Tin nông nghiệp Mô hình trồng rau thủy canh nhân công ít, hiệu quả kinh tế cao

Mô hình trồng rau thủy canh nhân công ít, hiệu quả kinh tế cao

Tác giả Sơn Phạm, ngày đăng 14/05/2019

Mô hình trồng rau thủy canh nhân công ít, hiệu quả kinh tế cao

Trồng rau trong nhà màng kín giúp hạn chế côn trùng, sâu bệnh, quá trình chăm sóc rau gần như được tự động hóa toàn bộ, chỉ cần 2 lao động trực tiếp có thể đảm nhận diện tích gần 2000m2 trồng rau thủy canh của HTX với 9 loại rau khác nhau. Giá rau bán ra cũng cao hơn rau thông thường. Mỗi nhà trồng rau 500 m2 đem lại lợi nhuận khoảng 6 - 10 triệu đồng/tháng, tương đương từ 120 - 200 triệu đồng/ha.

Gần 2000 m2 tại HXT Xuân Lộc luôn được phủ xanh với 9 loại rau luân canh thường xuyên

Phù hợp xu hướng sản xuất rau an toàn

HTX Xuân Lộc phát triển quy trình canh tác rau thủy canh từ năm 2016 với sự hỗ trợ của Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM và đã được chứng nhận VietGAP. Hiện nay, quy trình này đang được áp dụng cho diện tích gần 2000 m2 tại HTX.

Anh Nguyễn Ngọc Thông bên những rọ cây mới được chuyển từ khu vực ươm ra nhà màng.

Anh Nguyễn Ngọc Thông, Tổ trưởng Ban nông nghiệp HTX Xuân Lộc nhận xét: “Lợi thế của trồng rau thủy canh so với canh tác truyền thống là tiết kiệm được nhân công và lượng nước sử dụng, bảo đảm an toàn, giảm nấm bệnh cho rau và tránh được nhiễm kim loại nặng trong đất.Chất lượng rau trồng ra cũng cao hơn so với phương thức truyền thống.”

Chia sẻ về quy trình trồng rau thủy canh, anh Thông lưu ý mức dinh dưỡng, điều kiện sinh trưởng phải được điều chỉnh phù hợp theo từng loại rau. Người trồng có thể có thể sử dụng mút hoặc xơ dừa làm môi trường cho rau phát triển.

Nguyên liệu có sẵn 

Tại miền Nam, xơ dừa được sử dụng nhiều vì là nguyên liệu sẵn có và giúp rễ cây có không gian để phát triển tốt. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, xơ dừa cần được xử lý qua nước vôi để giảm độ chát. Mỗi rọ trồng chỉ nên giao 2-3 hạt để đảm bảo cho cây đủ không gian phát triển tốt nhất. Lớp xơ dừa trong rọ không nên nén quá chặt để giúp cây dễ phát triển.

Mỗi rọ trồng chứa xơ dừa nên được gieo 2 -3 hạt để đảm bảo cây phát triển tốt nhất.

Sau khi được ươm khoảng 7 ngày, cây con được chuyển từ khu vực ươm ra các máng thủy canh. Nguồn nước nuôi cây được bơm hoàn lưu từ các bể chứa lên máng trồng vào chảy ngược về bể, giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước sử dụng.

Nguồn nước để nuôi cây phải đảm bảo sạch, không nhiễm các nhân tố có hại như kim loại nặng và có độ pH phù hợp (từ 5.8 - 6.5). Các chất dinh dưỡng được pha trong nước theo tỷ lệ, thành phần thích hợp.

Một lưu ý khác người nông dân cần chú ý là phải thực hiện luân canh thường xuyên, thay đổi cây trồng giữa các vụ để tránh sâu bệnh.

Tiết kiệm nhân công, hiệu quả kinh tế cao

Anh Thông cho biết: “Trồng rau trong nhà màng kín giúp hạn chế côn trùng, sâu bệnh nhưng khi có sâu bệnh xâm nhập thì rất khó tiêu diệt vì không có thiên địch tự nhiên chống các loại sâu bệnh đó. Do đó, phải thường xuyên luân canh kết hợp dùng màng bẫy côn trùng. Ví dụ vụ trước chúng ta trồng cây họ cải thì sẽ có những sâu, côn trùng ăn cây họ cải xâm nhập. Vụ tiếp theo chúng ta có thể chuyển sang trồng rau muống để các loại sâu, côn trùng đó không có thức ăn và chết tự nhiên.”

Quá trình chăm sóc rau gần như được tự động hóa toàn bộ, chỉ cần 2 lao động trực tiếp có thể đảm nhận diện tích gần 2000m2 trồng rau thủy canh của HTX với 9 loại rau khác nhau. Giá rau bán ra cũng cao hơn rau thông thường. Mỗi nhà trồng rau 500 m2 đem lại lợi nhuận khoảng 6 - 10 triệu đồng/tháng, tương đương từ 120 - 200 triệu đồng/ha.

Với những ưu điểm trên, phương thức trồng rau thủy canh có tiềm năng được nhân rộng, không chỉ đem lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân mà còn đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và góp phần đảm bảo chất lượng môi trường.


Người thợ sửa xe đạp sáng chế ra máy tách ngô, cắt sắn Người thợ sửa xe đạp sáng chế ra… Kinh nghiệm ghép quả trên cây có múi Kinh nghiệm ghép quả trên cây có múi