Mô Hình Nuôi Ba Ba Thịt Ở Càng Long (Trà Vinh) Cho Hiệu Quả Cao
Với giá ba ba thương phẩm hiện đang đứng ở mức khá cao (250 – 270 ngàn đồng/con, trọng lượng từ 1,4 kg/con trở lên), khá hấp dẫn cho người nuôi và nguồn tiêu thụ ba ba thịt được thương lái bao tiêu.
Vì vậy phong trào nuôi ba ba trong nông dân đang phát triển mạnh, nhất là tại khu vực các ấp Kinh B (xã Huyền Hội) và ấp Đại An (xã Tân An), huyện Càng Long đã có trên 30 hộ tham gia mô hình nuôi ba ba trong mương vườn, với số lượng thả nuôi gần 10.000 con ba ba giống. Đây là một trong những đối tượng nuôi mới của vùng nước ngọt, nhằm góp phần làm đa dạng trong nuôi thủy sản và giúp người nông dân tận dụng hiệu quả diện tích đất canh tác
Kỹ sư Đoàn Chí Hải – cán bộ thủy sản Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Càng Long, cho biết:
- Nuôi ba ba thịt không đòi hỏi kỹ thuật cao, bà con nông dân có thể tận dụng các diện tích mương vườn của gia đình để nuôi (tùy điều kiện mà quyết định thả nuôi số lượng con giống nhiều hay ít). Để tránh ba ba đào hang đi, xung quanh khu nuôi có thể bao quanh bằng tol xi – măng hoặc xây gạch.
Thời gian nuôi ba ba tương đối dài, từ lúc nuôi đến thu hoạch khoảng 18 – 20 tháng. Khi đó ba ba mới vào cở (loại I: từ 1,4 kg/con trở lên), hiện nay nguồn thức ăn cho ba ba được bà con tận dụng tại chổ như bắt ốc, cá vụn…
Nhiều hộ nuôi ba ba thịt đã mang lại được hiệu quả kinh tế khá cao, điển hình như hộ anh Lê Văn Na (ấp Kinh B, xã Huyền Hội) với diện tích thả nuôi trên 1,1 ha, được anh tận dụng diện tích vườn dừa kết hợp thả nuôi ba ba; hay hộ dì Phạm Thị Phi (ấp Đại An, xã Tân An) đã thả nuôi gần 1000 con ba ba giống trên diện tích gần 2.000 mét vuông... Qua trao đổi với chúng tôi, dì Phạm Thị Phi cho biết:
- Nghề nuôi ba ba giúp cho nông dân tận dụng được thời gian nông nhàn, không đòi hỏi nhiều về công sức cũng như thời gian quản lý. Đây là năm thứ 03 được gia đình thả nuôi, trong quá trình thu hoạch người nuôi có thể bắt tỉa ba ba để bán, số con chưa vào cở sẽ được thả nuôi trở lại ở ao khác.
Tuy nhiên giá đầu tư ban đầu để mua con giống khá cao, với giá bán hiện nay từ 3 – 5 ngàn đồng/con ba ba giống (kích cở khoảng 3 x 3 cm). Vừa qua trừ chi phí, tôi bán được lãi hơn 15 triệu đồng.
Để nuôi ba ba đạt hiệu quả cao và hạn chế thấp nhất rủi ro lúc ba ba giống còn nhỏ, với kinh nghiệm của các hộ nuôi ba ba ở hai xã Tân An và Huyền Hội thì sau khi bắt ba ba giống về cần thả nuôi trên thau hoặc bể xi măng nhỏ, trong thời gian này cần xử lý bằng thuốc kháng sinh cho vào trong nước nuôi ba ba (khoảng 3 – 4 ngày/lần).
Khi ba ba giống được 2 – 3 tuần tuổi sẽ chuyển sang nuôi dưới vèo đặt trong ao, thời gian này kéo dài trên 02 tháng khi đó ba ba giống đã lớn và thích nghi tốt với môi trường sẽ được đưa ra khỏi vèo thả xuống ao, hồ nuôi. Đặc biệt trong ao, hồ nuôi ba ba cần có các loại cây tạo bóng mát như lục bình, rau muống…
Trong cho ăn cần tập trung tại vài điểm cố định và lướt ván phía dưới đặt gần mắt nước để giữ thức ăn không cho rơi xuống đáy ao, hồ. Ba ba thương phẩm trong quá trình nuôi sẽ đẻ trứng và ba ba thường bò lên phía trên bờ ao, hồ nơi khô ráo để đào hang đẻ, do hiện nay phần lớn các hộ nuôi ba ba trong huyện Càng Long còn gặp khó về kỹ thuật và chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý cho trứng ba ba nở, nên tỷ lệ ba ba con nở tự nhiện đạt rất thấp (4 – 5%).
Đây là một khó khăn để người nuôi tự tạo nguồn ba ba giống tại chỗ nhằm góp phần hạn chế chi phí đầu tư ban đầu. Được biết hiện nay 100% số hộ nuôi ba ba thương phẩm ở hai ấp Đại An và Kinh B, đều phụ thuộc vào các thương lái từ huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) sang cung cấp giống và thu mua ba ba thịt của bà con nơi đây.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ