Mở rộng diện tích ngô tận dụng đất, giảm chi ngoại tệ
Trong khi đó, theo dự báo ngành chăn nuôi nước ta tiếp tục tăng trưởng cao, vì thế việc mở rộng diện tích ngô vừa giúp tận dụng được diện tích đất, vừa góp phần giảm chi ngoại tệ để nhập khẩu.
Còn nhiều dư địa để phát triển
Là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, có diện tích nông nghiệp gần 719.000ha, trong đó diện tích trồng ngô chiếm trên 54.000ha, Hà Giang vẫn được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để phát triển và mở rộng diện tích cây ngô. Bà Phạm Thị Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Giang cho biết: “Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2014 đến 2016 Hà Giang đã triển khai thực hiện Dự án: “Xây dựng mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp vùng miền núi phía Bắc”.
Theo số liệu của Bộ NNPTNT, ngành chăn nuôi trong nước liên tục tăng trong những năm gần đây. Hiện số lượng đầu con thường trực đối với đàn trâu là 2,52 triệu con, bò 5,34 triệu con, lợn 28,3 triệu con, gia cầm 258,7 triệu con với tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm các loại vào khoảng 5 triệu tấn.
Đi kèm với đó là nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi tới khoảng 15 triệu tấn các loại. Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, có đến 70% nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi phải phụ thuộc vào nhập khẩu, trong đó lớn nhất là ngô.
Theo đó, mô hình được thực hiện tại các huyện: Bắc Mê, Vị Xuyên và Bắc Quang, với mục tiêu tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả do không chủ động nước sang trồng ngô. Kết quả, qua 3 năm thực hiện, tổng số diện tích lúa xuân chuyển đổi sang trồng ngô là 90ha (30ha/năm) với số hộ tham gia và hưởng lợi là 432 hộ.
Bà Hà cho biết thêm, nhà nước hỗ trợ 100% giống ngô, 50% phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); các hộ đối ứng 100% phân chuồng, công lao động và 50% phân bón hóa học, thuốc BVTV. Sau quá trình thực hiện cho thấy rõ hiệu quả năng suất ngô bình quân trong mô hình đạt 68 tạ/ha.
Với giá ngô thương phẩm hiện nay là 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí (giống, vật tư phân bón, thuốc trừ cỏ, thuốc BVTV, công lao động) 1ha sẽ cho thu nhập 7 triệu đồng. “Việc so sánh nêu trên cho thấy việc chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô đã cho thu nhập tăng 4,5 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế tăng 35% so với sản xuất lúa nước bấp bênh” – bà Hà khẳng định.
Cũng theo bà Hà, tỉnh Hà Giang xác định ngô là cây lương thực đứng thứ hai sau cây lúa, được người dân sử dụng làm lương thực cho người, còn lại một phần thành hàng hóa và chủ yếu để phục vụ phát triển chăn nuôi tại chỗ. “Đặc biệt hiện việc tiêu thụ sản phẩm ngô trên địa bàn tỉnh đang rất thuận lợi, đó chính là điều kiện khẳng định hiệu quả của việc chuyển đổi giống ngô là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao” – bà Hà khẳng định.
Cây ngô gắn kết với chăn nuôi
Ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang cho biết: “Sau 4 năm thực hiện, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng các cây trồng khác, trong đó có cây ngô. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi thêm khoảng 500ha đất lúa còn lại sang trồng ngô để phục vụ chăn nuôi”.
Ngô là một trong những cây lương thực chính, có vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp toàn cầu và có tốc độ tăng trưởng cao nhất về năng suất cũng như sản lượng”.
Ông Lê Quốc Thanh
Tuy nhiên, theo ông Phượng, để việc chuyển đổi có hiệu quả, Bộ NNPTNT, đặc biệt là Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, đơn vị thực hiện dự án phải nhanh chóng thực hiện đồng bộ các gói kỹ thuật để hỗ trợ nông dân với điểm nhấn là việc đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đây là một trong những vấn đề mấu chốt quyết định thành công của chương trình chuyển đổi.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng nữa khi thực hiện chương trình chuyển đổi phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền trong chỉ đạo, vận động người dân tham gia vào việc chuyển đổi. Đối với Bắc Giang, trong các năm tới tỉnh đã có văn bản chỉ đạo xuống các địa phương tiếp tục rà soát các diện tích đất 1 lúa, thậm chí đất 2 lúa kém hiệu quả để bổ sung vào các diện tích phải chuyển đổi.
Lấy ví dụ, huyện Yên Thế đang nhân nuôi trên 6 triệu con gà, thức ăn cần cho lượng gà trên rất lớn. Để phát triển thương hiệu gà đồi sạch, tỉnh đã chỉ đạo huyện rà soát lại các diện tích lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng ngô nhằm cung cấp thức ăn cho đàn gà. Tỉnh cũng yêu cầu địa phương vận động bà con tuyệt đối không được sử dụng thức ăn công nghiệp cho gà ăn vừa làm tăng giá thành đầu vào lại làm giảm chất lượng sản phẩm.
Đánh giá về việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, TS Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: “Ngô là một trong những cây lương thực chính, có vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp toàn cầu và có tốc độ tăng trưởng cao nhất về năng suất cũng như sản lượng”.
Ông Thanh cho biết thêm, ở Việt Nam, cây ngô có vị trí quan trọng thứ hai sau cây lúa, những thành tựu đạt được trong nghiên cứu chọn tạo giống ngô lai, các biện pháp kỹ thuật canh tác, phân bón và thị trường tiêu thụ... Sản xuất ngô thời gian qua đã làm thay đổi căn bản nghề trồng ngô ở nước ta và là động lực quan trọng thúc đẩy diện tích, năng suất và sản lượng ngô của Việt Nam tăng liên tục với tốc độ cao trong suốt những năm gần đây.
“Tuy nhiên, ngành trồng trọt đang tồn tại mâu thuẫn nội tại từ nhiều năm nay. Đó là chúng ta xuất khẩu năm cao nhất tới hơn 7 triệu tấn gạo, còn sản xuất ngô vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu nhiều triệu tấn ngô hạt về phục vụ nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Ví như năm 2015, Việt Nam nhập khẩu gần 7,6 triệu tấn (tăng 71,2% so với năm 2014). Năm 2015 cũng là năm thứ tư liên tiếp khối lượng ngô nhập khẩu liên tục tăng” – ông Thanh cho hay.
Cũng theo ông Thanh, trong khi sản xuất lúa gạo nước ta đang gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu gạo mạnh mẽ hơn, giá gạo xuất khẩu liên tục giảm và thị trường xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục bị co lại trong thời gian tới do một số khách hàng chính cũng đã phát triển sản xuất và tự cung ứng được một phần lương thực cho họ, một số nước trong khu vực có lợi thế cũng đã tham gia thị trường xuất khẩu lúa gạo. Do vậy, thu nhập từ nghề trồng lúa của nông dân sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi trong khi nhu cầu ngô hạt cần cho công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và chế biến khác đang ngày một tăng, nên việc trồng ngô là rất cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ