Mô hình kinh tế Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Trúng Đậm Vụ Lúa Thu Đông

Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Trúng Đậm Vụ Lúa Thu Đông

Ngày đăng 13/12/2013

Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Trúng Đậm Vụ Lúa Thu Đông

Vụ lúa thu đông năm 2013, các mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trúng đậm. Năng suất lúa bình quân từ 6,5 - 7 tấn/ha, cá biệt có một số nơi lên đến 7,5 tấn/ha, tăng từ 0,5 - 1 tấn/ha so với các ruộng lúa không áp dụng mô hình CĐML.

Năng suất lúa tăng liên tục

Thực hiện kế hoạch xây dựng mô hình CĐML và hướng dẫn ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo hướng VietGAP giai đoạn 2013 - 2014, tỉnh đã đầu tư vốn ngân sách xây dựng các điểm trình diễn. Vụ lúa thu đông năm 2013, xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai) là một trong hai điểm được tỉnh đầu tư trình diễn mô hình CĐML 218ha với 133 hộ dân tham gia.

Khác với các lần trình diễn mô hình CĐML trước đây, Nhà nước sẽ đầu tư hỗ trợ các điểm trình diễn mô hình 3 vụ liên tiếp. Nông dân ngoài việc được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, còn được hỗ trợ lúa giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sau thu hoạch, đầu tư hệ thống ô đê bao khép kín, các trạm bơm nước phục vụ sản xuất…

Hiện ở ấp 13 (xã Phong Thạnh Đông A), bà con nông dân đang vào mùa thu hoạch rộ vụ lúa thu đông. Năng suất lúa đạt bình quân từ 6,5 - 7 tấn/ha, cá biệt một số hộ đạt đến gần 7,5 tấn/ha. Điển hình như hộ ông Lộ Hồng Ân (ấp 13) - một trong những hộ tham gia mô hình CĐML có năng suất lúa cao nhất ở xã Phong Thạnh Đông với gần 7,5 tấn/ha. Ông Ân phấn khởi cho biết: “Trong số hơn 4ha đất sản xuất lúa của tôi thì đã có 3ha tham gia mô hình CĐML. Đây là lần thứ 3 tôi tham gia mô hình. Hai lần tham gia trước do huyện Giá Rai đầu tư, hỗ trợ; còn lần này thì được tỉnh đầu tư. Năng suất lúa tăng liên tục, đồng thời giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận gần 6 triệu đồng/ha”.

Tương tự như ông Ân, hộ ông Trương Thế Vũ (ngụ cùng ấp) có 1ha đất tham gia mô hình CĐML. Ông Vũ hiện đã thu hoạch xong với năng suất lúa đạt gần 6,5 tấn/ha. “Đây là lần đầu tiên năng suất lúa của tôi đạt cao như vậy. Nhờ tham gia mô hình CĐML, được cán bộ hướng dẫn, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng nên đã giảm được nhiều khoản chi phí đầu tư, từ khâu lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến khâu thất thoát sau thu hoạch. Do đó lợi nhuận tăng hơn 4,5 triệu đồng/ha so với các ruộng lúa nằm ngoài mô hình. Vụ tới đây tôi sẽ tiếp tục tham gia mô hình” - ông Vũ nhấn mạnh.

Xây dựng vùng lúa nguyên liệu cho tỉnh

Ông Lê Tấn Lộc - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Giá Rai, cho biết: “Vụ thu đông này nông dân trúng đậm. Đi đến đâu cũng nghe nông dân nói về hiệu quả của mô hình CĐML, bà con rất phấn khởi. Và cũng do thấy được hiệu quả nên ngoài mô hình CĐML ở xã Phong Thạnh Đông A thì đã xuất hiện một số cánh đồng mẫu “lai” năng suất lúa cũng khá cao. Hướng tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình với mỗi xã có một CĐML”.

Còn tại xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi), mô hình CĐML cũng đang bắt đầu cho thu hoạch với năng suất rất cao: từ 7 - 8 tấn/ha. Hộ ông Trần Văn Kha (ấp Nam Thạnh, xã Vĩnh Hưng) có 1ha đất tham gia mô hình CĐML, năng suất lúa ước đạt khoảng 8 tấn/ha. Theo lời ông Kha thì, “Không chỉ riêng tôi mà hầu hết bà con nông dân trong ấp tham gia mô hình CĐML năng suất đều đạt cao. Lúa trúng mùa, được giá mà chi phí đầu tư lại giảm khiến bà con nông dân ai cũng mừng vui hớn hở”.

“Qua khảo sát cho thấy, 2 điểm trình diễn mô hình CĐML vụ lúa thu đông của tỉnh đều đạt năng suất rất cao. Cộng với giá lúa khá cao trong khi chi phí đầu tư giảm nên nông dân càng tăng lợi nhuận. Hiệu quả bước đầu này sẽ là điều kiện thuận tiện làm tiền đề xây dựng mô hình CĐML cho những vụ tiếp theo. Từ đó, từng bước xây dựng vùng lúa nguyên liệu cho tỉnh” - bà Hồng Kim Thư, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết.


Thăng Trầm Với Gừng Vùng Núi Thăng Trầm Với Gừng Vùng Núi Sản Xuất Lúa Sạch, Hướng Đến Tăng Tính Cạnh Tranh Trong Nông Nghiệp Sản Xuất Lúa Sạch, Hướng Đến Tăng Tính…