Mô hình kinh tế Mô Hình Nuôi Cá Sặc Rằn Đạt Hiệu Quả Cao Ở Long Phú (Sóc Trăng)
Mô hình kinh tế Mô Hình Nuôi Cá Sặc Rằn Đạt Hiệu Quả Cao Ở Long Phú (Sóc Trăng)

Mô Hình Nuôi Cá Sặc Rằn Đạt Hiệu Quả Cao Ở Long Phú (Sóc Trăng)

Ngày đăng 11/06/2014

Mô Hình Nuôi Cá Sặc Rằn Đạt Hiệu Quả Cao Ở Long Phú (Sóc Trăng)

Ở nông thôn hầu như nhà nào cũng có ao mương, nên việc khai thác diện tích mặt nước để nuôi các loại cá nước ngọt được các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng quan tâm, nhằm giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, như mô hình nuôi cá sặc rằn ở huyện Long Phú.

Tháng 10 năm 2013, hộ ông Nguyễn Văn Truyền ở ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú được Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng chọn làm điểm thử nghiệm mô hình nuôi kết hợp cá thát lát cườm và cá sặc rằn.

Hai loại cá này khá phù hợp khi sống chung trong ao vì cá thát lát ăn tạp nhưng thiên về ăn động vật, cá sặc rằn có kích thước tăng trưởng tương đương nên sẽ không bị cá thát lát ăn. Hơn nữa cá sặc rằn ăn rong, tảo, chất thải và thức ăn thừa của cá thát lát cườm, nhờ đó hạn chế sự ô nhễm trong ao nuôi và giảm chi phí thức ăn. Tính đến nay đã hơn 8 tháng, ông Truyền sắp thu hoạch đợt cá này.

Theo ông nuôi cá thát lát đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khắt khe hơn, lại là lần đầu áp dụng chưa có kinh nghiệm nên cá hao hụt khá nhiều, 6000 con giống ban đầu hiện chỉ còn khoảng 800 con, mỗi con gần 500g, giá cá thát lát khoảng 70 – 75 ngàn đồng/ký, ông thu về hơn 28 triệu đồng, nếu trừ chi phí xử lý ao, chăm sóc và thức ăn thì nuôi cá thát lát không có lời. Ông Truyền chia sẻ: “Cá thát lát có giá nhưng khó nuôi, do tôi vẫn chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ hao hụt lớn”.

Bù lại cá sặc rằn lại đang có kết quả rất tốt, 30 kg giống ban đầu, ông Truyền ước tính thu hoạch được khoảng 400 kg, giá mỗi kg thấp nhất khoảng 40 ngàn đồng, tính ra cũng được hơn 16 triệu đồng.

Ông Truyền cho biết ban đầu tập trung cho cá thát lát và xem cá sặc rằn chỉ là đối tượng nuôi kèm, nhưng ngược lại cá sặc rằn lại đang cho hiệu quả cao hơn. Ông Truyền cho biết thêm: “Nuôi cá sặc rằn tôi thấy được hơn, tôi đang mê vì lời gần như hoàn toàn, cá chủ yếu ăn rong tảo và thức ăn thừa nên chi phí cũng ít hơn cá thát lát”.

Đặc biệt, cá sặc rằn sinh sản rất nhiều, sau khi tát ao bắt cá lớn, ông Truyền còn lời được đàn cá con để nuôi tiếp; Thấy cá sặc rằn con cũng dễ ương dưỡng nên ông đã mạnh dạn mua cá sặc rằn bột về nuôi, sau hơn một tháng chăm sóc là có thể bán cá giống cho các hộ có nhu cầu.

Mô hình này cho lợi nhuận khá cao, như đợt cá vừa rồi, ông mua 5 triệu con cá bột với giá 10 triệu đồng, sau hơn một tháng ông bán được hơn 90 triệu, trừ thêm chi phí thức ăn ông còn lời khoảng 65 triệu đồng. Một năm ông có thể ương được 5 đợt cá bột, như vậy chỉ tính riêng mô hình ương cá sặc rằn bột ông đã thu về trên 300 triệu đồng.

Khách hàng ở Sóc Trăng và các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu… tìm đến nhà ông mua cá giống rất nhiều, chứng tỏ mô hình đang có sự thu hút rất lớn. Tuy nhiên, người nuôi thủy sản cũng cần nhạy bén nắm bắt tình hình, tránh tình trạng tập trung nuôi ồ ạt một loại thủy sản, rất dễ bị dội chợ, rớt giá, thất thu cho nông dân.


Giao Quyền Khai Thác Thủy Sản Vùng Biển Ven Bờ Cho Ngư Dân Giao Quyền Khai Thác Thủy Sản Vùng Biển… Ngư Dân Bình Chánh (Bình Sơn - Quảng Ngãi) Trúng Đậm Mùa Mực Ở Trường Sa Ngư Dân Bình Chánh (Bình Sơn - Quảng…