Mô Hình Trồng Sắn Xen Đậu Phộng Cho Hiệu Quả Cao
Nhằm từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân, hướng đến việc canh tác theo hướng xen canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao; kỹ sư Đặng Văn Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang 3 đã thực hiện thành công mô hình trồng sắn xen đậu phộng ở huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên).
HIỆU QUẢ CAO
Ông Đặng Văn Trọng, chủ nhiệm dự án cho biết: “Huyện Đồng Xuân có tiềm năng để phát triển diện tích cây sắn nhưng do người dân có thói quen canh tác sắn theo lối quảng canh nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao và còn khiến đất dễ bị thoái hóa, bạc màu.
Trước thực trạng đó, tôi đã tiếp nhận quy trình trồng sắn xen các cây họ đậu từ Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ (Viện) và ứng dụng tại huyện nhằm tăng hiệu quả canh tác sắn, giảm tác hại do canh tác theo lối quảng canh gây ra. Kết quả cho thấy, trong số các cây họ đậu thì mô hình sắn xen đậu phộng mang lại hiệu quả cao nhất”.
Hiện trạng canh tác sắn tại huyện Đồng Xuân có đến 53% diện tích được trồng trên đất có độ dốc bình quân là 110 nên đất rất dễ bị rửa trôi, bạc màu, thoái hóa. Hiện tại, diện tích sắn chủ yếu vẫn đang được người dân trồng thuần, chi phí đầu tư thấp, năng suất khoảng 20,8 tấn/ha và thu được khoảng lợi nhuận từ 9-11 triệu đồng sau 8-10 tháng canh tác. Sản lượng và thu nhập như trên là chưa tương xứng với tiềm năng của huyện.
Để thực hiện mô hình trồng sắn xen đậu phộng mang lại hiệu quả kinh tế cao, chủ nhiệm đề tài và nhóm cộng tác đã xây dựng mô hình thâm canh về giống mới và kỹ thuật trồng sắn có xen cây họ đậu, đồng thời đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên chuyên về canh tác sắn bền vững.
Có 13 hộ dân được chọn ngẫu nhiên tại thị trấn La Hai và xã Xuân Phước để canh tác trên 3ha đất theo mô hình. Giống đậu phộng được chọn là giống đậu phộng lỳ. Các giống sắn được đưa vào trồng là giống NA1, SM-2075-18, KM98-5 và giống sắn KM94 (làm giống đối chứng). Nhóm thực hiện đề tài đã sử dụng các tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao từ Viện để xây dựng mô hình trồng sắn xen cây họ đậu tại huyện miền núi Đồng Xuân.
Trong đó, các giống sắn và các cây họ đậu được chọn để đưa vào mô hình đều do Viện thu thập, tuyển chọn nên có thời gian sinh trưởng phù hợp, cho năng suất ổn định và có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Biện pháp kỹ thuật canh tác sắn xen các cây họ đậu đã được Hội đồng KH-CN Bộ NN-PTNT nghiệm thu với ưu điểm dễ áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.
Các kỹ thuật viên tiến hành trồng sắn theo mô hình 4 hàng đậu phộng xen giữa 2 hàng sắn; mật độ trồng sắn 10.000 hốc/ha. Mô hình trên được tiến hành trong 2 vụ, niên vụ 2010 - 2011 và 2011 - 2012. Kết quả mô hình cho thấy: Không phát hiện bệnh hại trên cây sắn. Đặc biệt giống NA1, SM 2075-18 sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất 28,2 - 31,50 tấn/ha; tỉ lệ tinh bột là 25,4 - 26,0%.
Các chỉ số: khối lượng củ, năng suất củ tươi, hàm lượng tinh bột, năng suất tinh bột của sắn được trồng xen đậu phộng đều cao hơn so với sắn thuần. Do được đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động nên chi phí trồng sắn xen đậu phộng có cao hơn giống thuần nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cũng tăng lên vì năng suất sắn tăng và có thêm sản phẩm phụ là đậu phộng với năng suất khá.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Đặc điểm của vùng đất núi Đồng Xuân là có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, nên khi có mưa tập trung thì nguy cơ đất bị xói mòn, rửa trôi là rất cao. Vì vậy việc bảo vệ độ phì của đất gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, với khoảng 90% dân số sống bằng nghề nông, trình độ dân trí nhìn chung còn chưa cao nên khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Đa số người dân còn canh tác cây nông nghiệp theo lối quảng canh, thiếu bền vững. Vì vậy, việc canh tác sắn xen đậu phộng có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế thoái hóa đất, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài.
Cây sắn có ưu thế phát triển được trên chân đất có độ dốc lớn, nghèo dinh dưỡng và khô hạn nhưng lại khiến đất nhanh chóng bị bạc màu. Ở những chân đất này, nếu trồng lại sắn sau 3 - 4 vụ sẽ làm giảm năng suất, chất lượng; nếu trồng các loại cây nông nghiệp khác, cây sẽ khó phát triển.
Tuy nhiên, nếu trồng sắn xen đậu phộng thì các bộ phận của cây đậu phộng đều có ích cho đất, giúp bổ sung một phần chất dinh dưỡng vào đất. Ngoài phần củ được người dân thu hoạch thì thân, rễ và lá đậu phộng để lại cho đất 3,42 - 5,51 tấn/ha. Các bộ phận này dùng để che phủ gốc sắn nhằm duy trì độ ẩm của đất và sau khi các bộ phận trên bị hoai mục sẽ trả lại cho đất một phần chất hữu cơ.
Ngoài ra, thân và lá đậu phộng cũng được sử dụng để chế biến thành thức ăn hỗ trợ vỗ béo bò. Lấy phân chuồng để bón phân cho đất giúp đất màu mỡ. Với cách làm này, chất màu mỡ của đất ít bị rửa trôi, mà đất canh tác trong nhiều vụ vẫn không bị thoái hóa; giúp quá trình canh tác cây sắn bền vững hơn.
Theo kết quả nghiên cứu của viện, mô hình sắn trồng xen các loại họ đậu, đặc biệt là đậu phộng không những đã kìm độ giảm pH trong đất canh tác sắn, mà còn giúp độ pH trong đất tăng lên đáng kể. Các bộ phận của cây đậu phộng cũng làm tăng hàm lượng chất hữu cơ tổng số trong đất với mức tăng cao nhất là 0,5%. Việc trồng xen canh sắn - đậu phộng không làm giảm độ đạm trong đất mà còn giúp giữ được độ phì của đất trong một thời gian dài.
Nhận xét về mô hình này, ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN nói: “Mô hình sắn xen các cây họ đậu góp phần phục vụ phát triển kinh tế nông thôn miền núi và trong thực tiễn đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Mô hình sau khi hoàn thành đã được nhân rộng trong nhân dân, vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường đất, giúp phát triển cây sắn ở huyện miền núi Đồng Xuân được bền vững”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ