Mô hình kinh tế Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Thương Phẩm Theo Quy Trình GAP Tại Ba Bể (Bắc Kạn)

Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Thương Phẩm Theo Quy Trình GAP Tại Ba Bể (Bắc Kạn)

Ngày đăng 09/02/2013

Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Thương Phẩm Theo Quy Trình GAP Tại Ba Bể (Bắc Kạn)

Ba Bể (Bắc Kạn) là một địa phương có thế mạnh về diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản chính vì vậy để đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản cho năng suất cao, tạo ra các loại cá sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với môi trường và khả năng đầu tư thâm canh của người dân trên địa bàn, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm cá rô phi thương phẩm tại huyện Ba Bể theo quy trình GAP bước đầu mang lại hiệu quả khả quan và mở ra triển vọng trong thực hiện mô hình. 

Nuôi thủy sản theo hướng GAP có thể hiểu đơn giản là quy trình nuôi cá theo đúng các hướng dẫn khoa học kỹ thuật về đảm bảo nguồn nước sạch, thức ăn sạch, ao nuôi được vệ sinh thường xuyên nhằm mang lại nguồn thực phẩm thủy sản sạch, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình GAP được thực hiện tại xã Khang Ninh huyện Ba Bể có quy mô 0,7 ha với 10 hộ dân tham gia, Chương trình được thực hiện từ tháng 5/2012 đến tháng 12/2012. Khi tham gia mô hình này, các hộ dân được hỗ trợ 100% giống, 50% thức ăn, thuốc hoá chất, vôi còn lại là vốn đối ứng đóng góp của hộ tham gia mô hình. Sau 7 tháng thực hiện, trọng lượng trung bình của cá đạt 0,5 kg/con, sản lượng ước đạt 8,7 tấn/ha.

Bà Đặng Thị Anh Thơ – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Bể cho biết: cá rô phi đơn tính là loại cá dễ nuôi, ít bệnh, có khả năng thích ứng với các kiểu điều kiện khí hậu thay đổi nên tỷ lệ sống cao, phù hợp với các điều kiện tận dụng diện tích mặt nước nhỏ ở miền núi nên đem lại hiểu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Qua thực hiện mô hình nuôi cá nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình GAP đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Bên cạnh đó, người dân đã được tiếp cận với kỹ thuật nuôi mới, có thêm kinh nghiệm nuôi thuỷ sản. Kết quả bước đầu của mô hình thử nghiệm nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình GAP tại huyện Ba Bể sẽ mở ra một hướng phát triển kinh tế thuỷ sản mới cho người dân trên địa bàn.

Quan trọng hơn, mô hình nuôi các rô phi đơn tính theo quy trình GAP đã giúp người dân nhận thấy việc nuôi thủy sản theo hướng thâm canh mang lại hiệu quả cao hơn phương pháp nuôi quảng canh truyền thống. Bà La Thị Thuyền - Trạm Trưởng Trạm khuyến nông khuyến lâm huyện Ba Bể cho biết: Để mở rộng mô hình này trên địa bàn còn gặp không ít khó khăn do bà con quen nuôi cá theo phương pháp truyền thống nên khi nuôi theo quy trình GAP, người dân chưa thực hiện đúng các biện pháp sinh học, hóa dược vì vậy hiệu quả chưa thực sự cao.

Bên cạnh đó, vì đây là quy trình nuôi cá hoàn toàn mới nên bên cạnh sự hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp và sự chủ động thay đổi nhận thức của bà con thì đây sẽ là một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn.


Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cua Biển Ở Nghĩa Hưng (Nam Định) Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cua Biển Ở… Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Thương Phẩm Theo Quy Trình GAP Tại Ba Bể (Bắc Kạn) Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Thương Phẩm…