Mô hình kinh tế Mất Mùa Lúa, Được Mùa Sắn

Mất Mùa Lúa, Được Mùa Sắn

Ngày đăng 27/08/2013

Mất Mùa Lúa, Được Mùa Sắn

Do chuột và sâu bệnh nên năng suất lúa hè thu năm nay của nông dân huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) chỉ đạt 49 tạ/ha. Tuy nhiên, nỗi buồn này phần nào được bù đắp khi cây sắn vừa được mùa lẫn được giá.

Nỗi lo mất mùa lúa

Theo thống kê, vụ hè thu năm nay bệnh lem lép hạt gây hại trên diện rộng với diện tích nhiễm khoảng 2.600ha, diện tích nhiễm nặng khoảng 510ha tập trung ở các xã, Quảng Vinh, Quảng Phước, Quảng Phú, Quảng Thái, Quảng Lợi và thị trấn Sịa.

Theo anh Trần Đình Nam – cán bộ kỹ thuật phòng NN&PTNT huyện, qua công tác thăm đồng cũng như sản lượng lúa mà bà con nông dân đang thu hoạch trà đầu, năng suất lúa của huyện chỉ đạt 49tạ/ha, giảm 15% so với vụ hè thu trước.

Ông Lê Khiêm (xã Quảng Thái) cho biết: gia đình tôi đưa vào gieo sạ 6 sào lúa, chủ yếu là giống lúa Khang Dân và IR352. Với chi phí diệt chuột đầu vụ, phân bón thuốc trừ sâu cho giữa vụ, phí cho mỗi sào lúa lên đến 700.000 đồng nhưng năng suất lúa hiện nay chỉ đạt 150 kg.

Không riêng gì ông Khiêm, hầu hết bà con nông dân xã Quảng Thái cũng đang có chung tâm trạng vừa buồn vừa lo. Buồn là vì đầu tư biết bao nhiều tiền bạc, công cán nhưng năng suất lúa quá thấp. Lo là không đủ lương thực để đảm bảo giáp hạt cho vụ đông xuân sắp tới.

Ông Hồ Hai – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thống Nhất cho hay: Vụ lúa này, toàn HTX gieo cấy 267ha. Do chuột và sâu bệnh gây hại đã ảnh hưởng đến năng suất của toàn HTX. Qua thống kê thăm đồng, năng suất chỉ đạt 29tạ/ha. Có những sào ruộng năng suất chưa đạt đến 1 tạ. Nếu năm nay thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, không có lũ như năm trước thì nông dân sẽ không mặn mà với cây lúa.

Niềm vui sắn được mùa

Tuy khó khăn trên lĩnh vực sản xuất lúa nhưng đến thời điểm hiện tại, nông dân trên địa bàn huyện phần nào được an ủi khi sắn được mùa. Ông Trần Hồ (xã Quảng Vinh) cho hay, vụ hè thu này gia đình tôi mất mùa gần như hoàn toàn, nhưng nhờ các diện tích sắn đạt năng suất khá cao, giá cả tốt (sắn khô 4.500đồng/kg, sắn tươi 1.400 đồng/kg) đã phần nào giúp gia đinh trang trải khi lúa mất mùa.

Chị Văn Thị Tuyết (xã Quảng Phú) đang thu hoạch sắn phấn khởi nói: “Gia đình không có nhiều đất, mỗi năm chỉ trồng được trên dưới 5 sào sắn nhưng do áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh cùng với đưa giống mới vào trồng nên năng suất đạt khá. Đến nay, gia đình đã bán 5 tấn sắn tươi, sinh hoạt bớt chật vật hơn.

Gia đình chị Trần Thị Dung (xã Quảng Lợi) gắn bó với nghề trồng sắn cả chục năm nay. Trồng sắn không khó, vốn đầu tư không nhiều, hầu như không có sâu bệnh, thế nhưng trồng sắn lo nhất là thị trường. Rất may năm nay giá sắn cao nên đỡ lo hơn nhiều, chị Dung chia sẽ.

Vụ hè thu năm nay, huyện Quảng Điền đưa vào trồng hơn 400 ha sắn, chủ yếu tập trung ở các xã Quảng Phú, Quảng Vinh, Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Thọ và Quảng An... Theo anh Trần Đình Nam – cán bộ kỹ thuật phòng NN&PTNT huyện, phần lớn sắn trên địa bàn huyện là sắn địa phương. Sắn KM94 đưa vào trồng rất ít, bỡi lẽ giống này chỉ thích hợp với đất đồi, thời gian sinh trưởng dài, còn ở Quảng Điền vùng thấp trũng, đất cát pha thịt nên không phù hợp lắm.

Mô hình trồng sắn chi phí đầu tư thấp, dễ trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi ha sắn cho thu hoạch khoảng 20 đến 35 triệu đồng. Sản lượng sắn tươi thu hoạch hàng năm của huyện Quảng Điền ước đạt trên 8.000 tấn, thị trường tiêu thụ sắn chủ yếu là nhà máy tinh bột sắn ở Phong Điền và phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân - anh Nam cho biết thêm.


Mô Hình Mới Với 3 Giống Mô Hình Mới Với 3 Giống "Cây Hoang" Về Rừng Xem Gà Chín Cựa Về Rừng Xem Gà Chín Cựa