Tin nông nghiệp Mỗi con gà mái có diện tích ở chỉ bằng tờ giấy A4

Mỗi con gà mái có diện tích ở chỉ bằng tờ giấy A4

Tác giả Nguyên Huân, ngày đăng 15/10/2019

Mỗi con gà mái có diện tích ở chỉ bằng tờ giấy A4

Nhân ngày Trứng Thế giới (11/10), Tổ chức Phúc lợi Động vật Thế giới (Humane Society International - HSI) gửi thông điệp tới cộng đồng, hãy tiêu thụ có trách nhiệm và cân nhắc yếu tố phúc lợi động vật.

Mô hình nuôi gà không lồng thay thế đảm bảo phúc lợi động vật.

Theo HSI, trên thế giới, hơn 7 tỷ gà mái được nuôi mỗi năm đẻ trứng để làm thực phẩm cho con người và đa phần nuôi theo hình thức công nghiệp trong những chiếc lồng chật hẹp, chúng không thể sải cánh hoặc di chuyển.

Diện tích ở cho mỗi con gà mái nuôi theo hình thức này nhỏ hơn một tờ giấy A4, vì vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của chúng và tất nhiên gây nên những phát triển bất thường như cấu trúc xương do không thể vận động, bị căng thẳng và đau khổ do không thể thực hiện được các hành vi tự nhiên. 

Gà mái là loài động vật đa cảm, thông minh và thích tương tác với xã hội. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng gà mái có thể đếm, dự đoán tương lai, từ đó ảnh hưởng đến việc ra quyết định, chúng đồng cảm với gà con và thích các hoạt động xã hội như tắm bụi.

Nuôi mô hình không lồng gà mái được thể hiện các hành vi thuận theo tự nhiên bản năng.

Bà Lê Thị Hằng, phụ trách Tiếp cận Doanh nghiệp và Người chăn nuôi tại Việt Nam cho biết, trong tự nhiên, gà dành cả ngày để cào và mổ đất tìm kiếm thức ăn. Gà tắm bụi để giữ cho lông của chúng sạch và khỏe mạnh. Gà mái tìm những nơi khác nhau để đẻ trứng và ban đêm, chúng ngủ trên cành cây để tránh những loài săn mồi. Trong những mô hình lồng nuôi chật hẹp, gà mái không thể thể hiện được bất kỳ một hành vi tự nhiên nào vừa nhắc đến.

Trên thế giới, một số quốc gia đã ban hành luật để cấm hoàn toàn hoặc một phần nuôi theo mô hình nuôi gà mái đẻ trứng trong những chiếc lồng chật hẹp, bao gồm Liên minh châu Âu, Bhutan, Ấn Độ và New Zealand. Tại Hoa Kỳ, một số tiểu bang, như California và Washington, cũng đã thông qua các lệnh cấm này.

"Thật vậy, trong những năm gần đây, mối lo ngại về mô hình nuôi nhốt trong những chuồng lồng chật hẹp ngày càng tăng, vì vậy các công ty, chính phủ, trường đại học và tổ chức phát triển đã thực hiện các giải pháp thay thế, và ban hành các văn bản hướng dẫn để đem lại điều kiện phúc lợi tốt hơn cho vật nuôi. Đơn cử tại Việt Nam, lần đầu tiên Bộ Luật Chăn nuôi năm 2018 ban hành một số điều khoản về Đối xử nhân đạo vật nuôi”. Bà Lê Thị Hằng chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp, chuỗi khách sạn đã cam kết đến năm 2020, 2022 hoặc muộn nhất năm 2028 chỉ sử dụng trứng gà nuôi không lồng.

Theo các chuyên gia, hiện có một số lựa chọn, mô hình nuôi thay thế để đảm bảo phúc lợi động vật cho gà mái đã có sẵn ở thị trường Việt Nam và trên thế giới. Đầu tiên phải kể đến những mô hình sản xuất không lồng, nơi gà mái vẫn nuôi theo mô hình chuồng kín và có ổ để đẻ trứng, có cành cây/sào đậu trên cao nơi chúng có thể nghỉ ngơi, mổ, tắm bụi và đủ không gian để đi bộ, sải cánh và bay.

Ngoài ra, mô hình gà mái đẻ trứng thả vườn đảm bảo cho gà mái có thể tự do di chuyển ra bên ngoài để chúng có thể vận động, tắm nắng và tăng cường sự tương tác với các yếu tố môi trường.

Tại Việt Nam cũng như một số nước Đông Nam Á khác, trứng gà nuôi theo mô hình không lồng có phúc lợi động vật đã được bán tại các siêu thị và có rất nhiều doanh nghiệp, chuỗi khách sạn đã cam kết đến năm 2020, 2022 hoặc muộn nhất năm 2028 chỉ sử dụng trứng gà nuôi không lồng, điển hình như chuỗi khách sạn AccorHotels (Novotel, Pullman….), Marriott, Unilever, McDonald's,… cùng rất nhiều các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng thực phẩm khác.


Trồng thành công cam xã Đoài trên đất Quảng Trị Trồng thành công cam xã Đoài trên đất… Những mô hình canh tác né hạn - đậu phộng chinh phục đất lúa Những mô hình canh tác né hạn -…