Ông Trần Văn Minh, một nông dân làm ruộng ở cánh đồng Ngũ Chủ, nói:
Ruộng nhà tôi sạ 5 kg/sào, tương đương 100 kg/ha, khi thu hoạch gié lúa dài bằng gang tay người lớn, năng suất đạt 65 tạ/ha.
Mấy đám ruộng bên cạnh sạ dày từ 8 kg/sào trở lên thì gié thun lại còn hơn nửa gang tay, năng suất cao lắm tầm 50 tạ/ha.
Không chỉ vậy, ruộng nhà tôi ít nhiễm sâu bệnh hơn so với ruộng sạ dày. Mấy năm trước, tôi sạ 10 kg/sào, năm nào cũng thất thu vì tính ra phân, thuốc “ăn” hết.
Theo ông Võ Ngọc Hiệu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông An Ninh Đông, mấy năm qua, HTX triển khai mô hình sạ hàng, sạ thưa hợp lý, lợi nhuận ruộng trong mô hình tăng so với ruộng đối chứng khoảng 7 đến 8 triệu đồng/ha, do ruộng đối chứng sạ dày theo cách truyền thống nên nặng chi phí phân, thuốc.
Năm nay, trên cánh đồng Cửu Năm, Gò Vuông, nhiều nông dân sạ thưa cho hiệu quả rõ rệt về “ba giảm ba tăng”, tăng năng suất so với ruộng sạ dày, giá lúa giống sạ thưa là giống xác nhận bán được 5.500 đồng/kg, lúa thương phẩm chỉ có giá 5.000 đồng/kg.
Nhân rộng
Ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết vụ hè thu năm 2015, mô hình nhân giống cấp xác nhận 1 được thực hiện tại hai xã An Thạch và An Định với diện tích 50ha, còn tại HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp thì sản xuất 2ha lúa giống ĐV108 cấp siêu nguyên chủng.
Mục tiêu của hai mô hình này là làm giảm mật độ sạ xuống không quá 100 kg giống/ha và sử dụng các giống lúa xác nhận, nguyên chủng để nâng cao hiệu quả sản xuất, cuối vụ năng suất đạt từ 70 đến 80 tạ/ha.
Tại xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa), vụ hè thu này cũng triển khai mô hình sản xuất 2ha lúa giống TH6 cấp siêu nguyên chủng, mật độ gieo sạ 5 kg/sào, mô hình thu hút 22 hộ tham gia. Cuối vụ, năng suất đạt 79 tạ/ha, trong khi đó, năng suất lúa hè thu năm 2015 của huyện Tây Hòa đạt bình quân 68 tạ/ha.
Ông Huỳnh Tấn Nghĩa, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ Hòa Phong, cho biết: Từ bốn năm nay, mô hình này triển khai tại Hòa Phong đạt hiệu quả cao.
Nhiều nông dân không tham gia mô hình vẫn học tập, áp dụng sản xuất theo mô hình, năng suất vượt trội. Toàn xã Hòa Phong có 612ha, trong những năm qua, HTX triển khai mô hình sản xuất giống lúa cấp siêu nguyên chủng nhưng lượng giống không đủ cung cấp
. Thời gian đến, HTX tiếp tục sản xuất giống năng suất, chất lượng cao để nông dân sản xuất theo mô hình sạ hàng, sạ thưa hợp lý.
Cũng trong vụ hè thu 2015, thực hiện dự án “Đầu tư sản xuất lúa giống cấp siêu nguyên chủng và nguyên chủng của tỉnh, giai đoạn 2010 - 2015”.
Ban quản lý dự án của Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên phối hợp với các HTX Hòa Thành Tây (huyện Đông Hòa), Hòa Phong (huyện Tây Hòa), Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), Nam An Hiệp (huyện Tuy An) và Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) sản xuất 19,7ha với các giống lúa ĐV108, CH133, ML49 và TH6, ML213 và OM2695-2…
Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên, cho biết:
Toàn bộ diện tích của mô hình được bố trí liền thửa, liền vùng để thuận lợi cho việc canh tác.
Nông dân tham gia mô hình thực hiện quy trình sản xuất lúa theo quy tắc ba giảm (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm) - ba tăng (tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế);
Một phải (phải dùng giống lúa xác nhận) - năm giảm (giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón) và quản lý dịch hại tổng hợp theo phương pháp IPM.
Trên cánh đồng sản xuất lúa cấp siêu nguyên chủng, sạ thưa gié lúa dài đóng thóc dày, độ đồng đều cao, cứng cây nên chống đổ ngã tốt, ít lép.
Kết quả năng suất đạt 81,2 tạ/ha, trong khi lúa đối chứng chỉ đạt 78,2 tạ/ha. Thông qua mô hình này, nông dân nhân rộng mô hình sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Phú Yên đã triển khai nhiều chính sách đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và hướng nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận để sản xuất.
Thời gian đến, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa chất lượng, nhằm tạo ra sản phẩm lúa chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài tỉnh.
(Ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên)
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ