Lúng túng chuyển đổi cây trồng mùa hạn
Không thể sản xuất
Thông thường, cuối tháng 4, đầu tháng 5 là thời vụ gieo trồng lúa hè thu. Tuy nhiên năm nay, do nắng hạn kéo dài nên việc triển khai sản xuất lúa gần như không thực hiện được. Ông Bùi Chưa (xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cho biết, việc chuyển đổi cây trồng hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Do không có nước nên không thể trồng hoa màu chịu hạn. Thời gian qua, người dân trong xã cũng chuyển đổi sang các cây trồng khác như: đậu, kiệu, sắn nước..., nhưng vì thiếu nước nên sản lượng không đạt, thậm chí có hộ mất trắng.
Đến thời điểm này, thị xã Ninh Hòa cũng rất lúng túng trong việc vận động người dân chuyển đổi cây trồng. Ông Nguyễn Tiến - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết, lượng nước tại các hồ chứa chỉ có thể phục vụ tưới cho khoảng 1.600ha lúa, diện tích còn lại, thị xã vận động người dân chuyển đổi sang các cây trồng cần ít nước như: bắp, đậu...
Tuy nhiên, việc này cũng khó khả thi bởi thiếu nước. Việc đào giếng trong điều kiện khô hạn rất khó khăn, do mạch ngầm đã cạn. Từ nay đến cuối tháng 5, nếu có mưa tiểu mãn thì tình hình mới có thể được cải thiện.
Trong lúc khô hạn kéo dài, việc chỉ đạo và thống kê diện tích cần chuyển đổi từ cây lúa sang cây trồng khác cũng chưa thống nhất. Chi cục Bảo vệ thực vật xác định, diện tích có thể chuyển đổi cây trồng khác trong vụ hè thu là 600ha; trong khi đó, Chi cục Thủy lợi báo cáo khoảng 1.400ha đất lúa có thể chuyển đổi sang cây trồng khác. Lý giải điều này, bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết, đây là con số an toàn, đã tính tới khả năng chuyển đổi của các địa phương trong những năm qua.
Chẳng hạn như: Nông dân tại huyện Vạn Ninh chuyển đổi sang trồng cây đậu xanh, đậu phụng ổn định mấy năm nay; huyện Cam Lâm phát triển diện tích khoai sáp... Còn ông Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho rằng, số liệu được tổng hợp từ các địa phương nên đây chỉ là dự báo.
Khó chuyển đổi
Theo bà Linh, việc chuyển đổi cây lúa sang cây trồng khác không đơn giản vì nhiều yếu tố tác động, ngoài nước tưới còn có tập quán canh tác, kỹ thuật, thị trường... “Nông dân các vùng trồng lúa thường quen với canh tác cây lúa nên không mặn mà với cây trồng khác. Trồng đậu phụng, đậu xanh... tốn nhiều công, đồng thời kỹ thuật cũng phức tạp hơn trồng lúa, đó là chưa kể đến vấn đề thị trường. Chính vì thế, việc vận động người dân trồng hoa màu gặp nhiều trở ngại...” - bà Linh nói.
Trước tình hình đó, Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo nông dân những khu vực có đủ nước sản xuất lúa cần gieo sạ sớm để tránh gió nóng và giảm áp lực dùng nước khi có mưa tiểu mãn, cần dùng các giống ngắn ngày như: ML 48, TH 41, ĐV 108... Những nơi thuận lợi điều kiện địa hình và đất đai cần chuyển sang gieo trồng cây hoa màu như: bắp lai, đậu nành, đậu xanh...; chủ động giống mía, hoa màu để trồng khi có mưa tiểu mãn; tủ gốc cho cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả, tìm mọi cách tưới bổ sung, hạn chế cây chết do khô hạn...
Ông Trị cho biết, dự kiến, kết thúc vụ lúa đông xuân, tổng dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 20 triệu m3, có một số hồ mực nước dưới dung tích chết, trong khi tổng nhu cầu nước sản xuất lúa hè thu lên tới 185 triệu m3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án chống hạn vụ hè thu. Đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT cho rằng, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây ngắn ngày khác gặp khó khăn còn do địa hình phức tạp, vùng trồng lúa thường trũng ở đồng bằng hay thung lũng đối với miền núi. Vì vậy, chỉ cần một trận mưa cỡ 20mm là các cánh đồng có thể bị ngập úng. Mặt khác, cơ sở hạ tầng kênh mương tưới tiêu được xây dựng cho vùng trồng lúa nên cũng không phù hợp cho cây trồng khác.
Vừa qua, trong chuyến làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Khánh Hòa, tỉnh đã đề xuất với Trung ương hỗ trợ kinh phí chống hạn, có cơ chế xây dựng hồ chứa dung tích nhỏ dưới 2 triệu m3, hỗ trợ giống cây trồng chịu hạn, hỗ trợ gạo giáp hạt cho người dân…
Biện pháp chống hạn: Các địa phương, đơn vị quản lý công trình thủy lợi, thủy điện tập trung cân đối nước theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp và nông nghiệp; rà soát phương án chống hạn, chủ động điều tiết nước vụ đông xuân, dự báo sản xuất hè thu; tăng cường phân phối nước tiết kiệm, hợp lý, hạn chế thất thoát nước, rò rỉ… Ngoài ra, đào giếng bổ sung nguồn nước; lắp đặt trạm bơm dã chiến, tận dụng bàu, ao gần khu vực thiếu nước; tăng cường các trạm bơm điện, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, khoan giếng lấy nước ngầm, đào ao trữ nước…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ