Mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt
Dự án do Trung tâm Giống thủy sản An Giang chủ trì, kỹ sư Ngô Thị Hạnh chủ nhiệm mô hình. Tổng kinh phí thực hiện hơn 688 triệu đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học hỗ trợ gần 378 triệu đồng.
Trung tâm Giống thủy sản An Giang cho biết: Dự án đã triển khai tại 4 huyện, mỗi huyện chọn 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới để thực hiện, gồm: Vĩnh Khánh, Vĩnh Chánh (Thoại Sơn); Vĩnh Lợi, Vĩnh Bình (Châu Thành); Tân Hòa, Bình Thạnh Đông (Phú Tân); Núi Voi, Vĩnh Trung (Tịnh Biên). Dự án đã thực hiện thành công 4 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá lóc cho 160 nông dân tham gia.
Nội dung tập huấn trang bị những kiến thức cơ bản về đặc điểm sinh học cá lóc, kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể lót bạt, kỹ thuật quản lý môi trường và nước thải, phòng trị bệnh. Sau tập huấn, tiến hành thực hành thiết kế xây dựng bể lót bạt, chọn giống, xử lý giống trước khi thả, tập cho cá sử dụng thức ăn công nghiệp và theo dõi tốc độ tăng trưởng; hướng dẫn các bộ test đo yếu tố môi trường và cách xử lý mẫu cá bệnh…
Tiếp đó, xây dựng 20 mô hình nuôi cá trong bể lót bạt sử dụng thức ăn công nghiệp. Bể nuôi diện tích 15 m2, bạt cao su lót loại 2 mặt (khổ 6m). Mật độ nuôi 100 con/m2, cỡ giống thả 200 - 220 con/kg, số lượng giống thả 1.500 con/mô hình, diện tích bể nuôi 15 m2, sử dụng thức ăn viên công nghiệp có hàm lượng đạm dao động từ 40 - 42% đạm.
Kết quả thực nghiệm mô hình cho thấy, các yếu tố thủy lý hóa môi trường nước đều nằm trong khoảng thích hợp cho cá nuôi tăng trưởng và phát triển. Tỷ lệ sống của cá nuôi thương phẩm dao động từ 58,5 - 80%, năng suất cá đạt từ 20,7 - 54,9 kg/m2.
Trọng lượng cá nuôi lúc thu hoạch dao động 330 - 683 gram/con, sản lượng thu hoạch 310 - 823,3 kg/15 m2. Tỷ suất lợi nhuận cao nhất là mô hình nuôi cá lóc đầu nhím tại huyện Tịnh Biên 38,8%, thấp nhất là mô hình nuôi cá lóc đầu vuông tại huyện Châu Thành 19,7%.
Theo đánh giá của Trung tâm Giống thủy sản An Giang, các mô hình đều có lợi nhuận dao động từ 1,687 - 4,046 triệu đồng/vụ/bể, tỷ suất lợi nhuận đạt từ 19 - 32%. Ông Trịnh Văn Duyên, một trong những nông dân nuôi thành công ở huyện Châu Thành cho biết: Mô hình đạt hiệu quả kinh tế, phù hợp cho các hộ ít vốn sản xuất, tận dụng những khoảng đất trống xung quanh nhà và tiết kiệm nhân công quản lý để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Các hộ nông dân khác cũng đồng tình: Mô hình này hạn chế được tình trạng gây ô nhiễm môi trường - vấn đề bức xúc hiện nay. Tuy nhiên, để phát triển bền vững mô hình nuôi cá lóc thương phẩm cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để có thị trường tiêu thụ ổn định, giúp người nuôi an tâm sản xuất; đồng thời cần tuyển chọn đàn cá bố mẹ để sản xuất con giống đạt chất lượng cung cấp cho người nuôi.
Nuôi cá lóc trong bể lót bạt góp phần tạo vùng nguyên liệu cá lóc thương phẩm ổn định cung cấp cho các cơ sở làm khô, mắm nổi tiếng ở An Giang. Từ kết quả thực nghiệm cho thấy, người dân vùng nông thôn có khả năng ứng dụng và phát triển mô hình sản xuất giống - nuôi cá lóc thương phẩm trên bể lót bạt bằng thức ăn công nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tags: nuoi ca, ca loc, ky thuat nuoi ca loc, ki thuat nuoi ca loc, nuoi ca loc trong be xi mang, cach nuoi ca loc, cach nuoi ca loc bong, ky thuat nuoi ca loc bong, ki thuat ca loc bong
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ