Mô hình kinh tế Mô hình hiệu quả chuyển đổi đất trồng lúa sang rau ăn quả VietGAP

Mô hình hiệu quả chuyển đổi đất trồng lúa sang rau ăn quả VietGAP

Ngày đăng 25/11/2015

Mô hình hiệu quả chuyển đổi đất trồng lúa sang rau ăn quả VietGAP

Xuất phát từ lợi ích đó, Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi trực thuộc Trung Tâm Khuyến nông Tp.HCM đã vận động nhiều hộ dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau ăn quả VietGAP, giúp bà con nông dân ổn định và phát triển kinh tế.

Minh chứng là cánh đồng rau VietGAP ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng đã ra đời vào đầu năm 2014, với diện tích từ 15 ha ban đầu hiện nay đã lên 40 ha và số lượng hội viên từ 14 hộ đến nay đã nâng lên gần 40 hộ.

Sau hơn 02 năm thành lập cánh đồng rau VietGAP, đến nay tất cả các hộ trong tổ rau Trung Hiệp Thạnh đều vui mừng với những thành quả của việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau VietGAP do Trung tâm Khuyến nông thành phố chỉ dẫn.

Một trong những hộ đạt được kết quả tốt là hộ anh Nguyễn Văn Nghĩa, ở ấp Trung Hiệp Thạnh, anh kể: Trước năm 2012, anh lên Sài Gòn làm công nhân, nhưng vì công việc xa nhà thu nhập lại bấp bênh, nên đầu năm 2013 anh xin nghỉ về nhà làm ruộng, với 4.000m2 đất mỗi vụ sản xuất lúa gia đình anh lãi khoảng 5 triệu đồng.

Anh thấy với lãi từ làm lúa như vậy sẽ không khá, nên luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những nông dân sản xuất giỏi ở xã, trong đó có anh Thành, với 4.000m2 đất nông nghiệp, nhưng anh Thành không trồng lúa mà trồng khổ qua, sau mỗi vụ lợi nhuận thu được gấp đôi so với trồng cây lúa.

Anh đã bàn với gia đình sử dụng 1.000m2 trong tổng diện tích 4.000m2 đất trồng lúa của mình chuyển sang trồng khổ qua, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, cụ thể sau khi trồng 1.000m2 khổ qua, mỗi vụ anh lãi được 8 triệu đồng, trong khi số diện tích đất còn lại trồng lúa, anh chỉ lãi 4 triệu đồng.

Năm 2014 anh may mắn được tham gia các lớp tập huấn sản xuất rau VietGAP do Trung tâm Khuyến nông thành phố tổ chức.

Sau khi tham gia học tập, nhận thấy lợi ích của việc sản xuất rau VietGAP mang lại lợi nhuận cao so với cách trồng truyền thống.

Đồng thời trồng rau theo quy trình VietGAP tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho từng hộ gia đình nói riêng và cả trong sản xuất nông nghiệp nói chung, nên anh đã đăng ký tham gia mô hình trình diễn sản xuất rau ăn quả theo quy trình VietGAP.

Ngoài ra, anh và các hộ trong tổ rau còn được Trung Tâm Khuyến nông tư vấn, hỗ trợ cách đăng ký thực hiện các điều kiện theo quy định để được cấp chứng nhận hộ sản xuất rau VietGAP, trở thành thành viên của tổ rau VietGAP Trung Hiệp Thạnh. Nhắc đến vấn đề này, anh chia sẻ:

“Ban đầu sản phẩm của các hộ rau trong tổ làm ra chủ yếu tiêu thụ ở các chợ đầu mối thông qua thương lái, giá cả không ổn định, và luôn phụ thuộc vào thương lái...

Nhưng đến đầu năm 2015, nhờ có sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông thành phố, Trạm Khuyến nông huyện và chính quyền địa phương, giới thiệu các đơn vị tiêu thụ rau ăn quả theo hợp đồng, đến ký kết làm ăn với các thành viên trong tổ rau, cụ thể là Hợp tác xã Nhuận Đức và Phú Lộc”.

Thông qua việc ký kết buôn bán theo hợp đồng, sản phẩm rau đã tìm được nguồn cung cấp và người dân có được quyền lợi riêng của mình như:

Về giá cả: Sản phẩm làm ra được thu mua với giá thỏa thuận ngay từ đầu vụ sản xuất.

Bên cạnh đó hợp đồng còn có hướng mở, khi giá thị trường xuống thấp, đơn vị thu mua vẫn mua theo giá hợp đồng đã ký, còn khi giá sản phẩm rau trên thị trường tăng cao, đơn vị thu mua hỗ trợ thêm cho nông dân với một giá cố định tùy theo chủng loại;

Về chủng loại, sản phẩm: các thành viên trong tổ rau an tâm sản xuất vì rau có kế hoạch cụ thể của từng thành viên sản xuất chủng loại, diện tích của vụ tiếp theo, theo hợp đồng tiêu thụ đơn vị thu mua toàn bộ sản phẩm của hộ từ đầu vụ đến cuối vụ…

“Với những lợi ích như vậy, tôi đã mạnh dạn đăng ký bán khổ qua cho Hợp tác xã Nhuận Đức và tiếp tục chuyển đổi 3.000m2 diện tích đất còn lại sang trồng khổ qua và sau khi trừ chi phí mỗi vụ tôi lãi được 40 triệu đồng/4.000m2” - anh Nghĩa kể thêm.

Qua thực tế sản xuất và những thành quả đạt được từ việc chuyển đổi đất lúa sang trồng rau VietGAP mà anh Nguyễn Văn Nghĩa đã chia sẻ, cho thấy việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây khác có hiệu quả là một trong những cách làm đúng đắn, giúp người dân tăng kinh tế gia đình bền vững và lâu dài, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống xã hội và chính trị cho nông dân.


Hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ vườn cây ăn trái đặc sản Hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ vườn cây… Nông dân lo mía khô hạn Nông dân lo mía khô hạn