Mô hình nuôi tôm theo VietGAP bước đầu phát huy hiệu quả
Trong 3 năm (2014-2016), Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy phạm VietGAP” với 30 mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại 16 tỉnh, thành phố tỉnh đại diện cho các vùng miền trong cả nước theo VietGAP. Năm 2016, lợi nhuận sau thu hoạch của các hộ nuôi tôm áp dụng VietGAP trong mô hình lãi từ 600-850 triệu đồng/ha ao nuôi, cao hơn 30% so với lợi nhuận của hộ nuôi tôm ngoài mô hình. Tuy nhiên, việc đưa VietGAP vào áp dụng đại trà trong thực tế sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn.
Ảnh chụp mô hình nuôi tôm VietGAP ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, TG
VietGAP nâng hiệu quả nuôi tôm
Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh cho biết, VietGAP không những có giá trị về kinh tế mà còn có ý nghĩa lâu dài trong nghề nuôi tôm như vấn đề góp phần làm cho môi trường ngày càng ổn định để sản xuất được lâu dài, bền vững. VietGAP khuyến khích áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý đảm bảo môi trường nuôi sạch, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh, cải thiện điều kiện đất đai và hạn chế dịch bệnh, các chất độc tồn lưu trong sản phẩm, tạo điều kiện cho việc phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra các sản phẩm sạch, góp phần nâng cao sức khỏe của người trực tiếp sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, trong năm 2015, các hộ nuôi tôm áp dụng VietGAP trong mô hình đạt hiệu quả thấp hơn 2014 nhiều do giá bán thấp. Tuy nhiên, lợi nhuận đã được nâng lên đáng kể so với hộ nuôi tôm ngoài mô hình do hộ nuôi tôm thực hiện VietGAP quản lý tốt hơn. Cụ thể, mô hình nuôi tôm theo VietGAP tại Hà Tĩnh đạt trung bình khoảng 300 triệu/ha; mô hình tại Quảng Ninh đạt khá cao trên 600 triệu/ha; mô hình tại Nghệ An trên 500 triệu/ha.
Năm 2016, theo thống kê, tính toán chưa đầy đủ, lợi nhuận sau thu hoạch, các hộ tham gia mô hình lãi từ 600-850 triệu đồng/ha ao nuôi tôm áp dụng VietGAP với năng suất đạt trung bình 11-12 tấn/ha. So với mô hình nuôi tôm khác, áp dụng VietGAP đã nắm rõ các chi phí; tiết kiệm chi phí thuốc, hóa chất, kháng sinh, thức ăn; tỷ lệ sống cao, hạn chế dịch bệnh nên lợi nhuận các hộ nuôi tôm theo VietGAP trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 30%.
Ông Phạm Phú Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Long An, sau khi được hướng dẫn áp dụng VietGAP, một số các khoản chi phí cơ sở đã tiết kiệm được do quá trình quản lý tốt hơn như lượng thuốc, hóa chất dùng ít, kiểm soát thức ăn tốt, không để dư thừa nên giảm được lượng thức ăn sử dụng lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường nước nuôi, tiết kiệm được lượng điện sử dụng.
Việc mua con giống có chất lượng từ cơ sở uy tín và đạt chuẩn, giá thành cao hơn nhưng bù lại tôm khỏe, tỷ lệ sống cao hơn và đủ số lượng. Hiệu quả về môi trường: Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học, ít thay nước nên giảm xả nước thải ra môi trường và nước trước khi xả thải ra môi trường đã được xử lý nên tình trạng ô nhiễm môi trường nội tại ở địa phương giảm rất nhiều.
Còn nhiều khó khăn trong áp dụng VietGAP
Theo ông Kim Văn Tiêu, P. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong bối cảnh người nuôi tôm chịu nhiều rủi ro do dịch bệnh, thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe thì việc tuân thủ quy trình sản xuất sạch, an toàn tiêu chuẩn VietGAP là tất yếu, cần được nhân rộng. Tuy nhiên, việc đưa VietGAP vào áp dụng đại trà trong thực tế sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Việt, ấp Bình Thới 2, xã Thuận Mỹ, Châu Thành (Long An) là hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng tham gia mô hình VietGAP đạt lợi nhuận gần 200 triệu đồng/vụ với 4.000 m2 ao nuôi tôm cho biết: Mô hình nuôi tôm theo VietGAP có mật độ cao hơn so với mật độ trung bình của người dân nên đòi hỏi phải đầu tư trang thiết bị tương xứng mới đáp ứng được yêu cầu mô hình, đặc biệt là hệ thống quạt nước và cung cấp oxy đáy. Việc ghi chép nhật ký ban đầu có khó khăn do chưa quen nhưng khi được hướng dẫn thì việc này rất hữu ích giúp kiểm soát tốt lượng thức ăn, theo dõi quá trình nuôi có hệ thống hơn từ đó đánh giá hiệu quả nuôi chính xác.
“Tôi thấy việc ủ men vi sinh từ nguồn vi sinh gốc, đạt tiêu chuẩn để tăng sinh khối vi sinh trước khi đưa vào đường ruột là cách làm hiệu quả giúp tôm luôn khỏe mạnh. Trong quá trình nuôi, tôi sử dụng phương pháp 3 sạch gồm nguồn giống sạch bệnh, qua kiểm dịch; tạo môi trường sạch bằng sản phẩm vi sinh tốt; thức ăn và thức ăn bổ sung cho tôm phải là những sản phẩm chất lượng, có như vậy mới nuôi tôm sạch đạt chất lượng VietGAP”, ông Việt chia sẻ.
Theo Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, việc áp dụng VietGAP cần có lộ trình và thực hiện trong thời gian dài. Đội ngũ cán bộ cần có chuyên môn, có tâm huyết với nghề nghiệp, am hiểu VietGAP, đã thông qua lớp đào tạo về giảng viên, chuyên gia VietGAP chưa nhiều. Nhiều hộ dân chưa có nhiều thời gian tập trung vào việc tư vấn hướng dẫn do thường xuyên tham gia các hoạt động hội họp, tổ chức hội thảo, tập huấn. Một số hộ chưa thấy tầm quan trọng của VietGAP, chỉ quan tâm đến việc nhận được hỗ trợ gì do đó một số lơ là trong việc thực hiện.
VietGAP yêu cầu rất khắt khe vấn đề đảm bảo an toàn môi trường và an toàn dịch bệnh mà chưa có chính sách về hỗ trợ người nuôi như kiểm soát nhanh các loại bệnh, đặt phòng thí nghiệm hoặc thu mẫu nước để giúp nông dân kiểm soát Vibrio và các loại bệnh nguy hiểm trên tôm. Cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nuôi ngày càng cao của bà con nông dân, thứ nhất tình trạng bồi lắng của các con kênh cấp nước, thứ 2 điện phục vụ cho sản xuất còn thiếu ở nhiều nơi.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh cho biết, các thủ tục, hóa đơn nhiều làm nông dân khó tiếp cận. Thiếu sự vào cuộc của các bên liên quan và tham gia các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Giá bán sản phẩm đạt VietGAP chưa được đảm bảo. Có chính sách cho người sản xuất theo VietGAP nhưng phần lớn người sản xuất chưa đáp ứng và quan tâm….
Do đó, để VietGAP phát huy hiệu quả và có thể nhân rộng đại trà trong nuôi tôm nước lợ, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh cho rằng, sản phẩm tôm đạt VietGAP phải được đảm bảo đầu ra cũng như giá bán. Cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người nuôi tuân thủ quy hoạch, sản xuất theo hình thức tổ hợp tác. Từng bước hướng dẫn người nuôi áp dụng quy trình sản xuất tốt, từ đó hướng tới nuôi theo VietGAP. Quan tâm hỗ trợ nông dân thông qua xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo VietGAP. Hoàn thiện hệ thống thủy lợi như kênh, đường giao thông, điện… đáp ứng yêu cầu VietGAP.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ