Tin thủy sản Lưu ý khi nuôi hàu Thái Bình Dương

Lưu ý khi nuôi hàu Thái Bình Dương

Tác giả Trọng Nam, ngày đăng 14/11/2019

Lưu ý khi nuôi hàu Thái Bình Dương

Hàu (hầu) Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) được người nuôi đánh giá là mau lớn, năng suất cao. Tuy nhiên, cần phải lưu ý một số vấn đề về kỹ thuật để đảm bảo thành công cao nhất.

Thu hoạch hàu Thái Bình Dương tại vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh)

Chọn vị trí nuôi

Khi nuôi hàu Thái Bình Dương cần phải đảm bảo các yếu tố như: Vùng nuôi phải là ở vùng cửa sông, ít sóng gió, có độ mặn 20 - 30‰, pH thích hợp 7,5 - 8,5. Nguồn nước sạch, nước lưu thông (có dòng chảy nhẹ), màu nước xanh có nhiều sinh vật phù du. Độ sâu nên chọn vùng hạ triều, chất đáy tương đối cứng.

Chú ý: Tránh nuôi hầu ở những khu vực có nhánh sông đổ ra trực tiếp. Bãi nuôi hàu phải bảo đảm độ ngập nước cho hàu khi con nước ròng. Khu vực nuôi phải xa khu dân cư, ít thuyền bè qua lại, tránh nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.

Nguồn giống

Hiện nay, đa phần là dùng giống sinh sản nhân tạo. Không nên thả giống quá nhỏ sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống. Tuyệt đối không xuống giống vào lúc thời tiết có biến động hoặc thay đổi lớn.

Chăm sóc và quản lý

Hàu Thái Bình Dương thường được nuôi theo 3 phương pháp là: Nuôi giàn, nuôi bè và nuôi lồng. Nuôi giàn có kỹ thuật nuôi đơn giản, chi phí thấp nhưng chất lượng hàu không cao. Nuôi bè dễ quản lý, dễ chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao nhưng chi phí đầu tư cao hơn nuôi giàn. Nuôi lồng tốc độ tăng trưởng của hàu nhanh, cho năng suất cao nhưng chi phí đầu tư cao nhất so với các hình thức khác. Người nuôi lên chọn phương pháp nuôi phù hợp với điều kiện vùng nước và điều kiện kinh tế để đạt hiệu quả.

Trong điều môi trường không thuận lợi như độ mặn thấp, nguồn thức ăn giảm,… có thể hạ các dây nuôi xuống sâu hoặc di chuyển hàu đến vùng khác; thường xuyên kiểm tra các thiết bị nuôi như dàn bè, phao, dây nuôi, lồng nuôi nhằm phát hiện và sửa chữa kịp thời.

Cần chú ý mật độ bám và vị trí bám của hàu trên dây nuôi. Nếu hàu bám nhiều ở tầng trên của dây nuôi chứng tỏ nền đáy có vấn đề như: pH thấp hoặc bùn đáy quá dày, rong bám nhiều, đáy có nhiều khí độc,…Khi đó, cần làm vệ sinh nền đáy, điều chỉnh vật bám thưa ra.

Thường xuyên tiêu diệt các động vật ăn hàu như loài ốc, sun, hà,các loài giáp xác như cua còng, cáy và thu các bọc trứng của ốc vào mùa sinh sản (tháng 7 - 9). Định kỳ vệ sinh hàu bằng cách dùng bàn cọ rửa trên hàu để loại bỏ các chất bẩn, rong và sinh vật bám. Sau khi nuôi khoảng 6 tháng nên thu tỉa bớt những con hàu lớn nhằm giảm mật độ nuôi để hàu sinh trưởng nhanh.

Vỗ béo cho hàu

Nuôi vỗ béo là công đoạn cuối cùng của quy trình nuôi trước khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Việc nuôi này thường thực hiện trong đìa giàu thức ăn hay ngoài cửa sông với mật độ thưa. Thời gian nuôi vỗ béo thường kéo dài khoảng 15 - 20 ngày.

Hiện nay, tại một số nơi, người nuôi hàu dùng tấm fibro xi măng để làm giá thể nuôi hàu. Nhiều chuyên gia cảnh báo, cách làm này vừa gây ô nhiễm môi trường vừa ảnh hưởng đến chất lượng của hàu, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.


Kinh nghiệm chọn và thả tôm giống Kinh nghiệm chọn và thả tôm giống Trang trại nuôi 10000 tấn cá hồi dự kiến cho Việt Nam theo công nghệ tuần hoàn - RAS Trang trại nuôi 10000 tấn cá hồi dự…