Mỗi năm Việt Nam đổ bỏ 4.000 tỷ đồng tiền cám
Câu chuyện “nghèo từ cây lúa” khi 70% rơi vào tay thương lái, cò lúa... được một số chuyên gia lý giải do người trồng chưa tận dụng được giá trị gia tăng của cây lúa.
Theo tính toán, mỗi đơn vị lúa có tỷ lệ chiết xuất được dầu khoảng 12%, cho cám ở tỷ lệ 8%, ông Nguyễn Thể Hà, chuyên gia kỹ thuật - cố vấn của Công ty Bùi Văn Ngọ cho biết tại Tọa đàm “Đi tìm giá trị gia tăng cho hạt gạo Việt Nam” sáng 2/10.
45 triệu tấn lúa sản xuất mỗi năm sẽ cho ra 3,6 triệu tấn cám và 5,4 triệu tấn dầu. “Nếu làm tốt, tính riêng cám và dầu, cây lúa sẽ có giá trị gia tăng 4.000 tỷ đồng/năm”, ông Hà nhẩm tính trên giấy.
Trong khi Việt Nam luôn là nước xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới thì giá gạo của Việt Nam lại luôn đứng ở top dưới. Gạo Ấn Độ xuất khẩu có giá 600 USD/tấn, còn gạo Việt chỉ ở mức 420 USD/tấn.
Theo ông Phạm Minh Thiện - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, gạo Việt giá rẻ, nông dân Việt thu lời thấp là do chưa tận dụng được giá trị gia tăng của cây lúa.
Ông Thiện cho rằng “trước gạo, sau gạo, hông gạo đều có những sản phẩm có giá trị sử dụng rất tốt, thậm chí có thể giá trị gia tăng còn hơn gạo”.
Theo ông Thiện, các sản phẩm trước gạo có rơm, cám.
Cám có thế dùng làm thức ăn chăn nuôi, làm mỹ phẩm làm đẹp. Rơm có thể làm thức ăn cho bò, làm nấm...
Các sản phẩm sau gạo có hủ tiếu, bún...
Sản phẩm hông gạo có tấm, trấu (được ứng dụng trong sơn nano và nhiều ngành công nghiệp khác nhau do đặc tính giữ nhiệt tốt)...
“Giọt mồ hôi của người nông dân phải được trả đúng giá của nó”, ông Thiện khẳng định.
“Nấm rơm có giá trị sử dụng rất tốt. Nếu để lên bàn đủ các loại nấm như bào ngư, đùi gà, kim châm, nấm rơm..., nếu bỏ qua yếu tố giá, nấm rơm luôn được lựa chọn về độ ngon miệng. Tôi đi nhiều nước và sống tương đối lâu ở nước ngoài, ăn nhiều loại nấm nhưng các nước chưa có loại nấm này”.
Tuy nhiên, ông Thiện cũng bộc bạch: 2 tử huyệt của nấm rơm là vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề bảo quản (nấm rơm chỉ tiêu thụ được trong 1 – 2 ngày), nên chưa thể xuất khẩu được ra nước ngoài.
“Tôi nghĩ nếu một ngày nào đó, những nghiên cứu về rơm, trấu, cám... thành công, kể cả trong việc khai thác giá trị gia tăng cho gạo (đối với các dòng gạo ngon). Ngược lại, có những giống lúa năng suất cao, nhưng gạo phẩm cấp không ngon, sao không trồng những giống lúa như vậy để lấy gạo làm thức ăn chăn nuôi (hiện phần lớn thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phải nhập khẩu). Khi đó, gạo chỉ còn là phụ phẩm của cây lúa”, ông Thiện nhìn nhận.
“Nếu làm rơm, làm trấu có giá trị như lúa, làm cám cho ra khoảng 4000 tỷ đồng/năm, sau này có thể chúng ta trồng lúa chỉ để lấy trấu, rơm, cám, hoặc làm thuốc... Lúc đó, kinh tế Việt Nam hoàn toàn đủ sức đi lên từ nông nghiệp bằng chính sức lực và công nghệ của mình”, ông Hà kỳ vọng.
“Nếu ICOR (hệ số sử dụng vốn - PV) = 1, làm nông nghiệp là lời nhất, khi đầu tư 1 đồng ra 1 đồng sản lượng. Ai không đầu tư vào nông nghiệp sẽ bị chậm chân”.
Trước viễn cảnh tươi đẹp của nông nghiệp Việt Nam, ông Thiện cũng nhìn nhận vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất lớn.
Bên cạnh việc rơm nhiễm đốm vàng, vấn đề dư lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật trong rơm cũng là vấn đề đau đầu khi dùng cho bò ăn hoặc sản xuất nấm rơm.
“Tôi đã mua rơm về hấp và xử lý, nhưng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không phải muốn là lấy được”, ông Thiện bày tỏ.
Tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 tổ chức giữa tuần, nói về sự ảm đạm của thị trường lúa gạo, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng:
Ngoài vấn đề chất lượng giống thấp, đầu vào lúa gạo vẫn rất cao. Nông dân sử dụng phân bón rất lãng phí, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật dẫn tới dư lượng thuốc sau thu hoạch cao…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ