Mô hình kinh tế Mía đường lo ngọt thành đắng

Mía đường lo ngọt thành đắng

Ngày đăng 21/10/2015

Mía đường lo ngọt thành đắng

Nguy cơ bị nhấn chìm

Trong các nước tham gia TPP có Australia là nước xuất khẩu mía đường lớn thứ 3 thế giới.

Trong khi chi phí sản xuất đường của Australia khoảng 20 USD/tấn thì chi phí này ở ta là khoảng 55-60 USD/tấn.

Theo Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), chỉ cần nhìn vào các con số này cũng cho thấy gia nhập TPP thì mía đường của ta sẽ khó cạnh tranh như thế nào ngay trên sân nhà khi “mở cửa”.

Nông dân thu hoạch mía tại huyện Phục Hòa, Cao Bằng.

Bà Phan Thị Diệu Hà- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá: Chưa tính tới việc tham gia TPP thì từ năm 2018, Việt Nam cũng sẽ phải xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan đường từ ASEAN theo cam kết hội nhập.

Khi đó, việc nhập khẩu đường của Việt Nam từ các nước thành viên ASEAN sẽ không bị hạn chế về số lượng và thuế suất thuế nhập khẩu chỉ còn 5% (thay vì 30% như hiện nay).

Với TPP, theo bà Hà chậm nhất đến năm 2018, hiệp định này cũng sẽ có hiệu lực với việc gỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu cùng với thuế suất nhập khẩu mặt hàng này sẽ giảm xuống.

Khi đó, không chỉ đường Thái mà đường Australia, Mỹ… cũng sẽ tăng cạnh tranh và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đường sản xuất trong nước.

“Có thể nói, đây là sân chơi đòi hỏi ngành đường phải có sự chuẩn bị bài bản và quyết tâm lớn để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm nhằm cạnh tranh vững vàng hơn” - bà Hà nhấn mạnh.

Ông Đỗ Thành Liêm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam tỏ ra lo lắng, mía đường có thể “thất thế” ngay tại thị trường nội địa.

Ông Liêm cho biết, giá thành sản xuất mía trong nước hiện rất cao.

“Trong cơ cấu giá mía, chỉ tính riêng công lao động đã chiếm 20% giá thành.

Công thuê chặt mía đã mất 170.000-180.000 đồng/tấn mía thì làm sao hạ được giá thành, cạnh tranh nổi khi hội nhập”- ông Liêm nói.

TS Phạm Quốc Doanh- Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp T.Ư thì thẳng thắn cho rằng, hội nhập đã cận kề, song các địa phương còn chưa vào cuộc với ngành mía đường.

“Nếu chúng ta cứ 4 không: Không cơ giới hóa, không làm cánh đồng mẫu lớn, không quy hoạch lại ruộng mía và không liên kết nhà máy mía với nông dân thì nguy cơ đường nội “chìm” khi TPP có hiệu lực là khó tránh”- ông Doanh nói.

Thách thức hạ giá thành sản xuất

Một đại  diện  doanh nghiệp mía đường cho  biết, trong 12 nước thành viên TPP, giá thành sản xuất đường Việt Nam cao hơn rất nhiều so với cả 11 nước còn lại.

Nếu như ở các nước thuộc khu vực ASEAN, năng suất mía đạt 120-140 tấn/ha, thì Việt Nam chỉ đạt được 70 tấn/ha.

Chữ đường trong mía Việt Nam cũng thấp, chỉ đạt 9-10% trong khi của các nước thành viên TPP là 12-13%.

Các nước TPP đã có công nghệ chế biến đường hiện đại, còn ta chỉ có 1/3 số doanh nghiệp lớn được trang bị các máy móc tiên tiến, còn lại đa phần các doanh nghiệp mía đường đều sử dụng công nghệ lạc hậu.

Đây chính là yếu tố khiến ngành mía đường nội địa khó cạnh tranh khi hội nhập sâu.

Theo GS Võ Tòng Xuân,  ngành mía đường Việt Nam đang yếu thế trên mọi mặt, đó là thực trạng mà các doanh nghiệp, Hiệp hội Mía đường và các nhà quản lý cần thẳng thắn nhìn nhận để đối mặt với những thử thách khi lộ trình cam kết hội nhập ASEAN và cả TPP đã cận kề.

Doanh nghiệp mía đường phải tìm cách hạ giá thành sản xuất, giảm chi phí đi đôi với tăng năng suất thì mới tăng được tính cạnh tranh ngay trên sân nhà.

“Hiệu quả mà các nước trồng mía trên thế giới có được không chỉ nhờ kỹ thuật hiện đại mà nhờ vào những biện pháp canh tác hết sức đơn giản.

Gia nhập TPP chúng ta hãy học chính các nước như Mỹ, Australia… về cách trồng mía và làm đường để vươn lên”- GS Xuân cho biết.

Hầu hết đại diện các doanh nghiệp mía đường đều nhận định, gia nhập TPP, bên cạnh những khó khăn, thách thức nêu trên, ngành mía đường cũng có cơ hội đáng kể để cải thiện tình hình sản xuất trong nước.

Cụ thể, ngành mía đường có thể tận dụng thuế suất xuất khẩu 0% từ 11 quốc gia có nền công nghiệp phát triển, ngành mía đường Việt Nam có cơ hội nhập khẩu máy móc hiện đại phục vụ cho chế biến.

Hay nhập giống từ các nước như Australia để cải thiện tình hình giống mía trong nước.

Việt Nam và Australia mới đây đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác thời hạn 10 năm giữa Viện Nghiên cứu đường Australia SRA) và Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam (SRI).

Theo đó, các nhà nghiên cứu mỗi quốc gia sẽ cung cấp cho bên đối tác một danh sách 10 loại giống mía đường để trao đổi.

Sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho hai nước trong việc hạn chế sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng cho cây mía. 

Lập Hội đồng điều phối ngành đường

Để đối mặt với những thách thức đón đầu, Bộ NNPTNT cho biết, đã đề ra một số giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía nguyên liệu.

Cụ thể như chuyển đổi giảm diện tích mía trên đồi cao, tăng diện tích dưới ruộng thấp, chuyển đổi trồng mía trên những ruộng lúa kém hiệu quả; quy hoạch phải đảm bảo liền vùng, liền khoảnh, tạo nên các cánh đồng mía lớn, áp dụng cơ giới hóa, tưới và thâm canh; đưa các giống tốt, chất lượng tốt về Việt Nam khảo nghiệm, sản xuất...

Ngoài ra là chú trọng đến đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía và tận thu thế phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng nguồn nhân lực tốt và tăng cường hợp tác quốc tế.

Đặc biệt Bộ NNPTNT sẽ đề xuất thành lập Hội đồng điều phối ngành đường để bám sát tình hình và có ứng phó kịp thời.


Nghe dân trong nghề kể chuyện thức thâu đêm canh lọp lươn Nghe dân trong nghề kể chuyện thức thâu… Nuôi tôm VietGAP đảm bảo 4 An Nuôi tôm VietGAP đảm bảo 4 An