Mô Hình Vỗ Béo Bò Giúp Nhiều Hộ Dân Sủng Là Tăng Thu Nhập
Với đặc điểm của một xã vùng cao có diện tích đất nông nghiệp hạn chế cộng với khí hậu khắc nghiệt khiến việc trồng trọt ở Sủng Là gặp nhiều khó khăn, chỉ đủ ăn. Việc trồng cỏ và nuôi bò được xem là một hướng đi chính có nhiều triển vọng giúp người dân ở đây xóa đói giảm nghèo theo chủ trương của tỉnh.
Trước thực tế nhiều hộ nuôi bò chưa nắm bắt được kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, vẫn chăn nuôi theo cách truyền thống ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế nên Trung tâm khuyến nông tỉnh và Trạm khuyến nông huyện Đồng Văn đã đưa mô hình vỗ béo bò đến xã Sủng Là.
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi vỗ béo bò thịt có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tăng thu nhập, tạo việc làm cho nông dân trong lúc nông nhàn. Đặc biệt, hướng tới phát triển đàn bò thịt đặc sản của địa phương.
Phó chủ tịch UBND xã Sủng Là, Lê Thị Bộ, cho biết: Gần 80% các hộ ở trên địa bàn xã đều nuôi bò để có phân bón, sức kéo, buôn bán. Trước đây, người dân nuôi bò không theo kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Khi mô hình vỗ béo bò của Trạm khuyến nông tỉnh đưa về, toàn xã có 70 gia đình ở 3 thôn Đoàn Kết, Lũng Cẩm Trên, Sáng Ngài tham gia.
Các hộ đã đáp ứng yêu cầu có từ 2 - 5 con bò, chuồng trại đúng quy định, có đủ năng lực, vật tư đối ứng. Dù mới triển khai từ đầu tháng 6 song việc nuôi bò vỗ béo trên địa bàn xã bước đầu cho thấy sự khả quan.
Đến thăm gia đình anh Vừ Dúng Pó, thôn Đoàn Kết, anh chia sẻ: “nhà tôi đã mua 4 con bò ở các chợ Sà Phìn, Lũng Phìn về để vỗ béo. Được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ cám hỗn hợp, thuốc tiêm phòng, thuốc thú y nên bò lớn nhanh. Ngày trước nhà tôi chưa biết kỹ thuật nuôi bò vỗ béo nên mua bò cái về nuôi rất chậm lớn”.
Theo ước tính của anh Pó thì mỗi tháng giá trị của con bò có thể tăng lên đến 3 triệu đồng. Giá một con bò lúc mới mua về là từ 25-27 triệu đồng/con, mới nuôi được hơn một tháng mà đã có chủ buôn tới hỏi mua với giá 31 triệu đồng/con.
Mô hình vỗ béo bò được thực hiện trong thời gian 3 tháng, bà con đã được tập huấn tỉ mỉ về cách chọn những con bò đực không mắc bệnh hoặc quá già, có tuổi vỗ béo hiệu quả là từ 24 – 36 tháng tuổi. Chuồng bò nên làm theo hướng nam, đảm bảo diện tích 4 - 5m2/con, có đủ máng ăn, uống thuận tiện cho việc chăm sóc.
Thực hiện tẩy ký sinh trùng trước khi vỗ béo, cho ăn đủ các loại thức ăn xanh, tinh bột, bỗng rượu, uống nước. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chải lông cho bò để kích thích tuần hoàn và tiêu hóa. Sau 3 tháng vỗ béo bò nên bán ngay, nếu kéo dài thời gian thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao”.
Cán bộ khuyến nông tỉnh và huyện, cũng hướng dẫn bà con cách xác định khối lượng bò để bán, giết mổ nhằm giảm thiểu thời gian nuôi, chi phí thức ăn. Qua đó, người dân còn biết cách khai thác cỏ theo quy trình để tận dụng được các nguồn thức ăn xanh của địa phương và thức ăn hỗn hợp.
Phấn khởi với hiệu quả trông thấy của kỹ thuật vỗ béo bò, ông Giàng Pà Sinh, thôn Đoàn Kết, phấn khởi khẳng định, dù mới thực hiện vỗ béo bò một thời gian song nhà ông đã bán được một con bò với giá là 31 triệu đồng, lãi tới 7 triệu đồng.
Hiện gia đình ông đang vỗ béo 3 con bò khác theo đúng kỹ thuật của cán bộ khuyến nông hướng dẫn thấy bò béo nhanh hơn trước.
Việc phát triển kinh tế theo hướng nuôi bò vỗ béo ở xã Sủng Là cho thấy đây là một hướng đi đúng, đem lại nhiều triển vọng xóa đói giảm nghèo cho nơi đây.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ