Lưu ý khi lựa chọn thức ăn cho tôm
Để tiết kiệm chi phí nuôi và mang lại thành công của một vụ nuôi, khi lựa chọn thức ăn cho tôm, người nuôi cần chú ý ba vấn đề sau: Cảm quan, kích thước; độ bền; bao bì nhãn mác.
Thức ăn chất lượng phải có màu sắc đạt yêu cầu - Ảnh: Máy Cày
Cảm quan, kích thước
Khi lựa chọn thức ăn tôm, yếu tố đầu tiên cần quan tâm là màu sắc, mùi đặc trưng của chúng. Màu sắc yêu cầu từ vàng nâu đến nâu. Có mùi đặc trưng của nguyên liệu phối chế, không có mùi mốc và mùi lạ khác. Thức ăn không bị vón cục, và có độ đồng đều cao.
Thức ăn viên gồm 6 loại được sử dụng cho các giai đoạn phát triển của tôm. Với tôm sú chia là 6 giai đoạn như sau: 0,01 - 0,2 g/con; 0,2 - 1 g/con; 1 - 5 g/con; 5 - 10 g/con; 10 - 20 g/con và lớn hơn 20 g/con. Thức ăn cho tôm thẻ chân trắng cũng được chia làm 6 giai đoạn: 0,1 - 1 g/con sử dụng thức ăn cỡ nhỏ hơn 0,6 mm; loại 1 - 3 g/con, cỡ thức ăn tối đa 0,8 mm; 3 - 8 g/con, thức ăn nhỏ hơn 1,2 mm; 8 - 12 g/con, kích cỡ tối đa 1,8 mm; 12 - 20 g/con, kích cỡ thức ăn tối đa 2,2 mm; trên 20 g/con, kích cỡ thức ăn tối đa 2,5 mm. Tỷ lệ chiều dài so với đường kính viên khoảng 1,5 - 2 lần. Trong giai đoạn tôm từ 0,1 - 8 g có thể sử dụng thức ăn dạng mảnh hoặc dạng viên, khi tôm > 8 g, chỉ sử dụng thức ăn dạng viên. Thức ăn viên có hình trụ, bề mặt mịn, kích thước đáp ứng được đối với kích cỡ miệng tôm. Với thức ăn dạng mảnh, yêu cầu các hạt đều nhau, bề mặt mịn, kích cỡ vừa với cỡ miệng.
Ngoài ra, thức ăn đạt chất lượng có tỷ lệ vụn, nát nhỏ hơn 1%. Để xác định tỷ lệ vụn, nát, lấy 100 - 200 g thức ăn, cho qua rây lưới với kích cỡ lỗ rây bằng 40% so với kích cỡ đồng đều. Cân toàn bộ phần đã lọt qua rây và tính phần trăm.
Độ bền
Độ bền là một trong những yếu tố quan trọng trong chế biến thức ăn cho tôm. Người nuôi tôm có thể thử độ bền bằng cách lấy khoảng 5 g thức ăn cho vào cốc thủy tinh có chứa nước trong để yên trong vài phút. Sau đó, cứ khoảng 15 phút dùng đũa khuấy nhẹ một vòng rồi quan sát. Nếu hầu hết các viên thức ăn vẫn còn giữ nguyên hình dạng và có thể cầm nhẹ lên mà không bị vỡ nát là thức ăn chưa bị rã. Độ bền của viên thức ăn được tính bằng số giờ quan sát kể từ khi thả thức ăn vào cốc thủy tinh chứa nước cho đến khi hầu hết các viên thức ăn vẫn còn giữ nguyên hình dạng ban đầu. Độ bền theo tiêu chuẩn quy định không nhỏ hơn 2 giờ.
Bao bì nhãn mác
Lựa chọn loại thức ăn có nhãn bằng tiếng Việt có thông tin chính xác. Thức ăn hỗn hợp cho tôm phải được đóng gói trong bao bì đảm bảo bền, kín, không hút ẩm, còn nguyên vẹn, đã được tiệt trùng. Nhãn ghi trên bao bì phải đúng theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ và các quy định hiện hành khác về ghi nhãn, thể hiện rõ tên sản phẩm, định lượng, tên, địa chỉ, số điện thoại của cơ sở và địa điểm sản xuất, số tiêu chuẩn công bố và các chỉ tiêu chất lượng khác theo quy định như nguồn gốc, xuất xứ, thành phần dinh dưỡng… và hạn sử dụng 90 ngày kể từ khi sản xuất. Trên nhãn phải ghi thêm cam kết: “Sản phẩm không chứa chất cấm theo quy định hiện hành”, số hiệu tiêu chuẩn công bố.
Lựa chọn mua thức ăn tại cơ sở đủ điều kiện bán hàng, điều kiện vệ sinh, bảo quản; không mua thức ăn trôi nổi hoặc bán rong, sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc không được bảo quản đúng cách.
Thành phần dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất để lựa chọn thức ăn cho tôm nuôi. Vì vậy người nuôi cần lựa chọn thức ăn theo tiêu chuẩn TCVN 9964:2014 - tiêu chuẩn chất lượng quốc gia của thức ăn hỗn hợp cho tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ