Mô hình kinh tế Mô Hình Thâm Canh Tổng Hợp Giống Lúa Thuần HT9 Mang Tới Niềm Vui Cho Người Dân Tiên Yên

Mô Hình Thâm Canh Tổng Hợp Giống Lúa Thuần HT9 Mang Tới Niềm Vui Cho Người Dân Tiên Yên

Ngày đăng 22/10/2014

Mô Hình Thâm Canh Tổng Hợp Giống Lúa Thuần HT9 Mang Tới Niềm Vui Cho Người Dân Tiên Yên

Dưới ánh nắng vàng cuối Thu, tiếng cười rộn rã của những người nông dân thôn Yên Trung, xã Tiên Yên (Quang Bình) trên đồng ruộng vang cả một vùng. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt họ khi ôm những bó lúa nặng trĩu trên tay.

Niềm vui đó xuất phát từ Mô hình thâm canh giống lúa thuần HT9 do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật thâm canh tổng hợp cho bà con đã mang lại vụ mùa năng suất cao cho những người dân nơi đây và giúp thay đổi cách thức sản xuất cũ bằng phương pháp khoa học cho cây lúa năng suất, chất lượng hơn.

Giống lúa thuần HT9 đã được sử dụng nhiều ở các tỉnh phía Bắc trong đó có Hà Giang. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, giống lúa này đã được trồng thử nghiệm ở một số địa phương trong tỉnh và cho thấy phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của một tỉnh vùng cao thường xuyên thiếu nước như Hà Giang, bởi cây lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng hơn hẳn một số giống lúa thuần khác và gần tương đương năng suất lúa lai, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc và mất ít công chăm sóc...

Thực hiện Dự án Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp nhằm tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất lúa ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã lựa chọn hỗ trợ Hà Giang thí điểm mô hình này. Ngay khi nhận được sự hỗ trợ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Quang Bình lựa chọn xã Tiên Yên, địa phương có nhiều điều kiện phù hợp để thực hiện mô hình.

Được hỗ trợ 100% giống lúa HT9, 50% giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quá trình cây lúa sinh trưởng và hỗ trợ kỹ thuật thâm canh tổng hợp mới, 85 hộ dân thôn Yên Trung rất phấn khởi, hưởng ứng tham gia với tổng diện tích thực hiện 20 ha.

Chứng kiến không khí phấn khởi của bà con nhân dân trong khi gặt lúa với năng suất cao, chúng tôi đã nhận được nhiều sự chia sẻ từ người dân. Ông Nông Thế Thao cho biết: “Gia đình tôi có 1.200m2 đất gieo cấy lúa trong mô hình. Sau khi chúng tôi gặt xong, tuốt được 55 thúng, trung bình mỗi thúng khoảng 15 đến 17 kg, vậy là được hơn 8 tạ thóc tươi, hơn hẳn giống lúa BC Thái Bình vẫn trồng những năm trước mà gạo sát ra ăn lại ngon, dẻo”.

Theo báo cáo tổng kết mô hình của Trạm Khuyến nông huyện Quang Bình, năng suất bình quân lúa HT9 đạt 6,9 tấn/ha (khi thóc ướt), khoảng 6 tấn/ha (khi phơi khô). Tuy nhiên, theo bà Đào Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Vụ mùa năm nay trên địa bàn tỉnh ta nói chung, huyện Quang Bình và xã Tiên Yên nói riêng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thiên tai, đặc biệt là hoàn lưu cơn bão số 2 và số 3 đã làm hơn 10 ha lúa trong mô hình bị ngập úng và một số bị rạp, đổ.

Cùng với đó, do không thể thường xuyên “cầm tay, chỉ việc” cho người dân chăm sóc nên trên một số diện tích lúa khi gặt năng suất thấy có dấu hiệu thiếu phân kali, thành phần quan trọng trong thời điểm bông lúa chắc hạt khiến cho tỷ lệ hạt lép trên bông cao trên 10%.

Nếu không bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khách quan và chủ quan đó, năng suất lúa HT9 chắc chắn còn cao hơn nữa”. Mặc dù không đạt được năng suất cao như dự kiến và hy vọng ban đầu nhưng với năng suất thực tế của lúa HT9 trong mô hình vẫn được bà con nhân dân đánh giá cao hơn hẳn những giống lúa Nhị ưu 838 hay BC, BG đã gieo cấy trong những năm qua.

Năng suất cao từ mô hình thâm canh lúa thuần HT9 mang lại cho người dân còn có thêm một nguyên nhân, đó là phương pháp thâm canh tổng hợp với nhiều điểm mới. Ông Vương Chí Thông, đại diện Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông cho biết: Phương pháp này kết hợp với sản xuất 5 cùng, cấy bằng mạ non, cấy thưa và một rảnh (không phải mạ già, nhiều rảnh như trước); chuyển từ bón phân tổng hợp sang bón phân đơn vào từng thời kỳ sinh trưởng riêng của lúa, cây lúa sẽ hấp thụ triệt để chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển trong thời kỳ đó...

Vì vậy người dân chăm sóc lúa dễ hơn, cây lúa phát triển tốt hơn năng suất cao hơn từ 20%. Hơn nữa, phương pháp này cũng giúp giảm chi phí sản xuất, cụ thể như với những giống lúa khác, nhất là lúa thuần, 1 ha đất phải cần từ 80 – 100 kg giống, riêng với giống lúa HT9 và áp dụng phương pháp mới chỉ cần 60kg giống/ha.

Dù gặp nhiều bất lợi về thời tiết, nhiều hộ dân còn tư duy được hỗ trợ nên chưa quan tâm, đối ứng đủ phân bón, chăm sóc nhiều cho diện tích lúa được hỗ trợ nhưng mô hình lúa HT9 vẫn có được năng suất cao, điều này thực sự đem đến niềm vui với những hộ dân Tiên Yên. Từ thành công đó, có thể khẳng định trong thời gian tới giống lúa HT9 và phương pháp thâm canh tổng hợp sẽ được nhân rộng ở Tiên Yên nói riêng và Quang Bình nói chung.


Mùa Quýt “Đắng” Mùa Quýt “Đắng” Thúc Đẩy Áp Dụng Sản Xuất Sạch Hơn Trong Ngành Chế Biến Lương Thực Thúc Đẩy Áp Dụng Sản Xuất Sạch Hơn…