Tin nông nghiệp Mekong Connect 2017: Gạo phải là cô gái đẹp

Mekong Connect 2017: Gạo phải là cô gái đẹp

Tác giả Chí Quốc - Mậu Trường, ngày đăng 01/11/2017

Mekong Connect 2017: Gạo phải là cô gái đẹp

Ông Phạm Hồng Sơn – giám đốc kinh doanh Unilever VN – ví von gạo VN với những thành tích đã đạt được như một cô gái chăm chỉ nhưng cần phải nâng lên thành “cô gái đẹp”, với việc tăng giá trị sản phẩm gạo là cực kỳ quan trọng.

Sản phẩm đặc trưng bản địa của một số tỉnh ĐBSCL được trưng bày bên lề diễn đàn Mekong Connect 2017 – Ảnh: C.Quốc

Cùng với việc xây dựng thương hiệu gạo và làm mới những sản phẩm sẵn có, các địa phương phải liên kết chặt chẽ để phát huy thế mạnh từng địa phương để cùng hưởng lợi, trên cơ sở từ bỏ tư duy cục bộ địa phương.

Đây là những nội dung được các chuyên gia và nhà khoa học nêu ra tại diễn đàn Mekong Connect 2017 với chủ đề “Phát triển sản phẩm bản địa kết hợp sức mạnh khoa học công nghệ” do Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao tổ chức tại tỉnh Bến Tre ngày 26/10.

Gạo phải là “cô gái đẹp”

Phát biểu tại diễn đàn, GS Võ Tòng Xuân cho rằng suốt nhiều năm qua, các doanh nghiệp (DN) thường làm ăn theo kiểu chụp giật, đi gom đủ loại giống lúa rồi cho vào một nơi đem bán khiến lúa gạo VN không có thương hiệu, chất lượng không cao.

Nguyên nhân là do hầu hết DN, kể cả DN “đàn anh” như Vinafood, cũng không có vùng nguyên liệu, không sản xuất và giám sát được chất lượng.

 “Gạo VN phải có thương hiệu. Khi mở bao gạo ra, hạt nào cũng như hạt nào mới thiết lập được danh tiếng gạo VN, còn DN vẫn cứ làm ăn chụp giật với thương lái thì gạo VN còn thua trên thị trường quốc tế” – ông Xuân cảnh báo.

Ông Phạm Hồng Sơn – giám đốc kinh doanh Unilever VN – ví von gạo VN với những thành tích đã đạt được như một cô gái chăm chỉ nhưng cần phải nâng lên thành “cô gái đẹp”, với việc tăng giá trị sản phẩm gạo là cực kỳ quan trọng.

Theo ông Sơn, vấn đề xây dựng thương hiệu và kênh phân phối phải đi song song, nhưng hiện nay sản xuất xong mới đi bán đó là việc làm ngược.

Theo ông Trương Quang Hoài Nam – phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhu cầu khách hàng đã khác, họ yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc hàng hóa rõ ràng. Do đó, TP Cần Thơ đã họp với các sở ngành, DN để bàn việc tổ chức sản xuất theo hướng sạch.

Trước mắt trong vụ đông xuân 2017-2018 thành phố sẽ triển khai sản xuất theo hướng này trên diện tích 10.000ha tại một số vùng trọng điểm. “Mong các nhà khoa học chia sẻ với thành phố” – ông Nam đặt hàng.

Dẫn câu chuyện của Thái Lan đưa yếu tố văn hóa vào hạt gạo, ông Hà Việt Quân (tổ trưởng tổ công tác 569 của bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc) cho rằng các nhà quản lý, DN VN phải chú ý yếu tố này.

“Nếu ta cứ tiếp tục chạy theo hướng marketing, theo công nghệ và gạo sạch đơn thuần mà không đầu tư cho yếu tố văn hóa, tôi nghĩ gạo VN khó thoát cảnh như hiện tại” – ông Quân lưu ý.

“Làm mới” sản phẩm sẵn có

Cũng tại diễn đàn, các sản phẩm bản địa là lợi thế khác như sen, dừa đã được các chuyên gia hiến kế để có thể tiến xa hơn.

Chẳng hạn, với cây sen là sản phẩm thế mạnh, Đồng Tháp nên là điểm đến của du lịch theo mô hình “du lịch chậm” tức là tour có thể giữ chân du khách, nâng cấp chuỗi giá trị du lịch, định vị vững vàng, rõ nét hình ảnh địa phương.

Theo đó, du khách đến để ngắm cây sen, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu các giá trị văn hóa gắn với sen, mua sắm sản vật từ sen và quan sát thực tế.

“Chúng ta xây dựng sản phẩm du lịch bằng cách tạo nhiều cầu nối, đòn bẩy, kích thích các giá trị văn hóa từ sen, gia tăng sự trải nghiệm cho du khách một cách hiện đại, chuyên nghiệp, cần quốc tế hóa lễ hội văn hóa tâm linh tại đồng sen Gò Tháp.

Ngoài ra, Đồng Tháp nên khuyến khích hộ gia đình cùng làm du lịch, đẩy mạnh việc kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, ẩm thực; cơ sở kinh doanh lữ hành và xây dựng các kênh tham vấn khác” – TS Ngô Thị Phương Lan đề xuất.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Giáp (giảng dạy Chương trình kinh tế Fulbright) đề nghị Bến Tre phải nâng cao giá trị sản phẩm từ cây dừa với công nghệ mới và phương thức canh tác hữu cơ, kết hợp đa dạng hóa sản phẩm.

Theo dự báo, người tiêu dùng Mỹ và châu Âu sẽ tăng nhu cầu dùng nước dừa nhưng cũng đòi hỏi sản phẩm nước dừa nguyên chất pha với hương vị các loại trái cây khác như chanh dây, Bến Tre có thể đón đầu để có chiến lược sản xuất mặt hàng này.

Bà Ino Mayu (chuyên gia nông nghiệp, nhà sáng lập Tổ chức Seed to Table, Nhật Bản) cho rằng phát triển sản phẩm bản địa dễ mà khó.

Dễ vì đó là sản phẩm có sẵn, còn khó là “không ai mua thì sao?”. Do đó, cần phải nghiên cứu sâu, kỹ về nhu cầu người tiêu dùng.

Dẫn kinh nghiệm hai tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa của Nhật Bản là Hokkaido và Shimukappu, bà Mayu cho biết nhiều công ty Nhật đã hợp tác với chính quyền địa phương để nghiên cứu nhu cầu của người tiêu dùng.

“Muốn phát triển sản phẩm bản địa thì liên kết phải nhiều, các thành phần phải hợp tác chặt chẽ để làm ra sản phẩm bán được tại thị trường” – bà Mayu nói.

TS Vũ Thành Tự Anh (trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về ĐBSCL):

Liên kết phải có lợi ích cụ thể

Nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương tạo ra một sự thịnh vượng dựa trên những thế mạnh bản địa và tạo mối liên kết giữa các địa phương, các tiểu vùng của vùng ĐBSCL.

Việc liên kết phải được thuận lợi hóa và lợi ích của liên kết đủ cao. Ví dụ, khi nói đến liên kết giữa 13 tỉnh ĐBSCL, có thể có những tỉnh không có sự liên kết vì không có tính tương đồng. Như Cà Mau - Vĩnh Long, hay Cà Mau - Long An, tôi nhìn thấy không có sự liên kết rõ rệt.

Nhưng vùng tứ giác Long Xuyên hay bán đảo Cà Mau... có những nhu cầu tự thân, gần gũi và đó là động lực lớn nhất để họ có thể liên kết với nhau. Vấn đề là lợi ích của liên kết. Nếu liên kết mà không được thêm lợi ích gì, chỉ mất thời gian và chi phí, chắc chắn các địa phương sẽ không tham gia.


Thanh trà Thủy Biều, đặc sản tiến vua đang giúp người dân làm giàu Thanh trà Thủy Biều, đặc sản tiến vua… Bài học từ hàm lượng chất xám của Israel và Nhật Bản Bài học từ hàm lượng chất xám của…