Mô hình kinh tế Mô Hình Nuôi Cá Ao Hệ VAC Mang Lại Hiệu Quả Cao

Mô Hình Nuôi Cá Ao Hệ VAC Mang Lại Hiệu Quả Cao

Ngày đăng 19/08/2014

Mô Hình Nuôi Cá Ao Hệ VAC Mang Lại Hiệu Quả Cao

Xã Núa Ngam, huyện Điện Biên có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 21ha. Mặc dù người dân đã tận dụng tối đa diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Nhưng do trình độ kỹ thuật lạc hậu, nuôi thả quảng canh, manh mún, nên năng suất, sản lượng thủy sản chưa cao (năng suất đạt 1,5 -2 tấn/ha, sản lượng đạt 43,6 tấn/năm).

Nhằm giúp bà con thay đổi cơ cấu vật nuôi, phát triển kinh tế hộ, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa; từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2013, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư (KN – KN) huyện Điện Biên triển khai mô hình nuôi cá ao hệ VAC làm mô hình điểm với quy mô 2ha, tại 33 hộ thuộc 9 bản: Tân Ngam, Hợp Thành, Ta Lét 1, Ta Lét 2, Lọng Sọt, Hát Hẹ, Phú Ngam, Pá Ngam 1, Pá Ngam 2. Các giống cá đưa vào nuôi thả gồm: trắm cỏ, rô phi, chép, mè với tổng số 2.000 con giống.

Trước khi áp dụng mô hình, trạm KN - KN huyện cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ tham gia mô hình quy trình xử lý nguồn nước: vét cạn ao tù, khử trùng bằng vôi bột, bón lót ao bằng phân chuồng đã hoai mục…

Đồng thời, phổ biến đặc điểm sinh học của từng loại cá nuôi, thức ăn, cách chăm sóc, tỷ lệ nuôi thả ghép (50% cá trắm cỏ;15% cá mè, rô phi; 12% cá chép) đảm bảo mật độ 2 con/m2. Đặc biệt, hướng dẫn người dân cách cho cá ăn để tận dụng được hầu hết thức ăn từ phụ phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt, mùn bã hữu cơ lẫn các sinh vật phù du và thủy sinh.

Sau 6 tháng triển khai mô hình, tỷ lệ cá sống đạt 91%, trọng lượng trung bình đạt 300 – 400gam/con, năng suất đạt 6,5 tấn/ha. Với giá bán 30.000 đồng/kg (tính trung bình cho các loại cá), sau khi trừ chi phí, mức lợi nhuận đạt được khoảng gần 6 triệu đồng/1.000m2.

Bà Đặng Thị Hồng, Trưởng trạm KN - KN huyện Điện Biên cho biết: Mô hình này cho hiệu quả cao gấp 1,5 - 2 lần so với cấy lúa 2 vụ và nuôi cá quảng canh. Đồng thời, mô hình cũng đem lại nhiều lợi ích như: tận dụng được mặt nước, phụ phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt (lấy chất thải làm thức ăn cho cá); thả cá theo tỷ lệ của mô hình sẽ tận dụng được tối đa các tầng nước và nguồn thức ăn trong ao.

Lợi ích quan trọng nhất của mô hình là giúp người dân biết áp dụng KHKT, nâng cao tính đa dạng trong chăn nuôi tại gia đình, từ đó mở hướng mới trong phát triển kinh tế gia đình.

Thấy được lợi ích thiết thực từ mô hình nuôi cá ao hệ VAC đem lại, nhiều gia đình đã mở rộng diện tích mặt nước, đầu tư đào ao nuôi cá. Anh Quàng Văn Phóng, bản Ta Lét 1 cho biết: Nuôi cá theo mô hình đạt sản lượng cao, gia đình tôi đã mở rộng diện tích ao lên 1.000m2.

Vụ cá vừa qua gia đình tôi thu lãi 5 triệu đồng. Sau một thời gian nuôi, tôi nhận thấy nuôi cá ao theo mô hình đầu tư ít, tận dụng được nguồn thức ăn cho cá từ phụ phẩm chăn nuôi, trồng trọt, đảm bảo vệ sinh môi trường.


Thoát Nghèo Từ Mô Hình Nuôi Dúi Và Nhím Thoát Nghèo Từ Mô Hình Nuôi Dúi Và… Nông Dân Nhiều Địa Phương Lại Chặt Bỏ Cây Cao Su Tiểu Điền Nông Dân Nhiều Địa Phương Lại Chặt Bỏ…