Tin nông nghiệp Mô hình CSA nâng cao nhận thức của nông dân

Mô hình CSA nâng cao nhận thức của nông dân

Tác giả Trần Văn Mạnh, ngày đăng 24/11/2020

Mô hình CSA nâng cao nhận thức của nông dân

Hiệu quả của mô hình nông nghiệp thông minh đã thấy rõ.Tuy vậy, các địa phương cần tiếp tục truyên truyền, vận động người dân để áp dụng ngày càng nhiều vào sản xuất.

Mô hình trồng nông nghiệp CSA trên cây bắp đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Đại Lộc. Ảnh: L.K.

Vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Đại Lộc tổ chức Hội thảo đánh giá lại kết quả thực hiện mô hình Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) trên địa bàn sau 4 mùa vụ sản xuất.

Dự án này được triển khai thực hiện tại 7 xã vùng B của huyện Đại Lộc, nơi có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá lớn. Tuy nhiên, tập quán sản xuất của bà con vẫn còn theo thói quen cũ, không những hiệu quả không cao mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Chính vì lý do đó, khi dự án được triển khai với các mô hình cụ thể sẽ giúp cho người sản xuất thấy được một phương pháp canh tác mới tiên tiến, khoa học trên các loại cây trồng. Các mô hình này vừa khắc phục được những thực tế còn tồn tại vừa nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Tại hội thảo đánh giá kết quả này, bà con nông dân đều ghi nhận rằng, những gì mà các mô hình trong các mùa vụ 2 năm qua đều rất khả quan. Cây lúa và cây màu sản xuất trong mô hình tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới... Trong khi đó, năng suất lại tăng lên so với các diện tích sản xuất đại trà ở địa phương.

Ông Lê Ba (trú thôn Phú Bình, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc) có 0,45ha lúa thực hiện theo mô hình nông nghiệp CSA cho rằng, người nông dân tham gia dự án này có được nhiều quyền lợi như: Được hỗ trợ 100% giống, công cụ sạ hàng và vấn đề được xem là then chốt chính là việc họ được tập huấn chuyển giao tiến bộ Khoa học - Kỹ thuật trong sản xuất.

“Qua mô hình dự án tôi nhận thấy những ưu điểm như giảm được lượng giống gieo sạ. Theo truyền thống của bà con thì thường sạ 5 – 6kg/sào nhưng mô hình chỉ mất khoảng 3kg. Chúng tôi được chuyển giao các tiến bộ Khoa học kỹ thuật giúp tiết kiệm được phân và nước tưới đáng kể.

Đặc biệt là hạn chế được việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan. Nếu như thông thường bà con sau khi gieo sạ, lúa lên được 2 – 3 lá liền phun thuốc bọ trĩ nhưng trong dự án thì không phun nhưng cây lúa vẫn phát triển khỏe, ít sâu bệnh. Cuối cùng là năng suất lúa mô hình cũng rất cao. Trong vụ ĐX 2019-2020, gia đình tôi thu được hơn 70 tạ/ha, cao hơn từ 4 – 5 tạ/ha so với sản xuất theo phương pháp truyền thống”, ông Ba chia sẻ.

Theo Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Đại Lộc, qua khảo sát, đánh giá những mô hình nông nghiệp CSA đã thực hiện trên địa bàn cho thấy, so với ngoài mô hình, lượng giống gieo sạ giảm được khoảng 20kg/ha. Ruộng mô hình ít xuất hiện sâu bệnh hại nên số lần phun thuốc BVTV giảm đi 1,7 lần so với ruộng đại trà.

Với cây lúa, ruộng mô hình nông nghiệp CSA tiết kiệm được 20kg urê, cắt giảm được 2 lần tưới ở giai đoạn lúa sau gieo 25 – 40 ngày. Trong khi đó, năng suất cao hơn ruộng sản xuất đối chứng khoảng 3 – 5 tạ/ha dẫn đến lợi nhuận cũng cao hơn 6,9 triệu đồng/ha.

Đối với mô hình CSA đa dạng hóa cây màu (chủ yếu là cây lạc và cây ngô), năng suất mô hình trung bình cao hơn 2 – 3 tạ/ha và lợi nhuận cao hơn 1,2 đến 10,9 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Trong mô hình luân canh cây màu trên đất lúa không chỉ giảm được sâu bệnh hại mà năng suất cũng tăng 2 – 5 tạ/ha, lợi nhuận thu lại cao hơn từ 1,7 đến 3,1 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Khánh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Quảng Nam cho biết: “Mô hình CSA không chỉ giúp cho bà con nâng cao được hiệu quả kinh tế trong cùng 1 đơn vị diện tích mà nhận thức cũng đã dần thay đổi. Người sản xuất đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, dần thay đổi cách canh tác theo thói quen trước đây. Điều này cũng có vai trò rất lớn của các ngành chức năng địa phương sâu sát hướng dẫn bà con. Do đó, trong thời gian tới, tôi mong muốn các đơn vị tiếp tục vận động, tuyên truyền cho người dân áp dụng mô hình rộng rãi hơn nữa”, ông Khánh nói.


Lưu ý trong chuyển đổi cây trồng ở đồng bằng sông Cửu Long Lưu ý trong chuyển đổi cây trồng ở… Giáo sư Đại học Kyoto gợi ý giải pháp cải thiện sức khỏe đất Giáo sư Đại học Kyoto gợi ý giải…