Mô hình kinh tế Mô Hình Nuôi Chim Bồ Câu - Cách Làm Giàu Mới Của Nông Dân

Mô Hình Nuôi Chim Bồ Câu - Cách Làm Giàu Mới Của Nông Dân

Ngày đăng 12/06/2013

Mô Hình Nuôi Chim Bồ Câu - Cách Làm Giàu Mới Của Nông Dân

Anh Đặng Văn Cẩn trú tại xóm 2, thôn Tân Thuận, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, sau một lần tình cờ xem một chương trình nông nghiệp giới thiệu về mô hình nuôi bồ câu trên đài truyền hình, nhận thấy đây là một mô hình mới mẻ, có nhiều triển vọng và có thể làm giàu, nên anh đã quyết định tiến hành nuôi thử nghiệm 10 cặp chim bồ câu đầu tiên.

Bồ câu là loài chim thường được mọi người nuôi chủ yếu là để làm cảnh cho “vui cửa, vui nhà”, còn nuôi bồ câu để làm kinh tế thì hẳn là nhiều người còn chưa nghĩ tới. Thế nhưng, anh Đặng Văn Cẩn trú tại xóm 2, thôn Tân Thuận, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, sau một lần tình cờ xem một chương trình nông nghiệp giới thiệu về mô hình nuôi bồ câu trên đài truyền hình, nhận thấy đây là một mô hình mới mẻ, có nhiều triển vọng và có thể làm giàu, nên anh đã quyết định tiến hành nuôi thử nghiệm 10 cặp chim bồ câu đầu tiên.

Sau hơn 2 năm, với đức tính ham học hỏi và sự quyết tâm, giờ đây anh Cẩn đã xây dựng cho mình một mô hình nuôi chim bồ câu khá hoàn chỉnh , với khoảng hơn 200 cặp bồ câu đang sinh sản, thu nhập hàng tháng sau khi trừ các chi phí chăm sóc, cũng đem về cho gia đình anh từ 7 - 8 triệu đồng tiền lãi.

Dẫn chúng tôi ra thăm mô hình nuôi chim bồ câu ở sau nhà, anh Cẩn vui vẻ nói: “Cùng nhờ mô hình này mà kinh tế gia đình tôi giờ phần nào cũng ổn định, lo được cho các con ăn học, mua sắm vật dụng gia đình và lo được cuộc sống tươm tất hơn”. Lúc đầu, khi mới nuôi, anh Cẩn chủ yếu bán bồ câu thịt cho các đầu mối tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh, nhưng sau này, khi mô hình được nhân rộng, anh đã kết hợp vừa nhân giống để cung cấp cho những hộ nuôi khác ở các tỉnh thành, đồng thời cũng vừa nuôi chim thịt cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn lớn có nhu cầu.

Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi chim bồ câu, anh Cẩn chia sẻ: “Nuôi bồ câu không khó, đặc tính của chim bồ câu là loài động vật hoang dã, chỉ cần một không gian chuồng trại thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ và cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ (mỗi ngày thường cho ăn 2 lần sáng - chiều), nguồn nước uống sạch sẽ, là có thể nuôi được. Tổ cho chim bồ câu ở và sinh sản được làm từ gỗ, có lót rơm, được gắn liền nhau trên các vách tường.

Có một điều đặc biệt là, chim bồ câu khi đã chọn cho mình một tổ thì sẽ ở tổ đó suốt đời, nên việc tranh dành nhau về chỗ ở là không xảy ra. Còn dịch bệnh đối với bồ câu thì từ ngày tôi nuôi là chưa thấy xuất hiện, bồ câu rất khỏe mạnh và phát triển rất tốt, được các mối lái ở TP Hồ Chí Minh rất ưa chuộng”.

Theo anh Cẩn, mô hình nuôi chim bồ câu này ai cũng có thể nuôi được, hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tiêu thụ rất lớn, thường gia đình anh không nuôi kịp để cung cấp cho thị trường, phân của bồ câu được tận dụng bón cho cây trồng rất hiệu quả, nên việc mở rộng mô hình trên sẽ giúp bà con nông dân có cơ hội thoát nghèo và phát triển kinh tế là rất khả quan.

Chim bồ câu sinh sản rất nhanh, từ chim giống đến khi sinh sản được vào khoảng 2,5 tháng, mỗi lần bồ câu đẻ được hai trứng, ấp khoảng 20 ngày là nở. Sau khi chim bồ câu nở được 10 ngày, người nuôi phải tiến hành bắt chim con ra khỏi ổ và chuyển vào ổ bên cạnh cho chim trống nuôi, làm như vậy để chim mái tiếp tục đẻ trứng. Như vậy, có thể thấy quá trình sinh sản của chim bồ câu là liên tục và khá nhanh, hiệu quả kinh tế mang lại cho người nuôi là thấy rõ.

Với khoảng 200 cặp chim bồ câu vào đọ tuổi đang sinh sản như hiện nay, mỗi tháng gia đình anh Cẩn thu về khoảng 100 cặp chim bồ câu giống. Nếu tính giá 1 cặp chim giống hiện bán với giá trung bình 200 ngàn đồng thì 100 cặp sau khi bán sẽ thu về khoảng 10 triệu đồng, giá thức ăn cho bồ câu (chủ yếu là bắp, lúa, cám trộn lẫn) vào khoảng 7 ngàn đồng trên 1 kg, một ngày trung bình 200 cặp chim bồ câu ăn hết 10 kg thức ăn, một tháng thức ăn cho chúng vào khoảng 3 tạ thì chi phí thức ăn chỉ hết khoảng 2,1 triệu đồng.

Mỗi tháng, sau khi trừ các chi phí thức ăn cho chúng, gia đình anh Cẩn cũng thu về từ 7 – 8 triệu đồng tiền lãi, đối với một người làm nông thì đây là một thu nhập rất đáng kể. Bên cạnh việc nuôi bồ câu, gia đình anh Cẩn còn trồng cà phê, bắp, lúa để tăng gia sản xuất, đồng thời lấy sản phẩm lúa, bắp dùng nuôi chim bồ câu, như vậy thật là hiệu quả đôi đường. Trong thời gian tới, anh Cẩn sẽ tiếp tục triển khai mở rộng mô hình này với một quy mô lớn hơn. Đồng thời, anh Cẩn cho biết là sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệp nuôi bồ câu của mình cho bà con nào có ý định làm kinh tế theo mô hình này.

Vừa qua, Hội nông dân Lâm Đồng cùng Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng, đã ghé thăm mô hình của anh Đặng Văn Cẩn, nhằm tìm hiểu, đánh giá hiệu quả kinh tế mà mô hình trên mang lại.


Tỷ Phú Trên Đất Rừng Đầm Dơi Tỷ Phú Trên Đất Rừng Đầm Dơi Nông Dân Thấp Thỏm Với Giá Rau Nông Dân Thấp Thỏm Với Giá Rau