Mô hình kinh tế Mở Lối Cho Cá Chình Thương Phẩm

Mở Lối Cho Cá Chình Thương Phẩm

Ngày đăng 19/12/2013

Mở Lối Cho Cá Chình Thương Phẩm

Theo Thạc sĩ Hoàng Văn Duật - Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Sản xuất và Dịch vụ khoa học công nghệ (KH-CN) thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (NCNTTS) III, việc nghiên cứu ương, nuôi cá chình thương phẩm bước đầu đã thành công. Điều này hứa hẹn nhiều triển vọng cho nghề nuôi cá chình trong thời gian tới.

Đưa chúng tôi đi thăm khu vực nuôi thử nghiệm cá chình tại Công ty Vạn Xuân (thôn Suối Lau, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm - Khánh Hòa), ông Duật cho rằng, đây là địa điểm lý tưởng cho các loại hình nghiên cứu, thử nghiệm sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật, đặc biệt là cá chình.

Bởi lẽ, thời tiết, khí hậu nơi đây thuận lợi, nhiệt độ mát mẻ, nguồn nước tốt, dồi dào. Để tiến hành nuôi thử nghiệm, chủ nhiệm Dự án đã tổ chức đội ngũ cộng sự có trình độ tay nghề cao, phân công theo dõi chặt chẽ, bám sát các nội dung nghiên cứu. Khu trang trại lắp đặt chủ động nguồn điện bảo đảm cung cấp oxy cho cá, nguồn điện dự phòng và hệ thống oxy lỏng cung cấp cho các thí nghiệm.

Theo ông Duật, Dự án đang thực hiện quy mô thử nghiệm, bước đầu đã thành công trong việc ương nuôi cá chình bột lên thương phẩm (2kg/con). Trong quá trình thực hiện Dự án, nhóm nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn như: Dịch bệnh trên cá chình khá phức tạp; việc thu gom con giống, thu mua của người dân đánh bắt từ tự nhiên mất nhiều thời gian, công sức, không sạch bệnh; có khi khan nguồn giống phục vụ thử nghiệm nên phải đặt mua từ nước ngoài; nguồn thức ăn phải nhập khẩu...

Ngoài ra, quy trình công nghệ chưa ổn định, đặc biệt là thiết bị máy móc phục vụ ương nuôi cá chình chưa đồng bộ nên ảnh hưởng đến quá trình thực hiện. Tuy vậy, nhóm nghiên cứu đã có nhiều cố gắng để thực hiện Dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đến nay, về cơ bản, đề tài đã đưa ra được quy trình ương, nuôi cá chình từ giai đoạn bột đến thương phẩm.

Ông Duật tin tưởng, triển vọng của nghề nuôi cá chình rất lớn, đòi hỏi phải có những nghiên cứu sâu sắc. Việc hoàn thiện và đưa ra quy trình nuôi sẽ giúp nghề nuôi cá chình phát triển mạnh trong thời gian tới. Dự án có rất nhiều nghiên cứu, chuyên đề phức tạp nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra cho nghề nuôi; đồng thời định hướng sự phát triển nghề nuôi trong thời gian tới.

Nuôi cá chình tại Việt Nam có nhiều thuận lợi bởi khí hậu, nhiệt độ thích hợp cho điều kiện sống của cá; đồng thời không mất chi phí để nâng nhiệt như các nước ôn đới. Do vậy, chi phí nuôi tại Việt Nam chỉ bằng 30 - 40% của thế giới. Cũng vì vậy, lợi nhuận nuôi cá chình sẽ tăng lên.

Hiện nay, nhu cầu nuôi cá chình thương phẩm rất lớn, sản phẩm luôn thiếu hụt tại các nhà hàng, khách sạn; giá thu mua tại chỗ đạt bình quân 400.000 - 450.000 đồng/kg, thời điểm thấp nhất cũng 350.000 đồng/kg. Do vậy, nghề nuôi cá chình luôn hấp dẫn nông dân cũng như những nhà đầu tư nuôi trồng thủy sản.

Dự án hiện còn rất nhiều nội dung cần nghiên cứu, khảo nghiệm, tiếp tục tiến hành trong thời gian tới. Tuy nhiên, những thành công bước đầu trong việc ương, nuôi cá chình hứa hẹn mở ra triển vọng cho nghề nuôi cá chình trên địa bàn cả nước.

Cá chình có quá trình sinh sản phức tạp, phụ thuộc vào tự nhiên. Đến nay, ngay cả các nước có nghề nuôi tiên tiến vẫn chưa thể cho sinh sản thành công cá chình. Chính vì vậy, Dự án “Hoàn thiện công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa (Aguilla marmorata) theo hình thức công nghiệp” ra đời. Đây là đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước của Bộ KH-CN, được giao cho Viện NCNTTS III, do Thạc sĩ Hoàng Văn Duật chủ nhiệm dự án, thực hiện trong 36 tháng (từ tháng 10-2012 đến tháng 10-2015).


Xuất Hiện Nhiều Cá Lau Kiếng Cuối Mùa Lũ Xuất Hiện Nhiều Cá Lau Kiếng Cuối Mùa… Hiệu Quả Nuôi Cá Bống Bớp Thương Phẩm Trong Ao Cát Hiệu Quả Nuôi Cá Bống Bớp Thương Phẩm…