Mô hình kinh tế Mô Hình Ủ Phân Hữu Cơ Từ Thân Cây Ngô

Mô Hình Ủ Phân Hữu Cơ Từ Thân Cây Ngô

Ngày đăng 08/09/2011

Mô Hình Ủ Phân Hữu Cơ Từ Thân Cây Ngô

Sử dụng chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ vi sinh thay thế dần phân hóa học đang được Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai khuyến cáo vì nhiều tác dụng hữu ích. Trước tiên, phân hữu cơ vi sinh cung cấp nguồn vi sinh vật có lợi giúp cải tạo đất, làm đất tươi xốp, giữ độ ẩm và dưỡng chất cho đất… nên kích thích sự ra rễ, cây trồng sẽ phát triển mà hạn chế được sâu bệnh tấn công. Giảm sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV… mà sản phẩm làm ra an toàn và đảm bảo chất lượng, bảo vệ lâu dài sức khỏe con người và môi trường.

Huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai có diện tích trồng bắp là 2.200 ha. Trong những năm gần đây do mức độ đầu tư thâm canh cao nên người dân đã sử dụng một cách bất hợp lý về phân hóa học điều này không chỉ làm cho giá thành trồng bắp tăng cao mà còn làm cho đất thoái hóa, độ phì đất ngày càng giảm trầm trọng. Một nghịch lý đã xảy ra là đồng thời với việc sử dụng một cách quá mức về phân hóa học, trong khi các phụ phẩm của cây bắp như thân, lá, cùi bắp… bị người dân đốt bỏ, vừa tốn nhiều công sức, vừa làm cho nguồn hữu cơ trong đất ngày càng cạn kiệt. Bằng cách nào để người dân có thể tận dụng những phụ phẩm của cây bắp để ủ thành phân hữu cơ thay thế một phần phân hóa học trong canh tác bắp. Đó là những điều luôn trăn trở của lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai.

Tháng 4/2011, qua nhiều lần tuyên truyền trạm Khuyến nông Trảng Bom đã vận động anh Nguyễn Công Huế ấp Tân Thịnh xã Đồi 61 huyện Trảng Bom thực hiện mô hình sử dụng chế phẩm sinh học để ủ thân cây bắp thành phân hữu cơ. Qua gần 4 tháng ủ, mô hình đã thành công và đạt hiệu quả khá cao. Theo tính toán của chủ hộ, với thân cây bắp được tận thu sau hoạch vụ đông xuân trên diện tích 2500m2, ủ cùng 10 lit chế phẩm sinh học (trị giá 400.000 đ), 3 kg nấm trichoderama (trị giá 150.000 đ) và trộn cùng 2.000 kg phân chuồng (trị giá 3.200.000 đồng) đã tạo được 5.000kg phân hữu cơ. Anh Nguyễn Công Huế cho biết toàn bộ chi phí bỏ ra là 4.410.000 đồng (bao gồm công và vật tư), sau thu hoạch anh được một lượng phân trị giá 10.000.000 đồng, lợi nhuận gần 5.600.000 đồng. Anh cho biết thêm “do lần ủ đầu chưa kinh nghiệm và chưa tuân thủ theo đúng qui trình của khuyến nông nên thời gian ủ kéo dai và chi phí có cao. Với kinh nghiệm đã có, lần ủ sau chắn chắn thời gian ủ sẽ được rút ngằn (khoảng 3 – 3,5 tháng) và chi phí sẽ được tiết kiệm hơn”.

Tại buổi hội thảo nhằm giới thiệu và nhân rộng mô hình này, những người dân tham gia hội thảo đến từ các xã trong huyện đã rất quan tâm với sự thành công của mô hình. Họ cho rằng đây là một phương pháp làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Ông Nguyễn Quang Hùng ấp Tân Hưng xã Đồi 61 cho biết: “gia đình tôi cùng các anh em trong họ có hơn 7ha trồng bắp. Hàng năm, sau thu hoạch chúng tôi phải bỏ ra nhiều công để thu gom thân, cùi, râu bắp để đốt, vừa lãng phí vừa gây ô nhiểm môi trường. Qua tìm hiểu mô hình của nhà anh Huế, được anh Huế hướng dẫn, tôi đã chủ động mua chế phẩm sinh học về ủ trên cùi và râu bắp. Đến nay qua gần nữa tháng thực hiện cho thấy tốc độ phân hủy rất nhanh”.

Trao đổi về vấn đề này, kỹ sư Nguyễn Viết Thê – Trưởng Trạm Khuyến nông Trảng Bom cho biết: “so với việc sử dụng phân hóa học thì sử dụng phân hữu cơ theo phương pháp này sẽ giảm chi phí đầu vào, hạn chế sâu bệnh và cải tạo độ phì của đất. So với phương pháp ủ truyền thống thì phương pháp này rút ngắn thời gian ủ xuống hơn một nữa”. Ông còn cho biết thêm: “1 tấn phân bón hữu cơ trên thị trường hiện có giá 2 triệu đồng/tấn, song chất lượng khó đảm bảo. Nếu nông dân tự mua phân bò, gà, heo, các phế phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ, tất cả chi phí chỉ hết khoảng 900 ngàn đồng/tấn mà chất lượng lại đảm bảo. Với cách làm này, nông dân sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu vào trong khi năng suất cây trồng tăng cao và chất lượng nông sản được nâng lên”.

Được biết, việc sử dụng phân chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ đang được Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai xem là một trong những chương trình lớn của đơn vị này trong nhiều năm tới. Bên cạnh đó việc sử dụng phân hữu cơ thay thế dần phân hóa học cũng là một trong những bước đi của ngành nông nghiệp Đồng Nai nhằm hướng đến môt nền nông nghiệp hữu cơ, một nền nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường


Đổi Đời Từ ‘Độc Chiêu’ Bắt Tôm Hùm Giống Đổi Đời Từ ‘Độc Chiêu’ Bắt Tôm Hùm… Nghêu Con Xuất Hiện Nhiều Trên Bãi Biển Hiệp Thạnh Nghêu Con Xuất Hiện Nhiều Trên Bãi Biển…