Mô Hình Thâm Canh Bò Thịt Chất Lượng Cao Ở Vĩnh Thạnh Hiệu Quả Thiết Thực
Thời gian qua, nhờ chương trình hỗ trợ vốn của Nhà nước, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) có điều kiện phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình thâm canh bò thịt chất lượng cao được Trạm Khuyến nông (KN) huyện Vĩnh Thạnh triển khai trong năm 2014 tại xã Vĩnh Thịnh là một điển hình.
Huyện Vĩnh Thạnh có tổng đàn bò hơn 13.000 con, tỉ lệ bò lai chiếm trên 86% tổng đàn. Từ nhiều năm nay, chăn nuôi bò đã trở thành một thế mạnh kinh tế của huyện. Tuy nhiên việc chăn nuôi bò chỉ bằng phương thức quảng canh, chủ yếu tận dụng đồng cỏ tự nhiên, ít đầu tư thâm canh, do vậy trọng lượng bò nuôi đạt thấp, hiệu quả chăn nuôi không cao.
Với mục tiêu phát triển đàn bò thịt chất lượng cao, bằng kinh phí từ Chương trình 30a của Chính phủ, từ năm 2011 huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Bước đầu huyện đã đưa về 29 con bò giống Droughtmaster, trong đó có 19 con đực và 10 con cái. Ưu điểm của giống bò Droughtmaster là năng suất rất cao, trong điều kiện chăn nuôi theo quy trình thâm canh, trọng lượng bình quân ở bò đực đạt tới 1 tấn đến 1,1 tấn/con, bò cái đạt từ 0,6 đến 0,7 tấn/con, tỉ lệ thịt xẻ đạt từ 60 đến 62%.
Kỹ sư Thái Bình Trọng, cán bộ Trạm KN Vĩnh Thạnh, cho biết: Bằng nguồn kinh phí KN năm 2014 do Trung tâm KN tỉnh hỗ trợ, từ tháng 3.2014, Trạm KN huyện đã xây dựng mô hình thâm canh bò thịt chất lượng cao tại 10 hộ chăn nuôi ở xã Vĩnh Thịnh với quy mô 10 con bê con thế hệ F1 Droughtmaster. Mô hình kết hợp hỗ trợ cỏ giống để bổ sung nguồn thức ăn xanh. Qua thời gian 7 tháng, trọng lượng bê nghé tăng bình quân 685g/con/ngày. Đây là một kết quả rất tốt, đáng để nhân rộng theo quy trình thâm canh bò thịt.
Ông Nguyễn Phi Hùng, ở thôn An Nội, xã Vĩnh Thịnh, người tham gia mô hình, chia sẻ: Trong quá trình thực hiện mô hình, Trạm KN huyện thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, tăng cường giám sát việc đầu tư thức ăn tinh cho bò, nhất là kiểm tra tình hình thực hiện mức đầu tư đối ứng của từng hộ.
Do được hướng dẫn cụ thể về quy trình chăm sóc nên bà con áp dụng có hiệu quả. Ngoài lượng thức ăn tinh theo quy trình, tôi còn bổ sung thêm thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp và cỏ voi để đảm bảo lượng thức ăn xanh tối thiểu. Sau 6 tháng nuôi, bê nghé của tôi đạt mức tăng bình quân trên 900g/ngày.
Kết quả mô hình cho thấy, 100% bê nghé đều đạt mức tăng trọng bình quân 685gam/con/ngày, được đánh giá là có hiệu quả hơn hẳn cách chăn nuôi truyền thống, phù hợp với điều kiện chăn nuôi phân tán theo hộ và chăn nuôi tập trung, góp phần tăng năng suất và sản lượng thịt bò, tạo thêm việc làm và thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn.
Trong thời gian tới, huyện Vĩnh Thạnh sẽ vận động các hộ điển hình giúp đỡ những hộ nghèo trên địa bàn huyện, tập trung hỗ trợ giống cỏ, kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, mở rộng mô hình ở một số địa phương, đặc biệt là các xã trung du và miền núi, nơi có nguồn thức ăn phong phú và điều kiện địa hình thuận lợi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ