Mở Rộng Diện Tích Trồng Cacao Xen Trong Vườn Dừa
Phong trào trồng cacao xen trong vườn dừa và vườn cây ăn trái khác đang phát triển mạnh ở hầu hết đất vườn Bến Tre. Cùng với 52.000 ha diện tích dừa, 43.000 ha diện tích cây ăn trái, khoảng 9.500 ha cacao đang phát triển khá tốt và có chiều hướng gia tăng.
Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bến Tre, tính đến cuối tháng 9 - 2011 diện tích cacao trong tỉnh đạt hơn 9.500 ha, gần đạt chỉ tiêu kế hoạch trồng 10.000 ha cacao xen trong vườn dừa. Hiện nay nông dân trong tỉnh đang tiếp tục hoàn thành diện tích còn lại theo kế hoạch đề ra. Đây là diện tích phát triển khá ấn tượng chỉ trong thời gian ngắn phát động phong trào. Qua đó cho thấy đây còn thể hiện rõ quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và bà con nông dân trong việc đưa loại cây trồng mới vào cơ cấu sản xuất trong tỉnh. Trồng xen cacao trong vườn dừa, vườn cây ăn trái đang là vấn đế hết sức hấp dẫn không chỉ nhà vườn mà còn có sự tham gia tích cực, hiệu quả của các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp. Qua thực tế cho thấy cacao trồng ở Bến Tre có khả năng thích ứng rộng cả những vùng đất nhiễm mặn ngắn hạn, cho sản phẩm có hương vị thơm ngon. Do vậy, xét về mặt tiềm năng cacao có nhiều điều kiện và lợi thế để phát triển thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn.
Thực tế nhiều nơi loại cây trồng nầy khai thác có khả năng từ 30 - 50 năm. Cây trồng chỉ khoảng 18 tháng bắt đầu cho trái chiến, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật cây 3 năm tuổi có khả năng cho năng suất từ 500kg – 750kg/ha (khoảng 20 – 30 trái/cây). Nếu cây 5 năm tuổi cho năng suất từ 1000 – 1.300kg/ha (40 – 60 trái/cây). Doanh thu có thể đạt 50 - 65 triệu đồng/ha, lợi nhuận 35- 45 triệu đồng/ha. Mặt khác, hiện nay thị trường cacao trên thế giới khá ổn định, giá hạt cacao khô sau khi lên men dao động từ 2.000 – 3.500 USD/tấn.Triển vọng giá sẽ còn tăng theo từng năm do thị trường cung cấp cacao ở Châu Phi không ổn định, thị trường mới từ Trung Quốc có nhu cầu ngày càng tăng. Đây có thể xem là thời cơ để các tỉnh vùng ĐBSCL phát triển loại cây trồng nầy. Bởi các tỉnh nầy có thời tiết thuận lợi, nước tưới ổn định, có sẵn vườn dừa, vườn cây ăn trái che bóng mát. Đồng thời, kỹ thuật canh tác đơn giản, vốn đầu tư thấp mau thu hồi vốn, đầu ra ổn định. Hiện tại Bến Tre đã có đến trên 100 điểm thu mua sơ chế, nhiều nhất là ở Châu Thành, Giồng Trôm, Chợ Lách, Nhà máy chế biến cacao Phạm Minh xã Hữu Định, huyện Châu Thành cũng sắp đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, diện tích cacao xen trong vườn dừa, vườn cây ăn trái ở Bến Tre phát triển nhanh nhưng cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế cần có giải pháp khắc phục. Điều dễ nhận thấy nhất là hiện phần lớn diên tích trồng cacao hiện nay đều nhỏ lẻ theo từng hộ gia đình nên gặp nhiều khó khăn trong khâu tổ chức sản xuất, nhất là khâu chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật cũng như chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và tổ chức thu mua sản phẩm. Đặc biệt, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn rất nhiều nhà vườn chưa thể tiếp nhận nên cây trồng không phát triển, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Trái thu hoạch không đồng đều, chọn giống không chuẩn.Theo số liệu điều tra mới đây của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh chỉ có khoảng 40% nông hộ đạt được yêu cầu sản xuất thâm canh, còn lại hầu hết đều chỉ ở mức trung bình và thấp. Do vậy, làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng chung toàn tỉnh. Hiện chỉ đạt khoảng 500 – 600 kg hạt khô/ha/năm. Khả năng về vốn đầu tư, lao động và khâu chăm sóc của nhà vườn chưa đảm bảo đúng yêu cầu về kỹ thuật, từ khâu chăm sóc, tỉa cành, bón phân, tạo tán. Cho nên, đây là điều kiện tốt để phát sinh, lây lan dịch bệnh, làm giảm năng suất, chất lượng, tăng chi phí sản xuất. Mặt khác, tốc độ biến đổi khí hậu làm thời tiết thay đổi ngày càng khắc nghiệt. Mặn xâm nhập sâu, kéo dài hơn, làm ảnh hưởng lớn đến cây trồng. Sản xuất manh mún, thiếu liên kết cũng là yếu tố gây trở ngại cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư cùng với nông dân hình thành chuổi giá trị nên hiệu quả sản xuất không cao.
Theo kế hoạch năm 2011 sẽ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng 10.000 ha cacao trong toàn tỉnh. Hiện ngành nông nghiệp đang khẩn trương hỗ trợ nông dân tiếp tục hoàn thành số diện tích còn lại đúng theo kế hoạch đề ra. Sau khi hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, từ nay đến năm 2015, Bến Tre sẽ tiếp tục phát động phong trào mở rộng diện tích trồng mới hàng năm hơn 1.500 ha để đạt tối thiểu 30% diện tích vườn dừa trồng xen cacao (khoảng 16.000 ha). Do vậy, để đạt được mục tiêu trên cần tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhất là các khuyến nông viên cơ sở để hỗ trợ tốt hơn chuyên môn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nhà vườn. Bám sát, theo dõi chặt chẽ các diễn biến thuận lợi cũng như khó khăn trong sản xuất. Quan tâm đến các vùng canh tác có nhiều ảnh hưởng tác động từ yếu tố tự nhiên bất lợi để kịp thời hướng dẫn nhà vườn khắc phục. Kịp thời đưa ra các giải pháp, kiến nghị tháo gỡ. Tích cực vận động phối hợp các nguồn lực và điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án, vườn mẫu, các mô hình tổ, nhóm sản xuất, thu mua, sơ chế và ứng dụng các tiêu chẩn UTZ CERTIFIED trong sản xuất cacao. Tạo hình mẫu về kỹ thuật, tham quan học tập, nâng cao giá trị, tăng khả năng thâm nhập và cạnh tranh trên thị trường, tạo thế phát triển bền vững cho sản xuất cacao Bến Tre. Khuyến khích nhà vườn vừa trồng dừa, xen cacao kết hợp nuôi tôm, cá, gia súc, gia cầm, tận dụng các loại phế phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Theo ông Phan Văn Khổng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, cây cacao là cây đa niên nên việc chọn giống là cực kỳ quan trọng. Nguồn giống tốt nhất vẫn là cây ghép, đó là những cây được nhân giống vô tính. Gốc ghép được gieo từ hạt thương mại, mắt ghép lấy từ các dòng giống do Trường Đại học Nông Lâm tuyển chọn trên những cá thể tốt nhất. Hiện nay có một số dòng cacao thích nghi với vùng đất Bến Tre và có nhiều triển vọng như TD3, TD5, TD6, TD8, TD9, TD10, TD11. Các dòng nầy năng suất cao, chất lượng hạt tốt và nhà vườn nên trồng ít nhất từ 3 – 5 dòng nhằm tăng khả năng giao phấn để nâng cao năng suất.
Đặc điểm các dòng cacao triển vọng nhà vườn cần chú ý:
- Dòng TD3, trái thắt cổ chai, độ sâu của rảnh cạn, độ nhẵn trái nhẵn, hình dạng đuôi trái nhọn. Màu vỏ trái giai đoạn trái non đường sống màu đỏ tím, rãnh màu đỏ tím; Giai đoạn trái chín đường sống màu đỏ cam, rãnh màu đỏ cam. Năng suất tiềm năng 1,3 tấn/ha/năm (trồng xen, hạt khô). Cây cho trái sớm, đậu trái thường xuyên, tỷ lệ hạt chắc cao, hạt to, chín sớm.
- Dòng TD5, trái có độ sâu rãnh cạn, độ nhẵn trái nhẵn, hình dạng đuôi trái tù. Màu vỏ trái giai đoạn trái non đường sống màu xanh phớt hồng, rãnh màu xanh phớt hồng; Giai đoạn trái chín đường sống và rãnh màu vàng cam. Năng suất tiềm năng 1,4 tấn/ha/năm (trồng xen, hạt khô). Trái và hạt to, tỷ lệ hạt trên trái thấp.
- Dòng TD6, trái dộ sâu của rãnh cạn, hình đuôi trái hơi tù. Màu vỏ trái giai đoạn trái non đường sống đỏ, rãnh màu xanh pha đỏ. Giai đoạn trái chín đường sống màu đỏ, rãnh hơi vàng. Năng suất tiềm năng 1,4 tấn/ha/năm (trồng xen, hạt khô). Cây trồng sai trái, hạt to, độ chắc cao, chuyển màu không rõ rệt khi chín, trái chín muộn, hạt dễ nẩy mầm trong trái.
- Dòng TD8, trái thắt cỏ chai, độ sâu rãnh cạn, độ nhẵn trái gồ ghề, đuôi trái nhọn. Màu vỏ trái giai đoạn trái non đường sống màu xanh, rãnh màu xanh; Giai đoạn trái chín đường sống màu vàng, rãnh màu vàng. Năng suất 1,2 tấn/ha/năm (trồng xen, hạt khô).
- Dòng TĐ9, độ sâu rãnh cạn, hình đuôi trái tù. Màu vỏ trái giai đoạn trái non đường sống màu xanh nhạt, rãnh màu xanh nhạt phớt bạc; Giai đoạn trái chín đường sống màu vàng, rãnh màu vàng. Năng suất 1,2 tấn/ha/năm (trồng xen, hạt khô). Trái và hạt to, chín muộn, cây sinh trưởng mạnh, tán rộng, cây nên trồng thưa và thâm canh.
- Dòng TD10, trái thắt cổ chai, độ sâu rãnh vừa, độ nhẵn trái gồ ghề, hình đuôi trái nhọn. Màu vỏ trái giai đoạn trái chín đường sống và rãnh màu đỏ cam. Năng suất 1,3 tấn/ha/năm (trồng xen, hạt khô).
- Dòng TD11, độ sâu rãnh vừa, hình đuôi trái hơi tù. Màu vỏ trái giai đoạn trái non đường sống và rãnh màu xanh. Giai đoạn chín đường sống màu xanh, rãnh màu vàng. Năng suất 1,2 tấn/ha/năm (trồng xen, hạt khô). Tán gọn, cây cho trái sớm, sai trái, hạt to, cây chịu bóng râm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ