Mì tăng giá mừng và lo
Chỉ riêng xuất khẩu mì lại tăng vọt.
Cụ thể, khối lượng xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì của cả nước trong tháng 9 vừa qua ước tính đạt 235 ngàn tấn, tăng hơn 22% so với tháng 8.
Nhờ đó, trong 9 tháng của năm nay, cả nước đã xuất khẩu mì đạt 3,7 triệu tấn với kim ngạch 1,03 tỷ USD, tăng 28,4% về lượng và tăng 24,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Niềm vui của người trồng mì và ...
Với nhiều hộ nông dân ở Bình Phước, mì được xem là cây trồng xen canh, “lấy ngắn nuôi dài” và cũng là cây làm giàu cho nhiều gia đình.
Thế nhưng vào thời điểm cuối năm 2014, giá mì tươi trên địa bàn tỉnh giảm tận đáy và giá mì tại vườn chỉ còn khoảng 1.350 đồng/kg.
Nếu trừ công nhổ, chi phí vật tư, công chăm sóc thì người trồng mì chẳng có lãi mà còn lỗ nặng.
Chính vì giá mì giảm liên tục trong nhiều năm nên diện tích trồng mì trên địa bàn tỉnh cũng giảm nhanh chóng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vào năm 2009, toàn tỉnh có hơn 26 ngàn ha, nhưng đến cuối năm 2014, diện tích trồng mì chỉ còn khoảng hơn 16.000 ha.
Đồng Phú là địa bàn có diện tích trồng mì lớn nhất của tỉnh, nhưng hiện chỉ còn khoảng 6.000 ha.
Nguyên nhân giảm diện tích là do các vườn cây cao su, điều khép tán không thể trồng xen...
Nhưng nguyên nhân chính là do giá mì xuống quá thấp nên nhiều hộ nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.
Tuy nhiên, bước sang năm 2015, giá mì trên thị trường thế giới đã có nhiều thay đổi và sản lượng mì xuất khẩu của Việt Nam đã tăng vọt.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 3 quý vừa qua, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính là mặt hàng mì, chiếm 89,17% thị phần, tăng 37,1% về khối lượng và tăng 33,03% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Thị phần thị trường khác đều nhỏ hơn 2%.
Các thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là: Nhật Bản tăng 72,29% về khối lượng và tăng 84,45% về giá trị; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 46% về khối lượng và tăng 43,51% về giá trị.
Trước tình hình khả quan về xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì hiện nay, Hiệp hội Sắn (mì) Việt Nam đã đưa ra dự báo cả năm 2015, xuất khẩu mì của cả nước sẽ đạt khoảng 1,5 tỷ USD.
Giá xuất khẩu mì hiện trung bình khoảng 420 - 430 USD/tấn và nhu cầu tương đối ổn định.
Trong đó, giá mì lát của các doanh nghiệp phổ biến ở mức 225 - 232 USD/tấn, quy đổi ra VND khoảng 5.000 - 5.100 đồng/kg.
Giá xuất khẩu mì lát biên mậu qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) dao động từ 2.730 - 2.750 nhân dân tệ/tấn cho tinh bột loại 1.
Và với mức giá nguyên liệu mì hiện nay, giá thành của sản phẩm tinh bột mì vào khoảng 8.000 - 8.900 đồng/kg.
Hiện các doanh nghiệp nước ta đang chào bán tinh bột mì với giá khoảng 9.000 - 9.500 đồng/kg.
Một trong những nguyên nhân giúp giá mì tăng là ngày 4-9, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 141/2015/TT-BTC và chỉ đạo dừng thực hiện Thông tư số 63/2015/TT-BTC ngày 6-5-2015 về việc sửa đổi mức thuế mì.
Tức là mức thuế xuất khẩu mặt hàng mì lát từ 5% đã được đưa về mức cũ là 0% và áp dụng từ ngày 5-9-2015 cho đến khi có văn bản mới.
Và chính sách này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, chế biến.
Và giá xuất khẩu mì tăng đã đưa giá mì tươi tăng theo và đây thực sự là niềm vui của người trồng mì.
Nhưng bên cạnh đó là những nỗi lo của các nhà quản lý.
Nỗi lo của các nhà quản lý
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù vụ thu hoạch mì mới được bắt đầu nhưng nguồn cung không đủ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Giá mì xuất kho tăng mạnh lên đến mức 4.900 đồng/kg.
Ở các tỉnh Tây Nam bộ, nhiều công ty chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản phải thu mua mì với giá 5.300 đồng/kg.
Hiện nay, ở một số huyện, thị xã trong tỉnh có nhiều hộ đã và đang thu hoạch mì.
So với thời điểm năm trước, năm nay giá mì khô từ 3.800 - 3.900 đồng/kg.
Với giá này, trừ chi phí thì người trồng lời khoảng 17 - 24 triệu đồng/ha.
Khi người trồng mì phấn khởi vì có lãi thì nhà quản lý lại lo về những hệ lụy khi nông dân mở rộng diện tích trồng mì ồ ạt.
Theo số liệu công bố mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng mì của cả nước tính đến ngày 15-8-2015 đạt 469,3 ngàn ha, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Người trồng mì vui khi giá đã tăng trở lại
Với việc giá mì tăng cao trở lại thì nguy cơ phá hủy quy hoạch diện tích trồng mì là điều có thể xảy ra.
Và rồi cũng từ đây sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy, như: Không làm chủ được giá cả thị trường dẫn đến tình trạng “thừa người bán, thiếu người mua”; khi trồng mì ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa đất ở diện rộng, gây xói mòn...
Điều quan trọng hơn nữa là một khi cây mì “bung ra” sẽ phá vỡ quy hoạch của các loại cây khác.
Chưa hết, một khi diện tích trồng mì tăng sẽ dẫn tới thừa nguồn cung, cuối cùng là người nông dân lại rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng - chặt và chặt rồi lại trồng”.
Bên cạnh đó, thực tế ở Bình Phước cho thấy, mỗi khi có loại cây trồng nào đó lên “cơn sốt” đều là nguyên nhân trực tiếp khiến một số diện tích rừng tự nhiên bị mất, đe dọa trực tiếp đến môi trường sinh thái.
Thực tế ở Bình Phước cho thấy, cơn lốc giá cao su từ năm 2003 - 2012 đã làm cho diện tích cao su trên địa bàn tỉnh tăng đột biến.
Và đây cũng là guyên nhân làm cho nhiều diện tích rừng nghèo kiệt biến thành đất trồng cao su.
Đó là chưa tính đến việc, nếu sau này nông dân muốn bỏ cây mì để quay lại với những cây trồng khác như tiêu, cà phê, cao su và đặc biệt là với các loại cây ăn trái: quýt, cam, bưởi, sầu riêng...sẽ rất khó khăn, vì đất đã bạc màu.
Chính vì vậy, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần đưa ra khuyến cáo để người nông dân chỉ nên trồng mì với diện tích theo quy hoạch.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ