Tin thủy sản Mô hình tôm xen tôm triển vọng

Mô hình tôm xen tôm triển vọng

Tác giả Ngọc Khuê, ngày đăng 24/07/2018

Mô hình tôm xen tôm triển vọng

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện 20 ha mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ xen với tôm càng xanh, chủ yếu tại 6 xã vùng tôm - lúa Mỹ Xuyên. Mô hình tôm xen tôm này được bà con các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh áp dụng thành công, vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa thân thiện với môi trường.

Kiểm tra độ phát triển tôm càng xanh nuôi xen trong ao tôm thẻ.

Sở dĩ áp dụng được mô hình tôm xen tôm vì 1 vụ nuôi tôm càng xanh hơn 6 tháng, dài hơn nuôi 1 vụ tôm sú và bằng 2 vụ tôm thẻ. Theo đó, nông dân có thể tính toán thời gian để thả ghép các đối tượng này vào chung 1 ao. Như hộ ông Tạ Văn Quân ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, với ao nuôi 4.000 m2, ông thả khoảng 40.000 con giống tôm càng xanh, sau 5 tháng nuôi, ông phân loại tôm và sang qua ao kế bên, thả ghép vào ao khoảng 30.000 con tôm thẻ chân trắng. Cách làm của ông Quân là hình thức đơn giản của kỹ thuật ương và san tôm càng xanh 2 giai đoạn, kết hợp nuôi ghép với tôm thẻ ở giai đoạn sau khi sang ao, cộng thêm cán bộ khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật về bẻ càng tôm càng xanh và quản lý các điều kiện trong ao nuôi, nên mô hình này đã thành công. Ông Quân cho biết: “Lần đầu thả nuôi, sau 7 tháng, tôi thu hoạch được 500kg tôm càng xanh, bán được 150.000 đến 180.000 đ/kg. Vừa rồi vét ao, tôi thu hoạch thêm khoảng 100kg nữa. Sau khi cải tạo lại ao, tôi thả nuôi ghép tôm càng xanh với thêm khoảng 30.000 con tôm thẻ và chỉ tốn khoảng 6kg thức ăn/ngày/ao nuôi, mới vừa rồi tôi kéo lên được khỏang 300kg tôm thẻ”.

Thời gian qua, đầu ra tôm càng xanh bị hạn chế, nuôi thời gian dài nên nông dân không mặn mà, nếu nuôi kết hợp các đối tượng khác sẽ giải quyết được khó khăn này. Mặt khác, nuôi tôm quảng canh cải tiến, môi trường được đảm bảo hơn. Sau khi thu hoạch tôm, nông dân bắt đầu cấy lại vụ lúa. Tuy không lãi nhiều, khoảng 10 triệu đồng/ha, nhưng bù lại làm cho đất được cải tạo tốt hơn, nhất là khi thu hoạch lúa xong, bơm nước vào nuôi tôm thì chính gốc lúa còn lại cũng là thức ăn và là nơi ở của tôm.

Tôm càng xanh toàn đực nuôi xen cùng tôm thẻ.

Như vậy, đây cũng là giải pháp tốt để huyện Mỹ Xuyên duy trì ổn định diện tích áp dụng mô hình tôm – lúa. Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên, Phó phòng Kỹ thuật – Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, nhận xét: “Sóc Trăng với mô hình tôm – lúa khoảng 10.000ha, đây được xem là mô hình bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi thì tỉ lệ sống của tôm không cao. Để khắc phục hạn chế này, thời gian qua đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ, thúc đẩy nông dân thực hiện mô hình thành công hơn, trong đó có chương trình Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ bà con lựa chọn các đối tượng nuôi kết hợp sao cho đạt hiệu quả cao”.  

Từ những triển vọng này, năm nay, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục thí điểm khoảng 20 ha tại 6 xã vùng tôm lúa, làm cơ sở nhân rộng ra toàn huyện./.


Thu lãi cao từ mô hình sen - cá Thu lãi cao từ mô hình sen -… Chinh phục người tiêu dùng thủy sản tại Mỹ Chinh phục người tiêu dùng thủy sản tại…