Mô Hình Nuôi Bò Vàng Thuần Chủng - Mở Hướng Thoát Nghèo Cho Nông Dân
116 hộ dân tham gia mô hình nuôi bò vàng thuần chủng do Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Than Uyên (Lai Châu) đã triển khai đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đổi thay nếp nghĩ, cách làm của người chăn nuôi.
Với kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình 30a, cuối năm 2011, Phòng Nông nghiệp huyện đã triển khai đến 116 hộ của 3 bản Lướt, bản Là 1, Là 2 của xã Mường Kim. Theo đánh giá của người dân thì Dự án đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cũng như giúp người dân có thêm nhận thức về cách chăn nuôi khoa học. Không chỉ được hỗ trợ bò giống các hộ còn được hỗ trợ giống cỏ, phân bón để trồng cung cấp thức ăn cho đàn bò.
Để dự án thành công trước khi triển khai, lãnh đạo phòng Nông nghiệp huyện đã tổ chức họp dân, lấy ý kiến của bà con xem giống bò như thế nào thì phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã. Ông Nguyễn Chung Thủy – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Tổng kinh phí của dự án lên đến hơn 1 tỷ đồng, đây là số tiền không nhỏ để đầu tư cho nhân dân. Nếu làm không cẩn thận, bò không sinh trưởng tốt thì người thiệt thòi vẫn là bà con. Sau khi nghiên cứu và tham khảo ý kiến của người dân, chúng tôi quyết định đầu tư giống bò vàng thuần chủng”.
Trước khi cấp bò, Phòng đã cử cán bộ xuống các gia đình hướng dẫn người dân làm chuồng trại đúng cách thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông; chuẩn bị làm đất trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn cho bò.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Inh – Chủ tịch UBND xã Mường Kim cho biết: “Trước đây một số hộ trong xã cũng mua giống bò lai sind về nuôi thử nghiệm nhưng bò sinh trưởng và phát triển chậm hơn so với giống bò vàng của địa phương mặc dù được chăm sóc rất tốt. Sau khi cấp bò cho các hộ, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn bà con cách tiêm phòng, chăm sóc. Dự án triển khai được gần 1 năm, nhưng đến nay đã có trên 1/3 số bò chuẩn bị đẻ. Hàng tháng cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp đều xuống kiểm tra sự sinh trưởng của đàn bò, nếu có vấn đề bất thường sẽ giúp bà con khắc phục kịp thời”.
Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, Phòng Nông nghiệp huyện còn cấp và hướng dẫn cách trồng cỏ lấy thức ăn cho gia súc. “Mỗi hộ chỉ cần 200 m2 trồng cỏ là có thể cung cấp thức ăn thường xuyên cho gần 10 con trâu, bò. Cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp hướng dẫn người dân trồng, thu hoạch, ủ cỏ dự trữ thức ăn cho đàn gia súc vào mùa đông” - ông Inh cho biết thêm.
Từ hiệu quả của dự án, hiện nay một số hộ trong xã đã đầu tư mua thêm con giống, mở rộng diện tích trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi.
“Trồng cỏ làm thức ăn cho trâu bò được người dân áp dụng hơn 1 năm nay. Trước đây, do tập quán chăn nuôi dựa vào thiên nhiên, trâu bò thả rông không làm chuồng trại, không trồng cỏ lấy thức ăn cho gia súc vào mùa rét vì thế mùa đông những năm trước nhiều hộ gia đình “mất cả cơ nghiệp” vì trâu bò chết rét. Từ dự án này chúng tôi đã thay đổi được tư duy trong chăn nuôi. Hiện nay các gia đình trong xã đều có khoảnh đất nhỏ để trồng cỏ nuôi gia súc” - ông Lò Văn Hặc ở bản Lướt cho biết thêm.
Mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả, làm thay đổi tư duy của người dân về chăn nuôi đại gia súc. Với sự đầu tư của nhà nước cùng sự cần cù chịu khó của người dân chắc chắn phát triển chăn nuôi đại gia súc sẽ mở ra hướng thoát nghèo cho đồng bào các dân tộc trong huyện.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ