Mô hình nông nghiệp lười đầu tiên của miền Bắc
Lười ở đây không có nghĩa là lười biếng kiểu Đại Lãn nằm chờ sung mà là cắt bỏ đi những công đoạn canh tác đã thành lối mòn nhưng thừa thãi của nhà nông, tối ưu hóa mọi thứ để có thời gian rảnh rang đầu óc tìm tòi, sáng tạo…
Khởi nghiệp sau…2 cái tát
Nguyễn Thị Thu-Giám đốc Công ty Tâm An ở thôn Đan Nhiễm xã Khánh Hà (Thường Tín, Hà Nội) khởi nghiệp nông nghiệp sau…hai cái tát đau điếng của người bố. Số là, sinh ra trong một gia đình chuyên nghề mổ lợn, có 5 chị em gái thì chỉ mình Thu được đi học đến nơi đến chốn.
Cô cũng là 1 trong 3 đứa con gái đầu tiên của làng học đại học, cao đẳng, xóa đi định kiến con gái không làm được trò trống gì. Bởi thế mà khi Thu ra trường, xin được làm kế toán cho một doanh nghiệp ở tỉnh Hòa Bình thì bố cô tự hào lắm!
Vậy mà bỗng một ngày cô bỏ việc khiến cho ông nổi giận đùng đùng, tát luôn và bảo mình còn không dám cả đi họp họ vì nỗi xấu hổ có một người con thất nghiệp. Sự coi thường con gái, coi thường việc học hành đã khiến cho Thu quyết tâm chứng minh bản thân ở ngay chính quê nhà.
Cô xin vào làm ở một công ty thực phẩm sạch trong huyện, ngày ngày cần mẫn đi tiếp thị rau vào trong các trường học, công sở nhưng khi chứng kiến cảnh trà trộn cả thực phẩm bẩn vào vì lợi nhuận đã từ bỏ, chuyển sang tự kinh doanh rau chùm ngây. Lúc này đang là giai đoạn thê thảm nhất của cây này.
Có đợt cô vào Thanh Hóa hỏi mua lá chùm ngây người dân không bán mà cho luôn cả vườn vì… đỡ ngứa mắt. Tiếc rẻ, cô về bàn với chồng đấu thầu 1 ha đất hoang của xã với giá 1,2 tạ thóc/sào rồi trồng thảo dược như chùm ngây, đinh lăng xen canh với các loại rau ngắn ngày.
Đặc thù của sản phẩm rau xanh, dược liệu là sáng tươi, chiều héo, tối đổ đi. Chỉ có chế biến mới không bị biến động của thị trường ảnh hưởng nhiều.
Nghĩ thế nên vợ chồng cô bỏ vốn mua sắm máy móc để sản xuất ra các loại trà thảo dược, bột rau sấy lạnh mang thương hiệu Tâm An. Trận mưa tầm tã ngày 30 tháng 7 năm 2017 kéo dài đến gần 1 tuần sau đã xóa đi khu vườn mơ ước của họ, khiến cho họ khóc mà không thành tiếng.
Sau cơn lụt, rau chết hết còn cỏ mọc lên bời bời. Nhân công thuê cao mà còn không thuê nổi, thế là cỏ cao ngang thắt lưng người trông tựa như một mảnh đất hoang. Chi phí phục hồi rất tốn kém mà nhất là công cắt cỏ bởi cứ 1,5 tháng họ lại mất tới 18 triệu đồng.
Gánh nặng tài chính cứ như hòn đá tảng đè nặng lên đôi vai của cặp vợ chồng trẻ khiến cho họ đôi lúc chỉ muốn quẳng đi cho rảnh nhưng rồi ngồi nghĩ lại, tiếc bao công sức đã bỏ ra, bao ước vọng đã ươm mầm nên không nỡ hoài phí.
Tìm đến nông nghiệp lười
Ngã ở đâu, dậy ở đấy. Thu tâm niệm như thế rồi ngẫm nghĩ, nông nghiệp truyền thống tốn kém nhất là khoản nhân công nên tìm đến nông nghiệp lười để có thể tiết kiệm những công đoạn mà cô cho là thừa thãi và vô lý này.
Bài toán đầu tiên đó là chi phí hạt giống rẻ hơn chi phí nhân công được ứng dụng trong vấn đề cải tạo đất. Ban đầu ai nhìn vào ruộng mà Thu thuê đều lắc đầu bảo có mà chất tiền núi để mua phân bón may ra mới tơi xốp.
Chưa kể nếu cứ thuê 150.000/ ngày công đi xới đất cũng chỉ xới được 1 luống cỏn con cỡ 80m2. Thế là cô thả bèo tây ở khắp các mương để lấy vật liệu che phủ luống. Cỏ trước kia phải đi làm tay thủ công thì giờ chỉ cần lấy máy cắt cỏ lia một lần rồi dùng thân che phủ và làm phân luôn.
Sau khi cắt cỏ xong, chỗ nào muốn trồng chùm ngây thì chỉ cần dầm đất, cho hạt giống xuống, phủ cỏ bề mặt và tưới đẫm nước. Tiếp theo Thu mua vừng đen về (giá 35.000/kg) vãi đều trên đất. Sau hơn 1 tháng, rễ vừng cắm sâu 3- 4cm, sau 3 tháng cắm sâu 7-10cm.
Đám rễ cây họ đậu này có trách nhiệm như anh thợ cày đào xới đất, thân và lá đổ xuống vừa tạo thành lớp mùn và phân xanh giá trị vừa hạn chế được cỏ dại phát triển. Lúc này, xới lên, nhát cuốc nhẹ đi trông thấy như được trợ lực giúp 1 công nhân có thể xới được 2 luống 1 ngày.
Bài toán về cải tạo đất được nhân bản khắp khu. Ngay cả dải đất bỏ không ven đường vào trang trại, gạch vụn, mảnh thủy tinh, đá sỏi, rác thải, cỏ dại ken đầy, chai cứng đến độ cuốc vào lưỡi bật lại ê cả tay cũng được cải tạo lại bằng cách cắt cỏ rồi vãi vừng. Sau một thời gian đã có thể đào xới được dễ hơn.
Trong vấn đề trồng cây, ông bà ta quen thực hiện theo cách ươm giống, ra cây con rồi lại nhổ lên để trồng lại…Thu lúc đầu cũng thế.
Bởi vậy, ở trang trại của cô, lao động vừa nhổ cây giống vừa trồng cả ngày cũng chỉ được 2/3 luống rộng khoảng 80m2 là ngốn trộn tiền thuê 150.000đ. Cũng diện tích ấy thu được 20 kg rau với giá bán buôn 17.000/kg thì có chăng mới là hòa vốn công, giống và phân bón.
Thu suy nghĩ theo kiểu lười rồi thực hành ngay. Sau khi vừng và cỏ được xới lên, ủ với vi sinh cô gieo vãi mỗi luống 2 gói hạt xà lách.
Với giá 16.000đ, bằng với số tiền mua cây giống để trồng theo kiểu cũ nhưng lợi ở chỗ thời gian gieo chỉ mất khoảng 10 phút, tiết kiệm được nguyên tiền công cả ngày để trồng rau là 150.000đ. Đó là chưa kể việc gieo rồi nhổ lên trồng lại kiểu trước còn khiến cho cây bị “chột” mất cả tuần.
Sau khi cây phát triển Thu tiến hành tỉa dần, to tỉa bán trước, nhỏ tỉa bán sau…nhờ thế mà năng suất cả luống đạt gần 35kg, vượt hơn 10 kg so với trước. Nhưng không phải loại cây trồng nào cũng có thể áp dụng kiểu lười được.
Thu vẫn đang ngày đêm tìm hiểu, thí nghiệm để lựa chọn các loại rau màu phù hợp với quy trình độc đáo này. Các loại rau lớn như su hào, bắp cải tỏ ra không thực sự thích hợp với gieo vãi vì chúng cần mật độ chuẩn để lớn. Những loại này vẫn phải trồng theo kiểu cũ nhưng cô cải tiến bằng cách sau khoảng 15 ngày là vãi hạt đậu xanh, vừng, đậu tương lên luống.
Khi cây đậu ra hoa, hàm lượng dinh dưỡng trong thân cao nhất thì phạt xuống, ấp vào luôn gốc su hào, bắp cải vừa tạo nguồn phân xanh ngay tại chỗ vừa hạn chế cỏ dại lan tràn. Hệ thống tưới phun có ống dẫn ra từng luống cũng giúp cô tiết kiệm được một khoản lớn cho việc tưới bằng thủ công như trước.
Sau hơn 5 tháng thử nghiệm nông nghiệp lười trên tổng diện tích gần 4 sào cô đã thu hoạch được hơn 600 củ su hào, mỗi củ bán 5.000đ, hơn 500 cây bắp cải, mỗi bắp bán 15.000đ, hơn 100kg cải bó xôi, 150kg cải cúc bán giá 15.000đ/kg.
Ước tính mỗi sào thu nhập đạt khoảng 3,8 triệu chưa kể đến rau chỉ là cách lấy ngắn nuôi dài các loại dược liệu như chùm ngây, đinh lăng, sả…Trang trại từ chỗ sắp chết đã bắt đầu hồi sinh, có thu nhập đủ để trang trải nhân công.
Đó là mới áp dụng được một phần diện tích, nếu áp dụng toàn phần thì còn khả quan hơn thế rất nhiều lần. Phấn khởi, tự tin, cô thuê thêm 1,6 ha để đẩy mạnh khâu hậu kỳ chế biến bột rau củ sấy chuyên dùng cho trẻ em ăn dặm hay thải độc cho người lớn tập luyện hay người bệnh.
Trong một chiến lược dài hơi hơn tới năm 2020, khi nguồn nguyên liệu đủ lớn cô sẽ bắt đầu xuất khẩu sản phẩm bột rau sấy mang thương hiệu Tâm An…Thành công hay thất bại, thời gian sẽ trả lời Thu nhưng đầu năm mới, tôi cũng xin chúc cho một ý tưởng mới mẻ sẽ được gieo trồng trên một mảnh đất tươi tốt.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ