Tin nông nghiệp Lưu ý thực hiện mô hình nuôi cá - lúa

Lưu ý thực hiện mô hình nuôi cá - lúa

Tác giả Nguyễn Thị Phương Dung, ngày đăng 01/11/2019

Lưu ý thực hiện mô hình nuôi cá - lúa

Khi thu hoạch lúa vụ hè thu sớm (vụ 2), nông dân bắt đầu chuẩn bị ao mương chiếm 15 - 20% của diện tích ruộng để thả cá, có thể tận dụng ao có sẵn tiếp giáp ruộng cải tạo lại và chỉ đào thêm mương bao xung quanh ruộng. Song song với việc chuẩn bị mương thả cá thì chuẩn bị ruộng để sạ vụ hè thu chính vụ (vụ 3). Lúa sạ thưa theo hàng hoặc cấy. Khi lúa hoàn tất giai đoạn đẻ nhánh khoảng 30 ngày bơm nước vào để cá lên ruộng ăn sâu rầy và cá cung cấp phân cho lúa.

Mô hình cá - lúa ở Tiền Giang

Thu hoạch lúa hè thu chính vụ xong cho nước vào ruộng và cho hết cá lên ruộng, giai đoạn này đặc biệt chú ý rào lưới xung quanh ruộng và ao thật kỹ, kiểm tra lưới thường xuyên hàng ngày để bảo vệ cá, nhất là khi có nước lũ về. Thời gian này cá lớn rất nhanh và không cần cho ăn thức ăn viên. Đến lúc nước lũ rút, cá cũng đạt kích cỡ thương phẩm xuất bán và chuẩn bị cho vụ lúa Đông - Xuân.

Để mô hình cá - lúa cho hiệu quả cao, cần lưu ý những điều sau:

- Thiết kế ao xung quanh ruộng phải có đường để máy gặt đập vô được để giúp giảm chi phí thu họach. Diện tích ao nuôi tốt nhất 15 - 20% diện tích ruộng.

- Nên chọn loài nuôi và thả mật độ phù hợp điều kiện đầu tư của nông hộ. Các loại cá có thể thả nuôi thịt: rô đồng là chính (khoảng 70 - 80%) còn 20 - 30% ghép thêm một trong những loài như cá sặc rằn, chép, mè trắng, mè vinh. Mật độ khoảng 5 con/m2 là vừa.

- Cá giống được thả trước ở mương. Khi lúa khoảng 1 tháng nâng nước tối đa khoảng 1 tuần cho cá lên hết hiệu quả diệt sâu rầy rất cao, rồi giảm mực nước xuống để cho cá lên ruộng được. Khi nào rút cá xuống mương thì rút nước từ từ để cá dễ xuống. Phải theo giai đoạn phát triển của cây lúa mà cho cá lên ruộng, cá lên ruộng càng nhiều càng phát triển nhanh và giảm được thức ăn viên, giảm chi phí.

- Cá con mới thả định kỳ phòng bệnh bằng vôi và muối, cá nhỏ cho ăn thức ăn viên, cá lớn trồng thêm rau muống quanh bờ ruộng làm thức ăn cho cá để giảm chi phí, khi thu hoạch lúa vụ 3 xong cho hết cá lên ruộng nên không cần cho ăn thức ăn, tùy vào thời kỳ sinh trưởng của cây lúa mà nâng nước cho cá lên ruộng, hiệu quả cá ăn sâu rầy rất tốt.

- Khi thực hiện mô hình này thì cá ăn sâu rầy nên không cần xịt thuốc sâu, chỉ có xịt thuốc bệnh lem lép hạt và khô cổ bông,

- Làm bờ bao và rào lưới bảo vệ chắc chắn, vào mùa lũ kiểm tra lưới hàng ngày.

- Nên có trồng rau màu trên bờ hoặc có bèo để cung cấp thức ăn thêm cho cá để giảm chi phí.

- Lưu ý tập tính ăn của từng loài cá để cung cấp đủ và đúng loại thức ăn và chọn thời điểm bán cá theo nhu cầu thị trường.

- Những hộ liền kề có thể hợp tác thành tổ để giảm chi phí về công quản lý chăm sóc.

- Lúa sạ thưa theo hàng hoặc cấy. Nên giảm phân đạm, tăng kali cho lúa cứng cây năng suất cao, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học.

- Phải có sổ nhật ký ghi chép hàng ngày những công việc trong quá trình nuôi giúp nông dân dễ dàng hạch toán được hiệu quả kinh tế và là cơ sở để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu.

- Về chọn thời điểm bán cá cũng quyết định rất lớn đến hiệu quả kinh tế, xác định nhu cầu thị trường để bán cá có giá cao như cá rô đồng bán trước khi lũ về, cá chép bán trước tết, mè trắng và sặc rằn bán vào dịp tết để xay chả hoặc làm khô.

Với 1ha đất, hàng năm bà con thu lời từ cá khoảng 50 triệu đồng và lời từ lúa khoảng 50 triệu, cho nên mô hình kết hợp nuôi cá và 3 vụ lúa này lời gấp đôi so với chỉ trồng 3 vụ lúa. Đặc biệt là tạo ra sản phẩm cá và lúa an toàn, sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.


Nông dân Bạc Liêu nuôi tôm kết hợp cấy lúa Nông dân Bạc Liêu nuôi tôm kết hợp… Làm gì để nâng cao sức cạnh tranh ngành gia cầm? Làm gì để nâng cao sức cạnh tranh…