Mô hình kinh tế Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở Quế Phong: Thay đổi nhận thức của người dân

Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở Quế Phong: Thay đổi nhận thức của người dân

Tác giả Nguyễn Thị Thu, ngày đăng 20/12/2016

Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở Quế Phong: Thay đổi nhận thức của người dân

Quế Phong là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong đó phát triển chăn nuôi nói chung chưa chủ động được nguồn giống, khả năng áp dụng  tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế.

Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại xã Châu Kim.

Mặt khác, chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ yếu theo phương thức truyền thống, thả rông gia súc, gia cầm trong vườn nhà, nuôi chung với nhiều loại vật nuôi, độ tuổi khác nhau. Phương thức chăn nuôi này vừa không kiểm soát được dịch bệnh, vừa không đem lại hiệu quả kinh tế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân.

Để giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập cũng như phát triển chăn nuôi bền vững, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An phối hợp với trạm khuyến nông các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn và Tương Dương xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi và trồng trọt. Trạm Khuyến nông Quế Phong đã xây dựng thành công nhiều mô hình chăn nuôi như mô hình chăn nuôi lợn thịt, gà thịt.

Mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học được triển khai ở xã Châu Kim, với 5 hộ tham gia, quy mô 1.000 con. Sau 4 tháng nuôi, trọng lượng gà lúc xuất chuồng bình quân đạt 2kg/con (phương pháp cũ đạt 1,5 -1,7 kg/con). Tỷ lệ nuôi sống đạt 93%, cao hơn phương pháp nuôi truyền thống (chỉ đạt 20 - 25%). Mô hình cho thu nhập vượt trội so với nuôi truyền thống, tổng chi 170,9 triệu đồng/1.000 con, tổng thu 204,6 triệu đồng, thu lãi 33,7 triệu đồng/1.000 con, trong khi nuôi đại trà chỉ được 6,95 triệu đồng/1.000 con.

Mô hình không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không gây ô nhiễm, mà còn tạo điều kiện cho nông dân giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau làm giàu. Đặc biệt hơn, sau khi kết thúc mô hình, một số hộ đã mở rộng thêm quy mô, có hộ phát triển chăn nuôi theo hướng thịt và hướng sinh sản, các hộ đều nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi dưỡng chăm sóc và quản lý dịch bệnh.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học được triển khai ở xã Tiền Phong, với 5 hộ tham gia, nuôi 50 con, sử dụng giống lợn lai (Móng Cái lai Yorshire, Landace). Sau 4 tháng nuôi, trọng lượng lợn lúc xuất chuồng đạt 88 kg/con (phương pháp cũ đạt 70 - 75 kg/con). Tỷ lệ nuôi sống đạt 100%, tổng chi 4.961.300 đồng/con, tổng thu 5.126.350 đồng/con,  lãi thuần  165.050 đồng/con. Tuy  lợi  nhuận  chưa  cao, nhưng  qua thực hiện mô hình đã giúp người dân dần xoá bỏ tập quán chăn nuôi cũ lạc hậu, kém hiệu quả, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi lợn. Thay đổi nhận thức của người dân trong chăn nuôi theo hướng đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí, cung cấp sản phẩm an toàn cho cộng đồng.


NTM Bắc Ninh: Nuôi chim quý lợi nhuận cao NTM Bắc Ninh: Nuôi chim quý lợi nhuận… “Lên đời” cho sản phẩm nhung nai “Lên đời” cho sản phẩm nhung nai