Mô hình kinh tế Mô Hình Áp Dụng Quy Trình Nuôi Tôm Sinh Học Ở Vùng Nuôi Tôm Quảng Canh

Mô Hình Áp Dụng Quy Trình Nuôi Tôm Sinh Học Ở Vùng Nuôi Tôm Quảng Canh

Ngày đăng 23/02/2014

Mô Hình Áp Dụng Quy Trình Nuôi Tôm Sinh Học Ở Vùng Nuôi Tôm Quảng Canh

Trong lúc nhiều người dân nuôi tôm ở xã An Trạch và An Phúc (cặp Quốc lộ IA) của huyện Đông Hải (Bạc Liêu) chỉ nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến hay nuôi tôm kết hợp với một số loài thuỷ sản khác để giảm rủi ro và tăng thu nhập, chưa giám mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang hình thức nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp.

Một số hộ tuy đã từng bước chuyển đổi sang hình thức nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp nhưng diện tích còn khiêm tốn (khoảng 20 ha) và chỉ quan tâm đến qui trình nuôi tôm bằng sử dụng hoá chất, kháng sinh.

Riêng ông Đỗ Văn Bông ở ấp Thành Thưởng C, xã An Trạch, huyện Đông Hải, Bạc Liêu đã nhanh chóng chuyển đổi qui trình từ nuôi tôm bằng hoá chất sang nuôi tôm theo qui trình sinh học. Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng đúng qui trình sinh học nên nhiều năm qua ông nuôi tôm công nghiệp luôn thành công.

Xuất thân từ một cán bộ của Trường Đại học Cần Thơ, ông được trường cử về vùng đất Bạc Liêu để ương và bán các loại cá giống. Lúc ấy đang là thời kỳ chuyển đổi đất làm lúa không hiệu quả kinh tế sang nuôi trồng thủy sản, và trên vùng đất này bà con đã chuyển hết sang nuôi tôm.

Sau nhiều đêm suy nghĩ cộng với lòng đam mê và sự quyết tâm, ông xin trường nghỉ việc để theo đuổi ước mơ của mình. Vào nghề với số vốn ít ỏi, kỹ thuật nuôi khác hẳn với nuôi cá, ông bắt đầu trao đổi và học hỏi những người xung quanh, những người nuôi trước và các cán bộ chuyên ngành thủy sản tỉnh.

Dần dần ông đã đúc kết được kinh nghiệm quý báu cho mình. Kể từ năm 2003 đến nay, ông Đỗ Văn Bông đã bước vào nghề nuôi tôm Sú công nghiệp được 5 năm. Chừng ấy thời gian đã giúp cho ông có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, quản lý ao nuôi tôm.

Năm 2003, ông Bông tiến hành cải tạo 2,8 ha đất của gia đình vừa mới mua của những người nuôi quảng canh không hiệu quả, chia thành 7 ao nuôi tôm, với mật độ thả 15 con/m2. Năm đầu tiên, do có ít kinh nghiệm trong quá trình nuôi nên ông đã gặp thất bại.

Không nản chí, ông tiếp tục tìm gặp các cán bộ kỹ thuật khuyến ngư, những người nuôi tôm thành công để học hỏi kiến thức, nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật. Năm 2004, ông bắt đầu áp dụng nuôi theo qui trình sinh học và đã thành công trong các vụ kế tiếp. Qua 2 năm sản xuất, ông nhận thấy, để nuôi tôm đạt hiệu quả cao hơn thì người nuôi phải biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Chính vì lẽ đó, ông tích cực đi nhiều nơi để tìm tòi học hỏi. Qua đó ông đã rút ra được nhiều kiến thức kỹ thuật mới có giá trị phục vụ nghề nuôi tôm. Ông nhận thấy việc nuôi tôm sử dụng chế phẩm vi sinh là mô hình mang lại lợi nhuận cao, chi phí thấp. đặc biệt là mô hình nuôi bền vững không gây ô nhiễm môi trường, gây thoái hóa đất cho kết quả cao hơn so với sử dụng hoá chất, kháng sinh. Vì vậy, ông đã quyết định áp dụng mô hình này. Trong 2,8 ha đất, ông bố trí 7 hồ, mỗi hồ trung bình 2.000m2, có 2 ao lắng riêng biệt để thuận lợi cho việc lấy nước sau này.

Ông nuôi tôm 3 năm, thả 2 vụ. ông cho biết, nuôi cách quãng như vậy để cho đất được nghỉ ngơi và không làm cho đất bị chay khi nuôi tiếp vụ 2. Trước và sau thu hoạch, ông đều sử dụng chế phẩm vi sinh để phân huỷ tạp chất. Trong quá trình nuôi, các chế phẩm được đánh định kỳ xuống ao nhằm cải tạo môi trường nước, nền đáy.

Nhờ áp dụng qui trình nuôi bằng qui trình sinh học, thời gian nuôi tôm được rút ngắn, giảm chi phí và dịch bệnh ít xảy ra, môi trường nước luôn ổn định và đất nuôi không bị thoái hoá. Sau mỗi vụ nuôi, trừ chi phí, ông còn lãi trên 60%, tăng 20% so với nuôi tôm bằng qui trình sử dụng hoá chất.

Điều đặc biệt là trong quá trình nuôi, ông sử dụng ôxy đáy, tạo vòi phun nước trên mặt ao làm tăng lượng ôxy và tạo dòng chảy, các góc bờ dưới ao căn xéo lưới mành để tôm cư trú. Ông không sử dụng quạt nước trong khi nuôi.

Qua 5 năm, với diện tích thả nuôi 2,8 ha nhưng mỗi năm đều thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Riêng năm nay, do giá cả bấp bênh, ông nhẩm tính tổng thu vụ này là 6 tấn, trừ tất cả các chi phí, ông có lãi trên 150 triệu đồng. Nhờ trúng tôm nhiều năm liền, ông Đỗ Văn Bông đã có vốn tích luỹ, xây được một cơ ngơi khang trang cho gia đình mình.

Ngoài chú tâm vào nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học, ông Đỗ Văn Bông còn tích cực chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cho nhiều bà con ở xóm có ao nuôi công nghiệp và được bà con yêu mến.

Ông tâm sự với chúng tôi:“Nước mình đang gia nhập vào WTO, cho nên người nông dân của mình phải biết chớp lấy thời cơ để đưa sản phẩm của mình vào thị trường thế giới. Muốn vào được thị trường này thì chúng ta phải tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, không sử dụng các hoá chất vào sản xuất.

Hiện nay, còn một số người nuôi tôm sử dụng hoá chất và cả khi thu hoạch còn bơm, chích rau câu vào tôm nguyên liệu không những ảnh hưởng đến ngành Thủy sản tỉnh nhà, mà khi xuất khẩu, thế giới họ cũng không chấp nhận. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của nước ta.... Do đó, việc tạo ra sản phẩm sạch là rất cần thiết cho người nuôi tôm”

Chia tay với ông, chúng tôi tin tưởng rằng việc ông áp dụng quy trình nuôi vi sinh vào sản xuất và những suy nghĩ của ông sẽ là tiếng “nói chung” để cho những người nuôi tôm tỉnh nhà nhận thấy khi gia nhập vào WTO.


Chống Rét Cho Cá Chống Rét Cho Cá Luân Canh Lúa-Tôm Sú Theo Hướng GAP Luân Canh Lúa-Tôm Sú Theo Hướng GAP