Mía Trắng Đồng, Dân Trắng Tay
Hàng trăm hộ nông dân trồng mía ở Hậu Giang đang méo mặt vì mía quá thời gian thu hoạch bị trổ cờ (ra bông) trắng đồng làm giảm năng suất, chất lượng.
Mía trổ cờ còn bị mất giá khi bán khiến nông dân thua lỗ nặng.
Về huyện Phụng Hiệp, vùng mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh Hậu Giang, đi đâu cũng nghe bà con ca thán về vụ mía đắng do giá quá thấp. Không chỉ mất giá mà nhiều hộ đến thời điểm này vẫn chưa thể thu hoạch trong khi mía đã quá lứa, đua nhau trổ cờ trắng đồng.
Ông Ba Ức (Trần Văn Ức) ở thị trấn Búng Tàu, Phụng Hiệp nhiều ngày qua cứ như ngồi trên đống lửa vì gần 2 ha mía sau nhà đã trổ cờ gần hết mà vẫn chưa bán được. Mấy chục năm gắn với cây mía, đây là lần đầu tiên ông Ba gặp cảnh mía trổ cờ.
“Đúng ra tôi đã thu hoạch cả tháng nay nhưng thời điểm đó giá mía giảm (các nhà máy đồng loạt giảm thêm 50 đ/kg) nên không có thương lái đi thu mua. Cả nhà ăn ngủ không yên vì mía cứ trổ cờ ngày càng nhiều.
Chờ mãi mới có thương lái đến thu mua, nhưng họ chỉ đặt cọc, hẹn hơn 10 ngày sau mới vào cân. Cuối tuần này tôi mới kêu người vào đốn. Giá mía thấp mà lại bị trổ cờ nữa thì cầm chắc lỗ thấu xương rồi”, ông Ba Ức than thở.
Theo ông Ba Ức, cây mía cho năng suất và chữ đường cao nhất khi chuẩn bị trổ cờ. Còn khi đã bung ra thì cây dồn sức nuôi bông, bọng ruột, năng suất giảm khoảng 20 - 30%. Hiện nay giá bán chỉ còn 760 đ/kg, với giá này mỗi công mía nông dân bị lỗ ít nhất cũng khoảng 1 triệu đồng.
Tương tự, hộ anh Dương Văn Bình ở kế bên còn hơn 3 công mía cũng đã trắng xóa bông. Thương lái chỉ chịu thu mua với giá 750 đ/kg do mía đã trổ bông quá nhiều.
Ông Đời khuyến cáo niên vụ tới nông dân nên sử dụng các giống mía ngắn ngày để thu hoạch sớm, tránh bị áp lực ngập lũ hay trổ cờ. Ngành nông nghiệp sẽ tăng cường chuyển giao KHKT cho nông dân, nhất là khâu cơ giới hóa, bón phân cân đối để tăng năng suất, hạ giá thành. Chỉ có như vậy thì người dân mới trụ được với cây mía trong bối cảnh giá bán ngày càng thấp.
Theo Phòng NN-PTNT Phụng Hiệp, toàn huyện đã thu hoạch được 7.273 ha mía, hiện còn hơn 1.000 ha và đã bị trổ cờ từ 10 - 20%. Trong đó, xã Tân Phước Hưng còn nhiều nhất, khoảng 500 ha, còn lại rải rác ở các xã Hiệp Hưng, Phương Phú và thị trấn Búng Tàu.
Giá mía hiện đã xuống rất thấp, chỉ còn 680 đ/kg, những nơi mía tốt, thuận lợi vận chuyển mới bán được giá 730 - 760 đ/kg. Với tốc độ thu hoạch như hiện nay (khoảng 80 ha/ngày) thì ít nhất 20 ngày nữa mới kết thúc. Dự kiến niên vụ 2015 - 2016, huyện sẽ giảm diện tích mía còn khoảng 7.800 ha.
Không chỉ ở huyện Phụng Hiệp mà vùng mía ở TP Vị Thanh (Hậu Giang) cũng gặp tình cảnh mía trổ cờ tương tự. Bà Nguyễn Thị Dàng, có 0,5 ha mía ở ấp Mỹ I, xã Hỏa Lựu đã nhận tiền cọc của thương lái nhưng vẫn đứng ngồi không yên.
Bà Dàng tâm sự: “Giá mía quá rẻ, tôi bán chỉ được 700 đ/kg. Thương lái đặt cọc có 1 triệu đồng và hẹn hơn 20 ngày nữa mới tới thu mua. Trong khi mía đã trổ cờ, đến lúc đó mía bị bọng ruột và khô hết, chắc chẳng còn được mấy tấn/công. Tình hình này thì nông dân trắng tay, không biết lấy đâu ra vốn đầu tư cho vụ tiếp theo”.
Ông Lê Văn Đời, PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, toàn tỉnh đã thu hoạch được 7.500/12.559 ha mía. Năm nay lượng nước đổ về ít, nông dân không bị áp lực thu hoạch mía chạy lũ nhưng lại gặp cảnh mía trổ cờ, gây thất thu.
Theo ông Đời, khi mía đã bị trổ cờ, cây sẽ tập trung nuôi bông, chữ đường giảm mạnh. Vì vậy, nông dân cần chờ cho bông rụng hết thì lượng đường mới ổn định trở lại để thu hoạch.
Tuy nhiên, khi mía đã trổ cờ thì kiểu gì nông dân cũng bị thiệt: thu hoạch ngay thì chữ đường thấp, còn chờ cho rụng bông thì cây bọng ruột, năng suất giảm.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/mia-trang-dong-dan-trang-tay-post135098.html
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ